Nền kinh tế thứ ba châu Á sẽ hạ lãi suất để chống lại lạm phát thấp?
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) được dự báo sẽ hạ lãi suất chính sách xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm vào ngày thứ Tư để chống lại lạm phát thấp – một vấn đề dai dẳng và phổ biến đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu, CNBC cho hay.
Kết quả của cuộc thăm dò của Reuters cho thấy trong 56 chuyên gia kinh tế thì có tới 40 người hy vọng RBI sẽ hạ lãi suất tái cấp vốn (repo) bớt 0.25% xuống 6% vào ngày thứ Tư (02/08/2017). Đây là mức lãi suất thấp nhất của Ấn Độ kể từ tháng 11/2010, dữ liệu từ Reuters cho thấy.
Chuyên gia kinh tế DBS, Radhika Rao, cho biết lạm phát của nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á đã không đạt được mức dự đoán trong vòng 6-7 tháng qua. Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát đã xuống mức 1.54% trong tháng 6/2017 do sự sụt giảm của giá thực pháp. Đây là mức lạm phát thấp hơn rất nhiều so với phạm vi mục tiêu 2-3.5% cho giai đoạn tháng 4-9/2017.
Trong một báo cáo trước ngày 02/08, bà Rao cho biết: “Các yếu tố trong nước nhiều khả năng sẽ có sức ảnh hưởng đến quyết định lãi suất lớn hơn so với các yếu tố trên toàn cầu”.
Bà nói thêm Ủy ban chính sách được kỳ vọng sẽ trở nên thận trọng và hạ lãi suất. Xác suất nới lỏng chính sách thêm sẽ gia tăng nếu các yếu tố kích thích lạm phát khác – như tăng trưởng mạnh hơn, miễn giảm khoản vay nông nghiệp và áp lực nhập khẩu – trở nên yếu hơn mức giả định.
RBI đã giữ lãi suất chính sách ở mức 6.25% kể từ tháng 10/2016. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc hạ lãi suất một lần nữa cũng sẽ cho phép RBI kiểm soát tốc độ tăng trưởng trong lúc quốc gia này chuẩn bị áp dụng hệ hống thuế hàng hóa và dịch vụ (GST).
GST, đợt cải cách thuế lớn nhất của Ấn Độ từ trước đến nay, đã tác động đến hoạt động sản xuất trong tháng 7 vừa qua. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Ấn Độ đã xuống ngưỡng thu hẹp trong tháng 7/2017, mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 11/2008.
Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế thấy rằng đà giảm của PMI chỉ là tạm thời, nhưng một số cũng cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng trong năm nay vẫn sẽ bị tác động bởi lượng nợ xấu ngày càng cao của Ấn Độ.
Trong chương trình “Capital Connection” của CNBC, Pranjul Bhandari, Trưởng bộ phận kinh tế Ấn Độ tại HSBC, cho biết: “Một số người đang tự hỏi: Liệu một đợt cắt giảm lãi suất có thực sự hỗ trợ tăng trưởng? Và câu trả lời của tôi là: Có và không. Sẽ là ‘không’ nếu đó là động thái duy nhất được thực hiện, nhưng sẽ là ‘có’ nếu họ thực hiện một số động thái khác để phục hồi lĩnh vực ngân hàng đi kèm với việc cắt giảm lãi suất”.
Bà chia sẻ: “RBI đang trong vai trò chỉ đạo để giải quyết hàng đống nợ doanh nghiệp, nợ từ lĩnh vực ngân hàng và lượng nợ xấu đã tích lũy ở Ấn Độ... Vì thế một số thứ đang diễn ra ngay lúc này. Dù không xảy ra một cách rất nhanh chóng, nhưng chúng đang diễn ra theo đúng hướng”./.
|