Thêm một giải pháp thúc đẩy cổ phần hoá, bán vốn tại DNNN
Từ việc “nhỏ giọt” công bố danh sách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hoá hay thoái vốn thì Chính phủ sẽ công bố một Danh mục bao gồm tổng thể các doanh nghiệp của tất cả các bộ, ngành, địa phương cần bán vốn từ nay tới năm 2020 để các nhà đầu tư tiện theo dõi, tính toán đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp.
Trên đây là chia sẻ của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục Trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, khi các bộ đang rà soát, tổng hợp Danh mục các doanh nghiệp mà Nhà nước có vốn phải bán trong giai đoạn 2017-2020 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Tiến, việc ban hành Danh mục này sẽ giúp tăng cường công khai, minh bạch và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh không cần phải nắm giữ vốn. Đồng thời, để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm được kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn của doanh nghiệp, lĩnh vực mà mình quan tâm trong thời gian 4 năm tới để chuẩn bị kế hoạch đầu tư bài bản.
Vậy kế hoạch cổ phần hoá, Danh mục doanh nghiệp cần bán vốn của các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có được thể hiện trong Danh mục này không, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến: Đối với một số tập đoàn lớn, Tổng Công ty Nhà nước có quy mô lớn như PVN, EVN, SCIC, Habeco, Sabeco, ACV,... hay các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, TPHCM thì Thủ tướng có quyết định riêng, cá biệt đối với các doanh nghiệp đó. Còn với Danh mục các doanh nghiệp cấp I của các bộ, ngành, địa phương còn lại của cả nước, theo tính toán là 375 doanh nghiệp với tổng vốn tính theo mệnh giá khoảng 108.502 tỷ đồng. Danh sách này sẽ được cơ quan chức năng công khai ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian ngắn nữa, trong đó thể hiện rõ mức độ, tỷ lệ vốn Nhà nước cần phải bán tại từng doanh nghiệp, từng năm một từ nay tới năm 2020.
Vậy Chính phủ có đặt ra ưu tiên cho việc bán vốn với nhóm doanh nghiệp nào trước không?
Ông Đặng Quyết Tiến: Việc bán vốn là không phân biệt lĩnh vực nào cả. Lĩnh vực nào có cơ hội, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì sẽ làm. Tỷ lệ vốn Nhà nước phải bán đặt ra trong Danh mục này là tối thiểu. Còn trên thực tế thì bộ, ngành, doanh nghiệp có thể bán vốn nhiều hơn, nhanh hơn tuỳ theo tình hình của thị trường. Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, địa phương không được dồn việc thoái vốn vào năm cuối của nhiệm kỳ, vì đây là trách nhiệm bộ, địa phương để thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương đã cam kết với nhân dân về thu gọn vốn Nhà nước tại các lĩnh vực không cần thiết để tập trung cho các lĩnh vực đầu tư trọng điểm của Nhà nước.
Với chủ trương Nhà nước không cần nắm giữ vốn tại các lĩnh vực không cần thiết thì tại sao dự thảo Quyết định không thể hiện mạnh mẽ hơn cho các bộ, địa phương thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp này?
Ông Đặng Quyết Tiến: Đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục này thì có DNNN chỉ nắm giữ vốn theo tỷ lệ nhất định và loại DNNN không cần nắm giữ. Việc công bố bán vốn tại các doanh nghiệp là theo lộ trình. Sẽ có doanh nghiệp thoái hết và có doanh nghiệp chia giai đoạn để bán nhưng mỗi giai đoạn phải ở mức từ 20-36% tổng số vốn cần thoái để hấp dẫn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chủ yếu các doanh nghiệp trong Danh mục này đều thuộc dạng Nhà nước phải thoái hết vốn. Việc thoái hết vốn trong 1 lần hoặc trong 1 năm đều được, không phải đợi đúng lộ trình, nhưng phải bảo đảm gia tăng lợi ích cho Nhà nước và doanh nghiệp. Trong quyết định này cũng gắn chế tài tránh việc tìm cách làm chậm quá trình bán vốn và có sự giám sát chặt chẽ của các bộ, ngành.
Những chế tài xử lý việc chậm cổ phần hoá, thoái vốn này là như thế nào?
Ông Đặng Quyết Tiến: Chế tài xử lý đều đã có trong Luật Công chức, Viên chức rồi. Dự thảo Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung xử lý người đứng đầu bộ, địa phương, doanh nghiệp nếu chậm quá trình bán vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp. Trước đây trong các văn bản quy định về cổ phần hoá thì chúng ta chỉ quy định chung chung bộ, ngành, địa phương là tập thể chịu trách nhiệm nên rất khó soi xét lỗi của ai. Nay nói rõ là người đứng đầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, không có lý do gì để thoái thác trách nhiệm nữa.
Với việc ban hành Quyết định về Danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước cần bán vốn này sẽ tác động như thế nào tới tiến độ cổ phần hoá thoái vốn đang diễn ra chậm trễ và không đạt được hiệu quả như thời gian qua?
Ông Đặng Quyết Tiến: Việc công bố là giải pháp quan trọng để các nhà đầu tư ngắm tới. Trước đây, Chính phủ chưa công bố nên các nhà đầu tư phải chờ đợi nhỏ giọt trong từng trường hợp cổ phấn hoá, bán vốn tại doanh nghiệp cụ thể nên không hiệu quả cho cả hai bên. Giờ công bố rõ ràng ra thì nhà đầu tư nhìn thấy tổng thể các DNNN cần cổ phần hoá, bán vốn nên có nhiều lựa chọn để người ta tiếp cận ngay. Tôi cho rằng đây là giải pháp căn cơ để đẩy nhanh và đạt được hiệu quả cao trong quản trị doanh nghiệp của quá trình cổ phần hoá, bán vốn.
Ngoài ra, còn các quy trình thủ tục, tháo gỡ thể chế của cổ phần hoá thì Bộ Tài chính đang tổng hợp, phối hợp với các bộ, địa phương để thực hiện. Ví dụ, Bộ đang phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy nhanh vấn đề quản trị, công khai, minh bạch và quyết liệt xử lý DNNN đã cổ phần hoá mà không niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định là điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vấn đề nữa là việc xử lý các tồn đọng tài chính, đất đai sau cổ phần hoá cũng phải được làm rõ,...
Cảm ơn ông!
http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Them-mot-giai-phap-thuc-day-co-phan-hoa-ban-von-tai-DNNN/314225.vgp
|