Xi măng Hà Tiên dính nhiều sai phạm tại dự án BOT 461 tỷ đồng
Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9, TPHCM được thực hiện theo hình thức BOT do Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên (Mã HT1 - HOSE) làm chủ đầu tư. Dự án không thành lập doanh nghiệp dự án mà công ty thành lập Ban quản lý dự án để quản lý dự án trong thời gian xây dựng, tổng mức đầu tư là 461 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 69 tỷ đồng (15%), vốn vay 392 tỷ đồng (85%).
Quy mô dự án, đường bê tông xi măng rộng 30 m, dài 2,626 km khởi công ngày 6/6/2012 và hoàn thành ngày 14/6/2014, thời gian khai thác theo phương án hợp đồng là 24 năm. Dự án vẫn chưa hoàn thành và quyết toán công trình.
Kết quả thanh tra mới công bố của Thanh tra Chính phủ cho thấy, UBND TPHCM đã không thực hiện công bố danh mục dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu để kêu gọi đầu tư là vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 8, Nghị định 78/2007/NĐ-CP.
Dự án được UBND thành phố chỉ định cho Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên làm nhà đầu tư mà không tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư là vi phạm quy định tại Điều 11 Nghị định 78.
Về công tác thực hiện đầu tư, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, theo quy định về thực hiện dự án theo hình thức BOT, đến thời điểm đàm phán hợp đồng, nhà đầu tư phải có cam kết hoặc thoả thuận bằng văn bản với các nhà cung cấp vốn, đầu tư phải huy động vốn phù hợp với tiến độ đầu tư ghi trong hợp đồng dự án và báo cáo việc huy động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng theo quy định.
Tuy nhiên, hợp đồng BOT được ký ngày 3/6/2012 nhưng đến ngày 9/10/2013 mới có thông báo tài trợ dự án của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là vi phạm quy định hiện hành.
Tại bảng 2 của Phụ lục 3 hợp đồng, nếu chưa tính chi phí vốn chủ sở hữu, dự án khai thác sau 24 năm mới hoàn trả vốn vay và còn dư 701,567 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại bảng 3 của Phụ lục 3 hợp đồng, nếu tính vốn vay với lãi suất 13,4% và chi phí sử dụng vốn 10%/năm thì sau 24 năm dự án không có khả năng hoàn vốn, lỗ 344, 659 tỷ đồng.
“Việc ký kết hợp đồng với các điều khoản không thống nhất sẽ ảnh hưởng đến việc xác định thời gian thu phí và bàn giao dự án BOT cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Theo quy định về thuế VAT, khi nhà đầu tư hoàn thành dự án sẽ được nhà nước hoàn trả. Tuy nhiên, tại bảng 3 của Phụ lục 3 hợp đồng, bảng tính dòng tiền của dự án, trong đó phương án tài chính cả thuế VAT với giá trị 29 tỷ đồng trong thời gian xây dựng dẫn đến làm tăng thời gian thu phí không đúng thực tế.
Về công tác thiết kế, thi công, dự toán, Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định, công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, tổng dự toán phải đảm bảo chính xác. Tuy nhiên, công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, tổng dự toán còn nhiều sai phạm dẫn đến trong quá trình thi công phải điều chỉnh khối lượng, đơn giá làm tăng chi phí xây dựng 6,8 tỷ đồng, phê duyệt chi phí đảm bảo giao thông không đúng quy định là 2,7 tỷ đồng vi phạm quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Về tiến độ thi công và nghiệm thu thanh toán, cũng theo Thanh tra Chính phủ, hiện nay, dự án vẫn đang triển khai thực hiện, tiến độ thi công chậm do công tác giải phóng mặt bằng đã làm giảm doanh thu thu phí, kéo dài thời gian dự án, nghiệm thu, thanh toán không đúng quy định một số hạng mục với giá trị là 1,4 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TPHCM, Bộ Giao thông Vận tải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đã vi phạm các quy định pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã giao.
http://vneconomy.vn/chung-khoan/xi-mang-ha-tien-dinh-nhieu-sai-pham-tai-du-an-bot-461-ty-dong-20170822102359534.htm
|