Nhiều đại gia ngàn tỷ ngã ngựa
Đều là những “cây cao bóng cả” tiếng tăm, từng nắm giữ các vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường, sở hữu khối tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng đến nay nhiều vị đại gia đang “ngã ngựa”.
Liên tiếp những ngày gần đây, thị trường rúng động trước hàng loạt thông tin về các “sếp lớn” như ông Trịnh Xuân Thanh về đầu thú; kỷ luật và miễn nhiệm các chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Chủ tịch HĐQT Điện Quang (DQC); khởi tố và bắt giam hai lãnh đạo của Sacombank là ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang cùng hàng loạt các bị can trong vụ án xảy ra tại 4 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Sau 10 tháng bị truy nã, Trịnh Xuân Thanh về đầu thú
Ngày 31/07/2017, sau hơn 10 tháng truy nã, ông Trịnh Xuân Thanh - Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - Tổng công ty PVC (HNX: PVX) đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú. Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật.
Cùng khoảng thời gian ông Thanh bị truy nã (9/2016), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam và khám xét gồm ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó tổng Giám đốc, ông Trương Quốc Dũng - nguyên Phó tổng Giám đốc, ông Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.
Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) tại hai kỳ họp thứ IV và thứ V, trong thời gian từ 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế. Theo đó, đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3,300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013); nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Đại gia Trầm Bê bị bắt tạm giam
Ngày 01/08/2017, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank và ông Phan Huy Khang - nguyên Tổng Giám đốc Sacombank về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.
Đến ngày 03/08, C46 cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 cán bộ của ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định gồm ông Hoàng Long Hà - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định; Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng khách hàng BIDV; Nguyễn Vũ Bảo - Cán bộ phòng khách hàng BIDV. Các cán bộ này đã giúp cho Phạm Công Danh trong vụ ông Danh gửi hơn 3,000 tỷ đồng qua BIDV bằng hồ sơ vay vốn khống khiến BIDV bị thiệt hại 1,170 tỷ đồng.
Ngoài Trầm Bê và Phan Huy Khang, C46 cũng đã khởi tố tổng cộng 23 bị can, trong đó 15 người đang bị tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV và VNCB. Được biết, đa số bị can trong vụ án mới này đã bị xét xử trong vụ án Phạm Công Danh trước đó.
Nhắc lại đại án xảy ra tại VNCB, ông Phạm Công Danh trên vai trò Chủ tịch HĐQT VNCB đã chỉ đạo HĐQT và Ban kiểm soát VNCB, nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh (do ông Thanh là Chủ tịch HĐQT) lập nhiều hồ sơ vay vốn khống rút tiền sử dụng. Ông Danh đã dùng phương thức gửi tiền của VNCB sang ba ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty mình lập ra.
Ngoài ra, ông Danh còn vay, gửi, giao dịch hàng ngàn tỷ đồng tại TPBank, BIDV, VNCB và công an xác định có nhiều sai phạm trong việc này. Nhiều người ở các ngân hàng trên bị cáo buộc là có hành vi giúp sức cho các sai phạm của ông Danh.
Về phía Sacombank, ngân hàng này cho biết, các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014. Cá nhân ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23/02/2017 và từ ngày 03/07/2017 đối với ông Phan Huy Khang.
Cảnh cáo và xem xét miễn nhiệm Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Ngày 02/08/2017, UBKTTW quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương và kiến nghị các cơ quan chức năng miễn nhiệm các chức vụ của bà Thoa. Trước đó, ngày 28/07, bà Thoa đã có đơn xin nghỉ việc vì lý do cá nhân và được Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ xem xét. Tuy nhiên theo Luật Công chức, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật thì không được chấp nhận thôi việc.
Đầu năm 2017, bà Thoa từng bị lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét kỷ luật vì nhận thấy có những sai phạm trong quá trình bổ nhiệm, điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh từ khi ông này là Chủ tịch HĐQT PVC về Bộ Công Thương và được bổ nhiệm hàng loạt chức vụ quan trọng tại bộ, trước khi về Hậu Giang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh.
|
Được biết, bà Hồ Thị Kim Thoa có 18 năm gắn bó với Điện Quang trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương. Từ 2005-2010, bà nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty này.
Theo kết luận, trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy và tại Điện Quang, bà Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm được xem là nghiêm trọng. Cụ thể, bà Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công Thương và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6.7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà Thoa đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai khi hợp tác đầu tư xây dựng chung cư tại khu đất vàng 4,700 m2 - tài sản của Nhà nước tại số 12 Tôn Đản, Quận 4, TP.HCM mà chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn.
Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về việc bà Thoa lợi dụng những lỗ hổng trong cổ phần hóa để gây thất thoát tài sản Nhà nước về tay gia đình. Được biết, chỉ tính riêng tài sản cổ phiếu mà gia đình bà Thoa có được tại Điện Quang và Nhựa Rạng Đông (RDP) ước tính khoảng 1,000 tỷ đồng./.
|