ACV phản ứng Geleximco và đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành
Trước thông tin Geleximco và đối tác Trung Quốc muốn xây sân bay Long Thành, Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) phản đối Geleximco làm toàn bộ dự án vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phương án có ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu được tổ tư vấn kiến nghị chọn làm phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành - Ảnh: ACV
|
ACV cũng công bố phương án lập Công ty liên doanh, cổ phần để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành và sẽ kiểm soát để tránh nhà đầu tư kém năng lực, có thể khiến chậm tiến độ dự án.
Chỉ nên đầu tư một số hạng mục
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc ACV, cho biết việc Geleximco kết hợp với nhà đầu tư Trung Quốc nên phải xem họ đầu tư toàn bộ hay là tham gia một số hạng mục. Nếu Geleximco kiến nghị Chính phủ tham gia đầu tư toàn bộ sân bay Long Thành, ACV phản đối.
Theo ông Đỗ Tất Bình, sân bay Long Thành ngoài phục vụ kinh doanh còn là sân bay trọng điểm, liên quan an ninh quốc gia.
Nếu Geleximco và đối tác Trung Quốc là KAIDI Dưong Quang tham gia một số hạng mục, với vai trò chủ trì của ACV, theo ông Bình, ACV sẽ tạo điều kiện nhưng "phải ràng buộc chặt chẽ, ACV chịu trách nhiệm hoàn toàn về công nghệ, tiến độ thi công, chất lượng...".
Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc nhà đầu tư Geleximco của ông Vũ Văn Tiền chưa có kinh nghiệm, ông Bình công nhận không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm về đầu tư lĩnh vực hàng không, quan trọng là phải xác minh được nguồn vốn thật sự và tính khả thi khi đầu tư.
Chưa có danh mục kêu gọi đầu tư
Ông Bình cho biết Chính phủ đã giao cho ACV lập dự án báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng sân bay Long Thành.
Sau khi chọn tư vấn, lập xong báo cáo khả thi, ACV sẽ báo cáo các phương án về hình thức đầu tư cũng như cơ chế, nguồn vốn hay danh mục kêu gọi đầu tư.
ACV cũng sẽ đưa ra kế hoạch, trong đó chia thành nhóm các công trình: Nhóm hạng mục công trình bằng ngân sách nhà nước, nhóm từ vốn ACV, nhóm vay ODA, nhóm đầu tư PPP.
Trong nhóm đầu tư PPP, ACV đề xuất được chủ trì thành lập các công ty liên doanh, cổ phần để đầu tư xây dựng. Các nhà đầu tư PPP có thể là đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Bình trấn an cũng sẽ có bộ tiêu chí để lựa chọn, gồm cả kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm đầu tư sân bay... Dù nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ hay Trung Quốc... cũng sẽ dựa trên bộ tiêu chí đó.
"Hiện nay chưa thể đánh giá được vì Geleximco chỉ đưa ra ý tưởng, chưa rõ nguồn vốn đầu tư bao nhiêu và điều kiện cụ thể như thế nào. Nếu họ được Chính phủ cho phép tham gia đầu tư thì ACV phải kiểm soát", ông Bình nói.
Không được chủ quan trong chọn nhà thầu
Ông Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cho rằng để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT phải có nghiên cứu báo cáo tiền khả thi đầy đủ, không nên ra một đầu bài rồi các doanh nghiệp VN vào cuộc và mời Công ty Trung Quốc tham gia. Họ vừa nghiên cứu khả thi rồi đứng ra đầu tư sẽ phát sinh mâu thuẫn.
Theo ông Tống, "Trung Quốc không có kinh nghiệm xây dựng sân bay quốc tế lớn nên việc đề xuất làm sân bay văn minh với giá rẻ là rất nguy hiểm".
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng VN không đánh đồng các nhà thầu Trung Quốc là không tốt, nhưng cũng không thể bàng quan với những cái bẫy giá rẻ.
|
http://tuoitre.vn/acv-phan-ung-geleximco-va-doi-tac-trung-quoc-xay-san-bay-long-thanh-20170901085312064.htm
|