“Giải cứu” tin đồn
Tuần trước thêm một lần giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán “bốc hơi” 2 tỉ đô la Mỹ do tin đồn thất thiệt về việc cựu chủ tịch một ngân hàng bị bắt. Sau phiên giao dịch ngày hôm đó, cơ quan chức năng đã lên tiếng bác bỏ tin đồn, nhưng những phiên giao dịch tiếp theo thị trường vẫn phản ứng dè dặt như thể dư âm của nó chưa được gột rửa hoàn toàn.
Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán lại “bốc hơi” 2 tỉ đô la Mỹ do tin đồn thất thiệt. Ảnh: Thành Hoa
|
Câu chuyện tin đồn và thiệt hại to lớn mà nó gây ra cho thị trường không mới. Tin đồn đã từng xảy ra trong quá khứ, vậy tại sao nó vẫn xảy ra như vừa qua? Đấy phải chăng chỉ là một yếu tố thuộc phạm trù tâm lý của nhà đầu tư và bởi tâm lý nên nó có thể lặp lại? Hay đó là do chúng ta chưa nhận thức đúng và đầy đủ về nó để có cơ chế ngăn chặn, xử lý, đối phó với nó nhằm đảm bảo rằng thị trường chứng khoán là một cái chợ cấp cao minh bạch, công khai?
Xử lý tin đồn, nhìn từ góc độ nào đó, giống như xử lý khủng hoảng truyền thông tại doanh nghiệp được thu hẹp lại. Trong tình huống xử lý khủng hoảng truyền thông, yêu cầu đầu tiên và cốt yếu là phản ứng nhanh và chính xác. Nếu không nhanh, tâm lý khủng hoảng có thể lan rộng. Nếu không chính xác, mức độ khủng hoảng có thể bị đẩy sâu hơn, tới tận những bộ phận vốn chẳng liên quan gì đến sự việc.
Thông thường sau lần khủng hoảng truyền thông đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ rút kinh nghiệm. Nếu chưa có, họ sẽ tổ chức, xây dựng bộ máy xử lý khủng hoảng ngay thông qua đào tạo nhân viên, kể cả việc gửi đi học các khóa xử lý khủng hoảng truyền thông ở nước ngoài. Họ tập dượt dựa trên các kịch bản và bộ phận này luôn ở trong tình trạng “cảnh giác cao độ”.
Xử lý tin đồn, nâng mức minh bạch của thị trường, mới hy vọng sự nâng hạng từ cận biên lên mới nổi của chứng khoán Việt Nam sẽ đến trong tương lai gần.
|
Ở tầm quốc gia, xử lý các tin đồn liên quan đến thị trường chứng khoán, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Bộ Tài chính. Đừng nghĩ rằng tin đồn thất thiệt rồi sẽ qua đi, thị trường và nhà đầu tư sẽ tự điều chỉnh trở lại. Thị trường là một thực thể, nơi có nhiều đối tượng tham gia góp mặt. Mỗi đối tượng có một sức đề kháng khác nhau. Phản ứng của các tổ chức thường bình tĩnh hơn các cá nhân. Ngay trong khối cá nhân, cũng có người bình tĩnh, có người hoảng loạn. Nhưng tất cả đều chịu tác động của tin đồn với mức độ nông sâu không giống nhau. Nó giống như một vết thương, nó để lại dấu ấn và thời gian có thể làm nó mờ nhạt dần, song nó không mất hẳn. Nó có thể kết nối với lần tin đồn xảy đến kế tiếp và “giật dây” hành động phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư.
Chính vì thế xây dựng một cơ chế ngăn chặn và xử lý tin đồn đã trở nên cấp thiết. Các nhà đầu tư thường có mối quan hệ mật thiết với bộ phận môi giới của các công ty chứng khoán. Khi tin đồn xảy ra, địa chỉ nhà đầu tư tìm kiếm để kiểm chứng thông tin trước tiên là các môi giới. Các nhân viên môi giới có nhiều kênh để xác định độ tin cậy hay thất thiệt của tin đồn. Họ cũng là cửa đầu tiên trấn an tâm lý nhà đầu tư.
SSC và Bộ Tài chính có đủ quyền hạn và điều kiện hình thành một đội ngũ các công ty chứng khoán hạt nhân để ngăn chặn và xử lý tin đồn khi cần thiết với một cơ chế linh hoạt. “Đội phản ứng nhanh” - tạm gọi như vậy - có thể bao gồm đại diện của những công ty chứng khoán hàng đầu, chiếm lĩnh thị phần môi giới cao nhất như G-5, G-7 hoặc G-10; một số quỹ đầu tư lớn và đại diện SSC, Bộ Tài chính. Khi tin đồn xảy ra, đội phản ứng nhanh phải lập tức thông báo cho bộ phận môi giới các công ty chứng khoán, kết nối ngay với khách hàng. Đại diện SSC và Bộ Tài chính phải xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với các phát biểu nhanh gọn, đảm bảo chính xác, có dẫn nguồn kiểm chứng với các bộ, ngành liên quan. Đại diện của bộ, ngành liên quan như an ninh điều tra cũng có thể nhập cuộc. Từ trước đến nay chỉ thấy các cơ quan truyền thông đại chúng chủ động liên hệ với cơ quan quản lý để xác minh thông tin, “giải cứu” tin đồn cho thị trường, trong khi đáng lẽ vai trò chủ động ấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Nhìn sang Ngân hàng Nhà nước, những “cơn sốt” ngoại tệ giờ đây bị “dập tắt” rất nhanh. Nhà điều hành thị trường tiền tệ nắm rõ những “tay chơi” tổ chức chủ đạo trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và có thể “gõ đầu” các địa chỉ ấy. Đôi khi Ngân hàng Nhà nước cũng phải “xuống nước” nhờ cậy sự hợp tác của các “tay chơi” để “hạ nhiệt” thị trường.
Cội rễ của tin đồn, suy cho cùng, là sự đầu cơ, làm giá trên thị trường chứng khoán. Không có sự giám sát nào hiệu quả hơn một mối quan hệ chặt chẽ với chính các công ty môi giới. Rất ít khi tin đồn bắt nguồn từ bên ngoài thị trường chứng khoán và nếu có thì tin đồn bên ngoài trở thành cái cớ cho một bộ phận nào đó, một nhóm cá nhân hay tổ chức nào đó bên trong thị trường trục lợi. Chỉ khi thông thạo cách thức hình thành, đường đi của tin đồn thì mới xử lý được nó.
Cho đến nay cơ quan quản lý thị trường chứng khoán vẫn chưa có chức danh điều tra đầy đủ các hành vi gây thiệt hại đến thị trường nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bó tay trước tin đồn. Xử lý tin đồn, nâng mức minh bạch của thị trường, mới hy vọng sự nâng hạng từ cận biên lên mới nổi của chứng khoán Việt Nam sẽ đến trong tương lai gần.
http://www.thesaigontimes.vn/163642/Giai-cuu-tin-don.html
|