Thứ Hai, 28/08/2017 13:06

Toàn cảnh bức tranh doanh nghiệp ngành hàng không nửa đầu năm

Bức tranh ngành hàng không nửa đầu năm 2017 có những mảng màu đối lập xen lẫn những nét chấm phá mới…

Đối lập giữa những ông lớn ngàn tỷ

Dù đều là những ông lớn trong ngành với lợi nhuận nửa đầu năm cán mốc trên một ngàn cho đến vài ngàn tỷ nhưng bức tranh ngành hàng không thời gian này có sự phân hóa rõ nét.

Điển hình là trường hợp của Vietjet (VJC) và Vietnam Airlines (HVN) – hai ông lớn đầu ngành. Nếu như lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất 6 tháng đầu năm của Vietjet đạt 1,900 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ (riêng quý 2 đóng góp gần 1,500 tỷ đồng) thì con số này tại Vietnam Airlines lại giảm một nửa xuống chỉ còn hơn 1,000 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân tác động lớn đến kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines là do các khoản thu nhập khác (không còn khoản thu hỗ trợ tín dụng máy bay và động cơ) giảm mạnh.

Một số chỉ tiêu tài chính giữa HNV và VJC nửa đầu năm 2017

Trái ngược với Vietjet, quý 2/2017 của Vietnam Airlines chỉ mang về khoản lãi 77 tỷ đồng, giảm 84% so với quý 2/2016 do tính mùa vụ của mùa thấp điểm trong kinh doanh vận tải hàng không và diễn biến giá nhiên liệu cũng tăng so với cùng kỳ đẩy chi phí nhiên liệu đầu vào tăng.

Theo tổng hợp của Cục hàng không Việt Nam (CAAV), Vietjet đã khai thác 49,560 chuyến bay trong nửa đầu năm 2017 (tăng 19.3%), trong khi Vietnam Airlines khai thác 64,204 chuyến bay (giảm 1.7%).

Tháng 7/2017 vừa qua, Hãng hàng không Nhật Bản - Japan Airlines (JAL) vừa ký kết hợp tác với Vietjet sau khi “chia tay” Vietnam Airlines (hai bên đã chấm dứt hợp tác sau khi công ty mẹ của All Nippon Airways là ANA Holdings mua lại gần 9% cổ phần của Vietnam Airlines với giá 2,430 tỷ đồng).

Với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - “gã khổng lồ” độc quyền trong khai thác cảng, đồng Yên không biến động nhiều trong quý 2 đã giúp ACV hết lỗ tỷ giá, báo lãi sau thuế đạt 1,320 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận gần 6,900 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 2,000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Về phía các doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ, Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, UPCoM: SGN) - Công ty do ACV sở hữu hơn 48% vốn đạt gần 130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thực hiện được 57% kế hoạch năm. Cổ phiếu SGN khá “nổi” trên UPCoM khi nhanh chóng tăng hơn 370% kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2015, hiện đang dừng ở mức 153,000 đồng/cp.

Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco, HNX: MAS) - công ty liên kết của Vietnam Airlines với tỷ lệ nắm giữ 36.07% - ghi nhận lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt gần 33 tỷ đồng, tăng 21% so với nửa đầu năm 2016 và tương đương 95% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong khi đó, con số này tại Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) - công ty con của Vietnam Airlines lại giảm 14% xuống 123 tỷ đồng.

Được biết, cả MAS và NCT đều là các doanh nghiệp chi trả cổ tức rất mạnh tay. Liên tục những năm gần đây (2014-2016), MAS đều chia cổ tức bằng tiền trên 100%. Năm 2017, MAS dự kiến trả cổ tức ở mức 78.2%.  Còn NCT, giai đoạn 2011-2016 mức cổ tức luôn trên 100% mà đỉnh điểm là năm 2013 lên tới 236%. Tuy nhiên, ĐHCĐ thường niên năm 2017 trước đó chỉ thông qua kế hoạch cổ tức cho năm 2017 là 79%. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế kế hoạch 2017 của cả hai công ty này đều giảm so với thực hiện năm 2016.

Một số chuyên gia phân tích đánh giá rằng, cả MAS và NTC đều đang “đuối sức” với chính sách cổ tức cao, vấn đề của hai công ty là dành quá nhiều lợi nhuận để trả cổ tức thay vì đầu tư phát triển.

Những tân binh mới

Trên sàn niêm yết, sau ACV, HVN, VJC, NAS, CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS) mới đây cũng đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng và thực hiện niêm yết trong năm 2017.

CIAS là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không và thương mại tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, được thành lập từ năm 2009 với các cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và CTCP Yasaka-Sài Gòn Nha Trang, trong đó ACV nắm giữ tỷ lệ và vai trò chi phối. Năm 2015, thực hiện chủ trương của Chính phủ, ACV đã bán toàn bộ phần vốn góp Nhà nước tại CIAS thông qua hình thức đấu giá.

Về phía các hãng hàng không sắp gia nhập thị trường, cuối năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng chấp thuận cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung cho CTCP Dịch vụ bay và Du lịch biển Tân Cảng (được thành lập tháng 3/2016). Nếu được cấp phép, Công ty Tân Cảng sẽ khai thác 2 tàu bay cánh bằng loại nhỏ hoặc trực thăng vào năm 2018 phục vụ du lịch tại khu vực Nam Trung Bộ. Định hướng lâu dài của hãng là sẽ cung cấp dịch vụ hàng không chung với các loại hình như bay taxi, phục vụ khách du lịch, bay khảo sát địa chất, chụp ảnh bản đồ, bay cứu thương.

Cũng trong năm 2016, hai hãng hàng không mới là SkyViet (liên doanh giữa Vietnam Airlines và Techcombank) và Vietstar đều xin cấp phép hoạt động. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ sau 1 năm thành lập, SkyViet đã tính chuyện giải thể theo mong muốn của hai cổ đông Techcom Capital và Techcomdeveloper.

Còn Vietstar, sau nhiều gian nan, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng sau khi hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vì hiện sân bay này đã quá tải.

Vietstar Airlines thành lập năm 2010, là đơn vị liên doanh liên kết với Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng. Hãng sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam. Được biết, theo kế hoạch kinh doanh của Vietstar Airlines, trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, hãng dự kiến khai thác đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 737 hoặc Airbus 320. Hãng cũng đã xuất trình thỏa thuận thuê ba tàu bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay. Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tính đến cuối năm 2015, vốn điều lệ của Công ty là 800 tỷ đồng.

Bất ngờ lấn sân sang mảng hàng không, cuối tháng 5/2017 vừa qua, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc thành lập công ty con là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, FLC góp 100% vốn. Đến giữa tháng 6/2017, Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết đã nhận được hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không của công ty này.

Được biết, doanh nghiệp mới sẽ có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không dân dụng và sẽ vận chuyển khách tới các điểm du lịch mà FLC đang khai thác, kỳ vọng cuối năm 2018 sẽ đi vào khai thác thương mại.

Ba hãng hàng không Vietstar, AirAsia và Viet Bamboo Airlines

Đầu tháng 4/2017, theo tin từ Bloomberg, Hãng hàng không giá rẻ AirAsia đang lên kế hoạch thành lập hãng hàng không tại Việt Nam thông qua hợp tác với Gumin, CTCP Hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên. Trong một thông báo gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán, AirAsia cho biết hãng hàng không mới dự kiến bay từ đầu năm 2018, Gumin sẽ nắm giữ 70% cổ phần công ty liên doanh mới và AirAsia sở hữu phần còn lại.

Công ty liên doanh ở Việt Nam của AirAsia sẽ cần tới khoản đầu tư 1,000 tỷ đồng (tương đương 44 triệu USD), và AirAisa sẽ đóng góp 30% trong số đó sau khi tiến hành huy động vốn nội bộ.

Tăng trưởng nóng, hủy hay chậm chuyến đã giảm

Theo Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), 6 tháng đầu 2017, thị trường hành khách hàng không tăng trưởng 19.5% so cùng kỳ năm 2016, đạt 30.3 triệu khách. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 46.3 triệu lượt hành khách, tăng 17.5%. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam (HKVN) đạt 21.8 triệu hành khách, tăng 15.1%. Tính đến tháng 6/2017, đội tàu bay cánh bằng của các hãng Việt Nam khai thác vận chuyển hàng không gồm 164 chiếc, tăng 17 chiếc so thời điểm cuối năm 2016 với độ tuổi bình quân là 5.7 tuổi, tỷ lệ sở hữu đạt 36% (59 tàu bay sở hữu). Từ nay đến hết năm 2017, các hãng HKVN dự kiến sẽ nhận thêm 20 tàu bay. 

Nửa đầu năm 2017, các hãng HKVN thực hiện xấp xỉ 137.6 ngàn chuyến bay, tăng 7.2% so với cùng kỳ 2016. Mặc dù số lượng chuyến bay khai thác tăng nhưng tỷ lệ chuyến bay bị chậm, hủy của các hãng lại giảm so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tỷ lệ chậm là 12.2% (giảm 3.6 điểm so với cùng kỳ 2016) và tỷ lệ hủy là 0.5% (giảm 0.1 điểm).

Nguồn: CAAV

Đối với đầu tư phát triển cảng hàng không trong giai đoạn hàng không phát triển quá nóng, tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025 vào ngày 08/08/2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết ngành hàng không cần tập trung, ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh...) và đầu tư, khai thác có hiệu quả các cảng hàng không hiện có; khuyến khích hợp tác công tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới Cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành…/.

Các tin tức khác

>   MBB: CÔNG BỐ THÔNG TIN BÁO CÁO TÀI CHÍNH MB QUÝ II NĂM 2017 (28/08/2017)

>   VCH: Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 (28/08/2017)

>   WSS: Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc (28/08/2017)

>   HCD: BCTC quý 2 năm 2017 (25/08/2017)

>   HCD: BCTC Hợp nhất quý 2 năm 2017 (25/08/2017)

>   FIT: BCTC Hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 (25/08/2017)

>   FIT: BCTC 6 tháng đầu năm 2017 (25/08/2017)

>   BWE: BCTC 6 tháng đầu năm 2017 (25/08/2017)

>   APG: Thông báo mời tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 (25/08/2017)

>   EIB: Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi địa điểm Phòng giao dịch Trung Sơn và Phòng giao dịch Tân Châu (25/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật