Thứ Bảy, 05/08/2017 14:15

Thương lái Trung Quốc 'đạo diễn' hồ tiêu Việt ra sao?

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vừa có cảnh báo về việc một số doanh nhân Trung Quốc đang có những động thái ảnh hưởng đến thương mại hồ tiêu trong nước.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, giá hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường từ cuối tháng 7 đến nay.

Cụ thể, có ngày trong buổi sáng đang ở mức giá từ 80.000 đồng/kg đã tăng lên 86.000 đồng/kg, sau đó đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. Hiện nay, giá vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp hội viên VPA, có bằng chứng cho thấy có một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đang “điều khiển” thị trường hồ tiêu của Việt Nam.

Cụ thể, tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu đều có hiện tượng nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đến doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đặt mua hồ tiêu. 

Điều bất thường là doanh nghiệp Việt Nam đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán với họ. Sau đó, họ liên tục hối thúc doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hợp đồng. Theo thông lệ thường sau 3 ngày kể từ khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chuyển tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, hiện có nhiều trường hợp đã quá hạn 3 ngày nhưng các doanh nghiệp này vẫn không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua, đồng thời giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ... để trì hoãn thực hiện việc đặt cọc. 

Phương thức này được các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện với nhiều công ty xuất khẩu của Việt Nam, từ đó tạo thông tin lan truyền thị trường đang cần nhu cầu mua hồ tiêu với số lượng lớn. 

Thương lái Trung Quốc từng nhiều lần "giở trò" mua rễ tiêu khô Việt Nam nhưng rút cuộc nông dân thiệt hại. (Hình: Internet)

Cùng thời gian này, vì biết các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sẽ phải gấp rút mua gom từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp Trung Quốc, nên cũng chính nhóm doanh nghiệp Trung Quốc này lập tức toả đi các địa phương giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu tại địa phương các vùng trồng hồ tiêu và hứa sẽ bán hồ tiêu cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó.

Với cách làm này, các đại lý này thấy lời nên sẽ đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ nói không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ.

Lúc đó, trong áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu với doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bán hồ tiêu của họ ra cho các đại lý với giá tăng nóng do họ đặt ra.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đều không liên lạc được với các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo VPA, cách làm này không mới nhưng đang trở lại gần đây gây nhiều hệ luỵ cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Chẳng hạn các doanh nghiệp Trung Quốc thường ký hợp đồng với số lượng lớn khiến doanh nghiệp Việt Nam thấy có lợi nhuận tốt. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mải lo thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc nên không xuất khẩu đi các thị trường khác được.

Sau đó doanh nghiệp Trung Quốc lại “xù” hợp đồng khiến doanh nghiệp xuất khẩu vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín, mối làm ăn với các doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường truyền thống khác.

Cùng với đó, doanh nghiệp Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà xuất khẩu.

Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam bởi việc mua bán đã không theo quy luật thị trường. 

http://plo.vn/kinh-te/thuong-lai-trung-quoc-dao-dien-ho-tieu-viet-ra-sao-719445.html

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo: Nhiều rào cản khiến doanh nghiệp hoang mang (04/08/2017)

>   Doanh nghiệp Việt trúng thầu 175.000 tấn gạo bán cho Philippines (30/07/2017)

>   Ngành gạo không phải loay hoay giải quyết đầu ra đến hết quý 3 (27/07/2017)

>   Nhập khẩu rau quả 7 tháng đầu năm tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ (27/07/2017)

>   Vùng nguyên liệu “trói” hạt gạo xuất khẩu (16/07/2017)

>   Sản xuất hồ tiêu gặp khó (11/07/2017)

>   Lượng muối tồn giảm do thời tiết phức tạp làm sản lượng giảm (10/07/2017)

>   Việt Nam sẽ dự thầu bán 250.000 tấn gạo cho Philippines (07/07/2017)

>   Xuất khẩu gạo sẽ giảm về lượng, tăng giá trị (06/07/2017)

>   Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo (05/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật