Vốn cho kinh tế tư nhân nhìn từ bảo lãnh tín dụng
Nếu chọn 1 lát cắt để từ đó nhìn thẳng vào việc triển khai tín dụng cho vay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có lẽ nhân sự cho vay - tức là những người làm công tác thẩm định tín dụng và có thẩm quyền duyệt vay, là một trong những điểm nhìn quan trọng.
Ở cấp độ tổ chức tài chính phi tín dụng nhưng là một nền tảng cơ sở cho tổ chức tín dụng phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng SMEs của các địa phương; đặt biệt là TPHCM có vai trò hết sức quan trọng.
Câu hỏi về nhân sự
Về lý thuyết, quỹ bảo lãnh trên cơ sở thẩm định các hồ sơ vay vốn chủ yếu của SMEs, xem xét phương án vay, hoàn vốn khả thi, với cả hồ sơ có tài sản đảm bảo lẫn không tài sản đảm bảo, đánh giá có thể cho vay được thì sẽ bảo lãnh để hồ sơ đó được vay vốn từ một tổ chức tín dụng có sự hợp tác cùng quỹ bảo lãnh tín dụng.
Trong quá trình doanh nghiệp (DN) sử dụng vốn vay ngân hàng thông qua sự bảo lãnh của quỹ, quỹ có thể giám sát tất cả các khâu đồng thời có thể hỗ trợ bù lãi suất một phần cho DN nếu chênh lệch lãi suất, đền bù vốn vay cho ngân hàng nếu đó là DN vay kinh doanh và mất vốn… Có nghĩa, những người làm công tác tại một quỹ bảo lãnh tín dụng không những phải có những kiến thức chuyên sâu về ngân hàng - tài chính, mà còn phải có năng lực về kinh tế ngành, chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doan của doanh nghiệp để có thể thẩm định, đánh giá một hồ sơ với các phương án sản xuất kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp, lẫn năng lực tính toán hỗ trợ cho doanh nghiệp để quá trình sử dụng vốn vay hiệu quả, giảm chi phí tối ưu, đảm bảo đầu tư hoàn vốn (ROI) cao. Nói cách khác, các cán bộ này phải có năng lực chuyên sâu, thực tiển hơn về kinh doanh phát triển của DN mới đủ sức đánh giá sự thành công và mức rủi ro có thể xảy ra của DN, vượt hơn tiêu chuẩn cho vay thông thường của NHTM .
Với tiền đề đó, thử đặt lại có bao nhiêu quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương ở nước ta đảm bảo có những nhân sự điều hành và các nhân sự quản lý cấp cao, cấp trung đáp ứng được? Chưa nói tới các chuyên viên ở các bộ phận chuyên môn trong quỹ. Và có bao nhiêu quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương đang là nơi “thực hành” - nắm giữ “yết hầu” của một kênh bảo lãnh, bơm vốn quan trọng đến SMEs của những nhà quản trị hành chính, những nhân sự làm việc chuyên môn về hành chính ở các tổ chức, cơ quan quản lý công của nhà nước, được phân công đảm nhiệm?
Bỏ hay thay đổi?
Đó là lý do vì sao các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương thường khó phát huy được vai trò của mình và các DN thường mang hồ sơ đến thẳng ngân hàng hơn là đi tìm nhà bảo lãnh. Cũng là lý do vì sao những quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương lớn như khu vực TP HCM, lại chỉ có vốn điều lệ ở quy mô vô cùng khiêm tốn so với chức năng mà lẽ họ thực ra để phát huy (hơn 200 tỷ đồng, bao gồm cả vốn góp Nhà nước lẫn vốn góp ngân hàng). Giả thử, nếu vốn điều lệ của quỹ - cần xem như một tổ chức phải có vốn thực góp pháp định, bằng 1/2 vốn của một ngân hàng tối thiểu theo quy định, chắc hẳn “size” của những khoản bảo lãnh tín dụng đối với DN sẽ có khoảng “co cựa” để bảo lãnh một cách uy tín và ngày càng mở rộng hơn.
Trong rất nhiều lĩnh vực cần đầu tư công như hạ tầng, Nhà nước đang “gánh” một phần và một phần nỗ lực xã hội. Vậy, có nên xem quỹ bảo lãnh tín dụng như một khoản cũng cần sự tham gia của đầu tư công khi khoản đầu tư vào quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương không chỉ là một con đường tạo ra lợi ích cho một DN, mà có thể là hàng trăm con đường mở ra lợi ích dân và xã hội, bao gồm công ăn việc làm lẫn tăng GDP (theo tư duy mỗi DN là một con đường). TP HCM đầu tư mỗi con đường, cây cầu có vốn vài ngàn tỷ đồng, nhưng mỗi con đường chỉ đáp ứng một phần giao thông và phát triển kinh tế. Chỉ cần bố trí vốn của 1 con đường, vào khoảng 2.000 tỷ cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng SMEs; với một đội ngũ chuyên sâu như Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture); thì có thể tạo ra hàng ngàn DN thành công, trong đó có hàng trăm DN sẽ vươn lên thành công ty lớn cạnh tranh với quốc tế; hàng trăm ngàn việc làm sẽ tạo ra theo những ngành nghề chúng ta muốn hướng đến, góp phần thành công cho nền kinh tế giá trị và hội nhập. Những điều đó tất nhiên có giá trị hơn nhiều so với một con đường mở rộng hơn.
Tất nhiên, khi đã dành ra 2.000 tỷ đồng cho Quỹ thì quỹ phải được thay đổi “chất” nhân sự thật sự; thậm chí thuê 1 giám đốc Quỹ “thứ thiệt” về quản lý giai đoạn đầu.
TP HCM là đầu tầu kinh tế của quốc gia; Chính phủ kiến tạo chính là giúp tạo ra nhiều doanh nghiệp SMEs thành công vươn lên; mà ở một Thành phố đầu tàu thì tư duy kiến tạo, “đỡ đầu” một cách công bằng như một Quỹ bảo lãnh tín dụng SME khoảng 2.000 tỷ cho khối DN SMEs là hoàn toàn xứng đáng. Cần lưu ý rằng tại Nhật, chính nhờ Quỹ bảo lãnh tín dụng SMEs đã giúp các DN Nhật thành công rất lớn.
http://enternews.vn/von-cho-kinh-te-tu-nhan-nhin-tu-bao-lanh-tin-dung-115828.html
|