Điều gì có thể đẩy giá vàng lên 1,400 USD/oz?
Giá vàng chuẩn bị nhảy vọt lên mức cao nhất 4 năm tại mốc 1,400 USD vào thời điểm cuối năm 2017, do tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, cùng với nhu cầu ngày càng tăng từ những quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, Bloomberg cho hay.
Giá vàng có thể leo lên mức 1,360 USD/oz trong vòng 3 tháng tới, và có thể tăng cao hơn nữa do rủi ro chính trị trên toàn cầu và nhu cầu mua ngày càng tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ, Evgeny Ananiev, Trưởng bộ phận phụ trách đầu tư kim loại quý thuộc VTB Capital JSC, cho hay. “Chúng ta có thể chứng kiến một vài sự điều chỉnh, nhưng tôi không nghĩ vàng sẽ rớt mốc 1,200 USD khi nó được hỗ trợ nhiều đến vậy”, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Goa. Trong ngày thứ Hai, giá vàng dao động ở mức 1,281.86 USD/oz.
Giá kim loại quý này đã leo dốc 12% trong năm 2017, khi mối lo lắng về xung đột tiềm ẩn giữa Mỹ và Triều Tiên, và tỷ lệ lạm phát thấp ở Mỹ – một yếu tố có thể làm giảm xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra những lời lẽ cứng rắn đối với Triều Tiên, cụ thể cảnh báo sẽ đáp trả lại bất kỳ cuộc tấn công nào vào Mỹ hoặc đồng minh của Washington. Ngoài ra, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater Associates, Ray Dalio, khuyến nghị nhà đầu tư nên để 5-10% tài sản dưới dạng vàng.
Tâm lý lạc quan cũng được thể hiện trong nhận định của các chuyên gia phân tích khác. Chirag Sheth, Chuyên gia phân tích ở công ty nghiên cứu kim loại quý độc lập Metals Focus ở Luân Đôn, cho hay: “Về cơ bản, chúng tôi rất lạc quan về khả năng leo dốc trên thị trường. Những gì Triều Tiên đang thực hiện đã góp phần hỗ trợ vàng vượt mốc 1,300 USD và duy trì trên mức đó”.
Theo quan điểm của ông Sheth, giá vàng sẽ vượt mốc 1,400 USD trong vòng từ 6-9 tháng tới khi tình hình ở Triều Tiên khiến nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm một kênh trú ẩn an toàn. Ngoài ra, Fed cũng tỏ ra bớt diều hâu hơn về lãi suất, qua đó góp phần hỗ trợ thêm cho vàng.
Nhu cầu vàng
Ông Sheth, người cung cấp dữ liệu cung và cầu cho Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cho biết nhu cầu vàng của Ấn Độ cũng đã gia tăng sau khi suy yếu trong năm 2016, và lượng tiêu thụ trang sức có thể tăng thêm 6% trong năm nay. Kim ngạch nhập khẩu vàng của nước này có thể nhảy vọt 30% lên mức 800 tấn.
Ngoài ra, nhu cầu vàng miếng ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, cũng nhảy vọt thêm 50% trong 6 tháng đầu năm 2017, còn tổng lượng tiêu thụ vàng tăng gần 10% lên 545.2 tấn, dữ liệu từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA) cho thấy./.
|