6,000 nhân viên nghỉ việc, lỗ lũy kế vượt 40% vốn, Mai Linh bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Khi lỗ lũy kế 795 tỷ đồng và khoản nợ phải trả vượt tài sản ngắn hạn, CTCP Tập đoàn Mai Linh (MLG) nổi danh một thời đến nay bị kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục.
6,000 nhân viên nghỉ việc, lỗ lũy kế vượt 40% vốn, Mai Linh bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
|
Lỗ lũy kế 795 tỷ đồng, vượt 40% vốn chủ sở hữu
Tại ngày 30/06/2017, kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về khoản lỗ lũy kế 795 tỷ đồng của Mai Linh (vượt gần 40% so với mức vốn chủ sở hữu hiện nay là 571.5 tỷ đồng); cùng với đó tổng nợ phải trả ngắn hạn (2,611.7 tỷ đồng) đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn (1,349 tỷ đồng). Theo đó, kiểm toán đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Mai Linh.
Hơn nữa, kiểm toán cũng nhấn mạnh việc Tập đoàn có ghi nhận một phần khoản chi phí lãi vay, và một số chi phí hoạt động kinh doanh tại khoản mục “chi phí trả trước dài hạn” từ những năm trước trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, mà không ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất theo quy định chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, nếu Mai Linh thực hiện ghi nhận vào chi phí trên, chỉ tiêu chi phí trả trước dài hạn và lợi nhuận lũy kế sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2017 sẽ giảm với số tiền là 609 tỷ đồng.
Theo BCTC soát xét, tính đến 30/06/2017, tổng tài sản của Mai Linh ở mức 5,352 tỷ đồng, giảm 6% so với hồi đầu năm 2017. Tài sản ngắn hạn 1,349 tỷ đồng, riêng khoản phải thu ngắn hạn là 1,206 tỷ, chiếm tỷ trọng 22%. Tài sản dài hạn ở mức 4,003 tỷ đồng. Đáng chú ý, Mai Linh đang ghi nhận nợ xấu gần 729 tỷ đồng, tăng gần 3% so với thời điểm cuối năm 2016.
Mặt khác, nợ ngắn hạn của Mai Linh đang ở mức 2,611 tỷ đồng và nợ dài hạn 2,169 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ vay ghi nhận 2,065 tỷ đồng, bao gồm 1,317 tỷ vay nợ ngắn hạn và 748 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Với mức nợ vay trên, riêng chi phí lãi vay Mai Linh phải trả trong 6 tháng đầu năm lên đến 90 tỷ đồng.
6,000 nhân viên nghỉ việc, chung cảnh với Vinasun
Một vấn đề đáng quan tâm khác, tổng số nhân viên của Mai Linh tính đến cuối kỳ báo cáo chỉ còn gần 23,896 người, giảm gần 6,000 người (tương đương 20%) so với thời điểm cuối năm 2016. Điều này khiến nhà đầu tư nhớ đến một đại gia taxi truyền thống khác là Vinasun (VNS), khi tính đến cuối quý 2/2017, đơn vị này ghi nhận nhân sự giảm 8,000 người.
Được biết, với sự xuất hiện của Uber và Grab, thị phần taxi truyền thống đã giảm đáng báo động khiến Vinasun, Mai Linh cùng nhiều đơn vị khác trong ngành rơi vào cảnh khó khăn.
* “Đại chiến” taxi đã lên đến đỉnh điểm
Chưa hết, tính đến 30/06/2017, một số công ty con trực tiếp và công ty con gián tiếp của Mai Linh đã tạm ngừng hoạt động để tổ chức lại bộ máy quản lý, cũng như nhằm hoạt động theo chương trình tái cấu trúc. Điển hình có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Sài Gòn Bình Minh, Công ty TNHH Chợ Lớn Taxi, Công ty TNHH Ba Mươi Taxi, Công ty TNHH Deluxe Taxi...
Nửa đầu năm thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán nửa đầu năm 2017, doanh thu thuần Mai Linh đạt 1,722 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ taxi vẫn chiếm tỷ trọng trọng yếu là 83%, song ghi nhận giảm 10% so với cùng kỳ xuống mức 1,436 tỷ đồng. Doanh thu bán xe mang về 58 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa và hoạt động khác.
Trừ các chi phí, Tập đoàn Mai Linh lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 47.5 tỷ đồng, tăng lỗ so với mức 25.5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong kỳ Mai Linh có thu tiền phạt, tiền bồi thường và thanh lý nhượng bán tài sản cố định mang về khoản lợi nhuận 76.4 tỷ đồng. Nhờ đó, Mai Linh vẫn ghi nhận hơn 20 tỷ đồng lãi sau thuế trong nửa đầu 2017, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi ròng của cổ đông Công ty mẹ đạt 11.4 tỷ đồng, giảm 67%.
Về Mai Linh, 3 năm trở lại đây (2014-2016) mặc dù doanh thu tăng đều, song lãi ròng từ năm 2016 đã ghi nhận giảm mạnh gần 80%, từ mức 116 tỷ (2015) chỉ còn xấp xỉ 26 tỷ đồng (2016). Biên lãi ròng theo đó cũng đi xuống rõ rệt, từ mức 1.3% (2014) giảm chỉ còn 0.7% (2016).
|