Thứ Năm, 17/08/2017 15:27

Nhịp đập Thị trường 17/08: Thất vọng với nhóm ngân hàng trong phiên chiều

VN-Index giảm 0.77%, dừng lại 767.59 điểm và các chỉ số khác giảm mạnh hơn trong phiên chiều. UPCoM-Index tuy vẫn xanh, nhưng mức tăng điểm cũng giảm theo diễn biến chỉ số sàn HOSE.

Diễn biến giao dịch cho thấy tâm lý NĐT có vẻ thất vọng với những thông tin vĩ mô gần đây, chẳng hạn như tăng thuế VAT hay đến hạn 15/08 nhưng NĐT chưa thấy được văn bản nào triển khai nghị quyết xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa thông qua. Một số cổ phiếu lớn đang được đánh giá có tài chính cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận Q3 cao như GAS, HPG… nhưng đến thời giao ATC, khối lượng lệnh bán ATC vẫn cao gấp nhiều lần lượng mua ATC.

SAB từng có thời điểm tăng đến 263,000 đ/cp, tức 5.7% trong vài phút ngắn ngủi, nhưng cũng không kéo nổi VN-Index lên trên tham chiếu. Tại thời điểm SAB tăng tới đỉnh đó, VN-Index vẫn thấp hơn tham chiếu 0.07%.

EIB nằm sàn, BID giảm đúng 4%, MBB giảm 3.1% trong phiên chiều là những cái tên buồn của nhóm ngân hàng, nhất là khi VPB lên sàn cũng vào ngày hôm nay. Cả nhóm ngân hàng chỉ có NVB tăng 1.3%, VPB đứng giá, còn lại đều giảm giá. EIB giảm sàn đúng vào phiên ATC là điều rất bất ngờ, thậm chí BID có mức giảm giá mạnh chỉ kém ngày thứ Tư đen tối tuần trước (với tin đồn) cũng rất khó lý giải nguyên nhân.

Có dấu hiệu cho thấy nhóm ngân hàng giảm giá trước, nhất là BID, rồi tâm lý lan rộng sang nhiều nhóm ngành khác như chứng khoán, dầu khí, BĐS… ngay cả những cổ phiếu trong các nhóm có tin hỗ trợ cũng quay sang đứng hay giảm giá. HVG dù tăng trần 2 hôm trước hay tăng 1-2% sáng nay, nhưng đến chiều cũng giảm 4.6%. Gần giống HVG là GMD, nhưng may thay cổ phiếu này vẫn giữ được mức tăng 0.85%. Xi măng, mía đường có lẽ là số ít nhóm ngành nhỏ có số mã tăng giá nhiều hơn số giảm giá.

VPB giảm giá trong đa số thời gian giao dịch, nhưng kịp hồi vào phút chót và đóng cửa ở mức 39,000 đ/cp. Tổng khối lượng giao dịch VPB cả ngày hôm nay là 58,299,310 cp, một lượng cổ phiếu lớn không ngờ. Nếu trừ lượng mua của khối ngoại 37,325,550 cp thì lượng giao dịch của NĐT nội địa cũng lớn. Người mua nhiều có thể lý giải được, khi mà báo chí tràn ngập thông tin về VPB trước ngày niêm yết, nhưng lượng bán cũng cao chứng tỏ chốt lời OTC rất nhiều.

HAG giảm giá mạnh hơn trong phiên chiều, ở mức 5.5% có lẽ liên quan đến số liệu BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2017. Tuy tập đoàn vẫn đạt lợi nhuận 6 tháng hơn 1,000 tỷ, nhưng dường như đơn vị kiểm toán vẫn chưa có ý kiến gì về vụ hồi tố lợi nhuận cả năm 2016.

Trên sàn HNX, NTP cũng là Large Cap gây bất ngờ khi giảm đến gần 7.5% chỉ riêng trong đợt ATC, dù trước đó vẫn giữ được ở mức 66,000 đ/cp, chỉ giảm hơn 1% so với tham chiếu.

BVS từng giảm đến 9% trong phiên sáng, nhưng đã được giải cứu và đóng cửa tăng 1.4%. Nhưng đây cũng là điểm sáng duy nhất của nhóm chứng khoán. Đa số cổ phiếu khác trong nhóm này giảm giá, kể cả Top đầu thị phần như SSI, HCM. May mắn cho VND khi đang trong thời gian hủy niêm yết, và chỉ trở lại giao dịch vào ngày mai, trên sàn HOSE.

Phiên sáng: VPB giảm giá vì hết room?

VN-Index chìm sâu xuống dưới 773 điểm sáng nay, dù không có thông tin vĩ mô nào ảnh hưởng. SAB tăng giá đến 5,000 đ/cp nhưng vẫn không thể đỡ chỉ số. Hơn 50% số cổ phiếu giảm giá, bao gồm cả Large Cap lẫn Mid Cap và Small Cap, nhưng nhóm Large Cap giảm nhẹ nhất. Tình trạng tương tự diễn ra trên HNX, tuy nhiên sàn UPCoM lại xanh nhờ Large Cap.

Theo ngành, các nhóm ngành có nhiều cổ phiếu giảm bao gồm ngân hàng, chứng khoán, khoáng sản, thủy điện nhiệt điện, săm lốp, dầu khí, sắt thép… BĐS đang phân hóa, nhưng số mã giảm cũng nhiều hơn tăng. BVS giảm tới 9.5% sáng nay dù công ty nói riêng lẫn nhóm chứng khoán nói chung vẫn đang làm ăn tốt. Cao su thiên nhiên tuy có tin hỗ trợ, sáng nay xanh nhưng đến cuối phiên sáng cũng giảm hưng phấn. Tương tự là phân bón, VAF tăng 3.3% nhưng nhiều mã khác đứng yên hay giảm giá, dù hôm qua tăng mạnh.

Trên bảng giá phái sinh, điều thú vị là hợp đồng VN30F1708 đáo hạn vào hôm nay lại đang cao hơn so với điểm số VN30, điều này có nghĩa là những người mua cao đó có rủi ro lỗ kép, bao gồm lỗ vị thế và lỗ đáo hạn. 3 hợp đồng kỳ hạn dài hơn tuy giảm giá, nhưng vẫn cao hơn chỉ số, có thể cho thấy phần nào niềm tin rằng chỉ số VN30, cũng như TTCK nói chung, còn tiềm năng tăng trưởng. Lượng hợp đồng khớp sáng nay cũng tăng tốt hơn rất nhiều so với các phiên trước đây, tính trên cả 4 loại hợp đồng.

Giá dầu thế giới trong 1 tuần gần đây lại giảm gần 10%, hiện đang ở mức gần 47 USD/thùng với WTI hay 50.5 USD/thùng cho dầu Brent. Nhóm cổ phiếu dầu khí sáng nay cũng giảm, trừ số ít như PVD, PXS gắng đi ngược. PVD hiện tăng giá 2.2% dù khối ngoại bán ròng.

Dấu ấn khối ngoại sáng nay tất nhiên là ở VPB với lượng mua ròng lên đến gần 37.4 triệu cp, tất cả đều diễn ra trong phiên ATO. Ngân hàng thứ hai được khối ngoại mua ròng nhiều là SHB, trong khi BID lại bị bán ròng khá mạnh, góp phần khiến cổ phiếu này rớt 2.3%.

Cổ phiếu VPB hiện đang dừng lại ở mức giá 36,000 đ/cp, 1 sự bất ngờ lớn với giới đầu tư do trước đó có quá nhiều bài viết với nội dung tích cực cho doanh nghiệp. Khối ngoại sau khi mua khủng phiên ATO thì cũng hết room, vì thế giá cổ phiếu đang được NĐT nội quyết định, và có lúc từng giảm về gần 10%.

Sáng nay cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho biết, Hoa Kỳ ra thông báo hủy bỏ một phần thuế chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh nhập từ Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 11/8/2017. Đây là thông tin được coi là tích cực đối với doanh nghiệp ngành tôm, nhưng ngược lại, doanh nghiệp ngành cá tra lại đang lo với chính kiểm soát chặt từ phía Hoa Kỳ từ 01/09 tới đây.

GMD tăng giá nhẹ 1.34% sáng nay sau khi thông tin tập đoàn thoái toàn bộ 51% vốn nắm giữ tại CTCP Tiếp vận và Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept. Ngoài ra, GMD cũng sẽ còn thoái vốn khỏi nhiều công ty con khác, cũng như mở vài công ty vận tải biển. Quan trọng nhất là sau đó, GMD sẽ chi trả cổ tức đặc biệt tỷ lệ 85%.

10h30: VN-Index giảm, nhưng mức giảm ít nhất so với các chỉ số phụ sàn HOSE

Chỉ số VN-Index, HNX-Index cũng như hầu hết các chỉ số phụ của sàn HOSE lẫn HNX (trừ UPCoM) đều giảm sau khi tăng được vài phút tính từ sau phiên mở cửa. SAB tăng 1.2% nhưng không đỡ trụ được cho chỉ số, mà ngược lại FPT, GAS, BID đang là những mã lớn đè chỉ số mạnh nhất. Thú vị là tuy VN-Index giảm, nhưng lại là mức giảm ít nhất so với các chỉ số phụ sàn HOSE như VN30, VNMid…

Nếu nhìn ở góc độ diễn biến giá cổ phiếu theo nhóm ngành, thì ngân hàng, chứng khoán, BĐS, săm lốp, dầu khí, khoáng sản… đều giảm nhiều hơn tăng. Ngược lại có điện, xây dựng, cao su thiên nhiên… nhóm phân bón quay đầu giảm, kể cả LAS và VAF vốn được coi là hưởng lợi nhiều nhất từ việc thay đổi chính sách thuế VAT. Đầu phiên sáng VAF còn tăng hơn 6% thì hiện đang giảm 0.8%.

Chứng khoán phái sinh tiếp tục được quan tâm nhiều hơn, nhìn ở góc độ thanh khoản. Với thống kê lượng đặt ở các bước giá thì có lẽ dễ suy luận rằng NĐT nhỏ lẻ vẫn “đang làm chủ” thị trường, tuy nhiên giao dịch đang tập trung nhiều ở 2 kỳ hạn ngắn nhất, và diễn biến giá đang bám theo diễn biến của chỉ số VN30. Lưu ý rằng hôm nay là ngày thứ Năm tuần thứ Ba của tháng Tám, cũng là ngày đáo hạn của VN30F1708. Hiện giá chứng khoán phái sinh này đang gần như bằng điểm số VN30.

Cổ phiếu VPB sau khi có phiên ATO kỳ lạ, đã tiếp tục gây bất ngờ cho NĐT với mức giảm giá từng có lúc lên đến khoảng 10% so với tham chiếu. Khối ngoại đã ngừng mua sau phiên ATO nên giảm giá có lẽ là do cổ đông cũ chốt lời. Hiện giá VPB đang dao động quanh 36,000 đ/cp. May mắn thay, VPB chỉ được đưa vào rổ chỉ số VN-Index kể từ ngày mai.

Nhóm ngành cá tra cũng đang chịu ảnh hưởng không tốt từ thông tin kiểm soát chặt cá tra xuất khẩu sang Mỹ kể từ ngày 01/09 tới. Riêng HVG sau 2 phiên tăng trần thì sáng nay đang tăng nhẹ 0.3%.

Cổ phiếu cao su thiên nhiên đang có vẻ tăng giá nhẹ có lẽ liên quan đến thông tin Thái Lan sẽ tổ chức cuộc họp với các nước xuất khẩu cao su hàng đầu châu Á nhằm thúc đẩy giá loại nguyên liệu này. Hiện giá cao su vẫn đang neo cao hơn 210 JPY/kg.

Mở cửa: Giao dịch kỳ lạ ở VPBank

VN-Index mở cửa sáng nay giảm nhẹ 1 chút so với hôm qua, nhưng sau đó bật tăng ngay, tất nhiên là nhờ sự giúp đỡ từ SAB và PLX. Tuy nhiên còn quá sớm để dự báo tình hình giao dịch sáng nay.

VPBank (HOSE: VPB) sáng nay chào sàn, chắc chắn là tâm điểm của cộng đồng đầu tư, khi mà theo 1 công ty chứng khoán lớn, VPB không thể so sánh với bất kỳ ngân hàng niêm yết nào trước đó. Gần đây trên báo chí liên tục có bài viết về tiềm năng tăng trưởng rất lớn của VPB, đem lại sự kỳ vọng tăng trần sáng nay. Tuy nhiên thực tế phiên ATO lại hết sức kỳ lạ. Khối ngoại đặt mua gần hết với giá ATO, trong khi khối nội cũng xả rất lớn qua lệnh ATO. Giá cổ phiếu VPB hiện đang quanh tham chiếu.

Nhóm ngân hàng nói chung không hưởng lợi ké từ việc VPB lên sàn. Nhiều mã đang giảm giá nhẹ như MBB, BID, EIB.

Nhóm phân bón tiếp tục tăng giá sau khi có thông tin về thuế VAT ra ngày hôm qua, tuy nhiên mức độ tăng không cao như hôm qua, trừ VAF tăng hơn 6%. LAS chỉ tăng 2% dù đang được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thay đổi thuế này.

Sau phiên hôm qua tăng giá nhờ thông tin cũ rằng nhà nước sẽ miễn giảm thuế GTGT cho linh kiện xe hơi, nhóm săm lốp sáng nay lại đang “đứng yên”./.

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily 17/08: Thị trường sẽ phân hóa mạnh hơn? (16/08/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 16/08: Ngược dòng thành công (16/08/2017)

>   Vietstock Daily 16/08: Dòng tiền thông minh rút khỏi thị trường (15/08/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 15/08: VN-Index giảm hơn 5 điểm (15/08/2017)

>   Vietstock Daily 15/08: Chưa thể lạc quan? (14/08/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 14/08: VN-Index tăng hơn 4 điểm (14/08/2017)

>   Vietstock Weekly 14-18/08/2017: Ưu tiên bảo toàn vốn (13/08/2017)

>   Chứng khoán Tuần 07-11/08: Chốt lời mạnh, thị trường đỏ lửa (11/08/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 11/08: Không đủ sức trụ lại (11/08/2017)

>   Vietstock Daily 11/08: Vẫn nên thận trọng? (10/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật