Hoa Kỳ quyết định kiểm tra cá tra Việt Nam sớm 1 tháng
Việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ quyết định kiểm tra 100% các lô cá tra, cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam từ 2/8, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến ban đầu (1/9) khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp thêm khó khăn.
Thu hoạch cá tra tại tổ hợp tác nuôi cá tra Tân Thạnh, xã Tân Hội, Vĩnh Long. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ gặp phải khi xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ.
- Từ 2/8, tất cả các lô hàng cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ được Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức. Điều này có gây ra những khó khăn gì cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, thưa ông?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ quyết định kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu vào ngày 2/8 là sớm hơn 1 tháng so với dự kiến (1/9) theo Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ. Theo quy định thì 100% lô hàng phải được kiểm tra về hồ sơ, bao gói, nhãn mác, cuối cùng là từng thùng hàng phải đóng tem kiểm soát.
Có một số điểm khác tại quy định này, trước đây các doanh nghiệp có thể lưu hàng tại kho của mình hoặc tự thuê kho, sau đó báo cho cơ quan Nhà nước đến kiểm tra. Nay thì tất cả các lô hàng phải đưa vào các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chỉ định và các doanh nghiệp phải thuê các cơ sở đó trong quá trình bảo quản và chờ kiểm tra.
Việc kiểm tra này phải được thực hiện tại các cơ sở do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chỉ định, như vậy sẽ có rủi ro khi một số doanh nghiệp không thuê được kho gần các cơ sở kiểm tra, sẽ phát sinh chi phí vận chuyển. Do đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do việc phát sinh thêm thời gian, chi phí cho việc thông quan một lô hàng.
- Theo ông, quy định này có phù hợp thông lệ quốc tế?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Ngay từ khi Chính phủ Hoa Kỳ ban hành đạo luật Nông trại 2014, tức là muốn chuyển thẩm quyền kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với cá da trơn từ Cục quản lý thực phẩm, dược phẩm Hoa Kỳ sang Cơ quan thanh tra thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thì chúng ta thấy 1 số điểm không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ nhất, cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ là sản phẩm sơ chế, chế biến và nấu chín trước khi ăn, và Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này hơn 20 năm qua. Trong khi đó, đến thời điểm này, chưa có sự cố về an toàn thực phẩm nào liên quan đến cá tra của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Do vậy, việc chuyển thẩm quyền sang cơ quan khác thì chưa có đủ bằng chứng, chứng minh việc cần thiết phải chuyển đổi này.
Bên cạnh đó, Cục kiểm soát an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ áp dụng nguyên các phương thức kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế, chế biến, phân phối sản phẩm gia cầm, trứng sang áp dụng đối với cá da trơn. Như vậy, có nhiều điểm phù hợp với sản phẩm gia súc gia cầm nhưng lại không phù hợp với các sản phẩm thủy sản.
Ngoài ra, theo các khuyến cáo của tổ chức thực phẩm thế giới thì có nhiều điểm không phù hợp. Ví dụ trong các khuyến cáo của tổ chức thực phẩm thế giới thì không có khuyến cáo nào là phải có cán bộ kiểm tra nhà nước giám sát 100% thời gian tại cơ sở giết mổ, chế biến thủy sản.
Nhưng trong quy định của Chương trình thanh tra cá da trơn thì có điểm cán bộ kiểm tra nhà nước phải có mặt 100% thời gian tại cơ sơ sản xuất, chế biến cá da trơn.
Điều này tương tự với việc giám sát tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Bởi, đối với cơ sơ giết mổ gia súc, gia cầm thì rủi ro về các bệnh như cúm gia cầm, tai xanh có nguy cơ lây sang người cao, cho nên mới có sự cần thiết phải giám sát của cán bộ kiểm tra nhà nước.
Còn đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt đối với cá tra thì rủi ro về dịch bệnh là không có như gia súc, gia cầm. Như vậy, quy định đó là không cần thiết và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã có những phản hồi nào với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Ngay từ đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những văn bản nêu những quan ngại khi mà Chính phủ Hoa Kỳ chuyển thẩm quyền thanh tra, giám sát cá da trơn từ Cục thực phẩm dược phẩm Hoa Kỳ sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Đồng thời, khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ban hành Chương trình thanh tra cá da trơn thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những văn bản chính thức nên sự không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ quyết định tổ chức thực hiện kiểm tra 100% lô hàng trước 1 tháng, thì đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức có ý kiến với Chính phủ Hoa Kỳ phải linh hoạt trong quá trình kiểm tra. Tức là phải cần có đủ kho bãi, nhân lực để không bị ách tắc. Và nhờ có sự kiên quyết của Việt Nam, cho tới thời điểm này chưa ghi nhận sự ách tắc nào trong xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chủ động đề nghị phía Hoa Kỳ phối hợp thành lập 1 nhóm công tác hỗn hợp về hợp tác kỹ thuật để giải quyết những vướng mắc liên quan đến vấn đề chuẩn bị hồ sơ và sau này là quá trình đánh giá tương đương với mục tiêu là Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ trong quá trình đánh giá tương đương.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu, chúng ta đề nghị Hoa Kỳ trong quá trình đánh giá tương đương phải hết sức linh hoạt, phù hợp với điều kiện bối cảnh của Việt Nam và cho Việt Nam một thời gian chuyển tiếp để chuyển đổi các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tổ chức năng lực để đảm bảo tương đương Hoa Kỳ. Tránh trường hợp xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ bị gián đoạn.
- Để tránh những rủi ro về pháp lý ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cá tra thì việc mở rộng sang các thị trường mới cần được tính toán như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Hiện nay, cá tra Việt Nam đang xuất khẩu đi hơn 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, dư địa tại các thị trường khác mà chúng ta có thể xuất khẩu còn rất nhiều, kể cả các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản...
Nhưng vấn đề là khi tiếp cận thị trường mở cửa rồi thì chúng ta phải tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tại thị trường đó. Khâu thứ hai liên quan đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại tại các thị trường đó. Làm sao để người dân nơi đó biết đến sản phẩm của chúng ta, và tiêu thụ nhiều hơn.
Do đó, thời gian tới, trọng tâm của ngành cá tra là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại tới các thị trường, cân bằng các thị trường có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới như Hoa Kỳ.
- Xin cảm ơn ông.
http://www.vietnamplus.vn/hoa-ky-quyet-dinh-kiem-tra-ca-tra-viet-nam-som-1-thang/462376.vnp
|