Thứ Ba, 08/08/2017 13:28

Khi doanh nghiệp địa ốc sống nhờ hoạt động tài chính và bán dự án

Câu chuyện một doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ hoạt động tài chính hay bán đi dự án không phải là mới. Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2017, xu hướng này diễn ra ở khá nhiều đơn vị, trong đó có cả ông lớn ngàn tỷ đồng, qua đó giúp giá cổ phiếu “nhảy dựng” theo.

Trường hợp ấn tượng nhất có lẽ là VRC khi mà doanh thu từ hoạt động chính của đơn vị này chỉ hơn 1.7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, giảm 46% nhưng lãi ròng thì hơn 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước thua lỗ. Và kết quả này là nhờ hoạt động kinh doanh chứng khoán mang về gần 10 tỷ đồng cùng với gần 29 tỷ đồng từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 54 Võ Thị Sáu (Vũng Tàu).

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, VRC đặt kế hoạch doanh thu 394 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần thực hiện năm 2016. Lợi nhuận sau thuế tới 120.5 tỷ đồng, cũng tăng vọt gấp 54 lần so mức 2.2 tỷ của năm 2016. Cơ sở để VRC đặt kế hoạch tăng vọt như vậy là từ việc chuyển nhượng dự án 2 tầng khách sạn tòa nhà Vũng Tàu Apartment Building tại 165 Thủy Vân, Tp Vũng Tàu; dự án trụ sở văn phòng tại 54 Võ Thị Sáu, Tp Vũng Tàu; dự án quận 7, TPHCM. 

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VRC đã tăng không hề “mệt mỏi”, tính trong 1 năm qua, cổ phiếu này đã tăng 185%, từ 9,900 đồng/cp lên 28,200 đồng/cp. Mức giá cao nhất mà VRC đạt được là 33,800 đồng/cp vừa ghi nhận tại ngày 23/06/2017.

Biến động giá cổ phiếu VCR trong 1 năm qua

Hay như DRH, Công ty này đã bắt đầu tái cấu trúc từ cuối năm 2015 để quay trở lại với hoạt động kinh doanh bất động sản bằng việc nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án Cao ốc căn hộ thương mại dịch vụ An Phú Long Land 1 từ CTCP Địa ốc An Phú Long với giá trị dự kiến 110 tỷ đồng và dự án tại đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TPHCM trên diện tích 2,820 m2 với tổng mức đầu tư dự kiến 333 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến hết quý 2/2017 thì hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn chưa mang lại nguồn thu cho DRH.

Thay vào đó, khoản lãi từ công ty liên kết là CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) đã mang về khoảng 25 tỷ đồng nửa đầu năm 2017, từ đó giúp lãi ròng DRH đạt hơn 36 tỷ đồng dù doanh thu chỉ hơn 17 tỷ.

Ngày 20/06, KBC đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen sau gần 1 tháng vừa rót vốn vào. Theo đó, KBC sẽ chuyển nhượng hết 1,500 tỷ đồng vốn góp tại Hoa Sen cho CTCP Đầu tư Mặt trời mọc.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2017, KBC đã quyết định tăng vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen từ mức hơn 145 tỷ đồng lên tới 1,500 tỷ đồng (hơn gấp 10 lần). Được biết, KBC thành lập Công ty này hồi tháng 6/2016 để thực hiện dự án Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus hotel) nằm trên khu đất khoảng 4.2ha cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội, bao gồm tổ hợp 1 tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400m) và 1 tòa cao 80 tầng (cao 320m) và 1 tòa 15 tầng.

Đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, tiêu biểu nhất là KBC khi doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 57% nhưng lãi ròng tăng trưởng 6%. Riêng trong quý 2/2017, KBC chỉ đạt hơn 49 tỷ đồng doanh thu, con số thấp nhất trong 4 năm qua. Thế nhưng việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen đã mang về cho KBC gần 355 tỷ đồng, qua đó giúp lãi ròng ghi nhận 237 tỷ đồng.

Cũng không thể bỏ qua câu chuyện khá đình đám trong thời gian gần đây tại QCG. Cụ thể, quý 2/2017, QCG bất ngờ công bố lãi tăng đột biến lên mức 212 tỷ đồng, tăng hơn 715% so với cùng kỳ và cũng là con số lãi cao nhất 6 năm qua (kể từ năm 2011). Nguyên nhân có được con số này là doanh thu tài chính của QCG tăng mạnh từ con số 75 tỷ lên 206 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng một phần vốn góp của CTCP Hiệp Phú (chủ đầu tư dự án Saigon Getaway quận 9) và Công ty TNHH Sparkle Value Homes (chủ đầu tư dự án Khu dân cư 13E – Đô thị mới Nam Thành phố - Phong Phú tại huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Hiện QCG chỉ còn nắm giữ 10% vốn tại Hiệp Phú (trước đó là 55%) và 5% vốn tại Sparkle Value Homes (trước đó là 30%).

Được biết, bước sang năm 2017, QCG đặt kế hoạch doanh thu đạt 2,500 tỷ, tăng 57% so với năm trước. Với kỳ vọng từ việc chuyển giao dự án Phước Kiển cho Sunny Island, QCG lại tiếp tục mục tiêu lợi nhuận đột biến, tăng 11 lần lên mức 720 tỷ đồng.

Cũng tại ĐHĐCĐ 2017, Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan cho biết, dự án Phước Kiển chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, đối tác Sunny Island chỉ mới tạm ứng cho QCG 50 triệu USD để tất toán nợ vay với BIDV. Thêm vào đó, nếu QCG không giải phóng mặt bằng dự án Phước Kiển 100% trong quý 3/2017, QCG có thể sẽ phải bồi thường cho Sunny Island 25 triệu USD.

Về giao dịch trên thị trường, nửa đầu năm qua cổ phiếu QCG đã chứng kiến một đợt tăng tương đối mạnh, ngay sau khi thông tin dự án Phước Kiển được chuyển nhượng. Cụ thể, từ mức giá 3,400 đồng/cp, QCG đã tăng 553% để lên mốc 22,300 đồng/cp (tính đến phiên 04/08/2017).

Diễn biến cổ phiếu QCG từ đầu năm 2017

Còn như HAR, hoạt động kinh doanh chính của đơn vị này (bất động sản cho thuê) vẫn chưa thể làm hài lòng cổ đông khi 6 tháng mang về hơn 8 tỷ đồng, giảm 88% so cùng kỳ. Và nguồn thu lớn nhất HAR có được là từ chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Phát triển GHome cho Tập đoàn Frasers Centerponit Limited (Singapore) mang về hơn 11 tỷ đồng.

Trên sàn, chỉ trong 1 tháng vừa qua, cổ phiếu HAR đã tăng một cách dựng đứng, từ vùng dưới 4,000 đồng/cp để lên mốc 14,400 đồng/cp. Tính từ đầu năm thì HAR đã tăng 454% với khối lượng giao dịch bình quân đạt khá cao, hơn 1.1 triệu cp/phiên.

Diễn biến cổ phiếu HAR từ đầu năm 2017

Ngoài những doanh nghiệp kể trên thì còn có nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng sống tốt trong 6 tháng đầu năm nhờ hoạt động tài chính như CEO, NLG, SGT, FLCNBB.

Những doanh nghiệp bất động sản có doanh thu tài chính tăng mạnh

Các tin tức khác

>   CTC: Thông báo ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C (08/08/2017)

>   KST: Ký hợp đồng kiểm toán (08/08/2017)

>   NVL21602: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 năm 2017 (08/08/2017)

>   TNW: Báo cáo tài chính quý 2/2017 (công ty mẹ) (08/08/2017)

>   BTV: Lãi ròng quý 2 tăng 55% lên mức 10 tỷ đồng (08/08/2017)

>   BHC: Nghị quyết HĐQT (08/08/2017)

>   STB: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2017 (08/08/2017)

>   G20: Quý 2 tiếp tục lỗ (08/08/2017)

>   CLX: Nghị quyết HĐQT (08/08/2017)

>   VEC: Nghị quyết HĐQT (07/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật