CCL: Trò chơi liệu đã kết thúc?
Đột ngột bứt phá chỉ trong 1 tháng mà không cần thông tin hỗ trợ rõ ràng, giá cổ phiếu CTCP Đầu tư & Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (HOSE: CCL) đến nay đã quay về gần mức giá lúc khởi đầu.
Chào sàn vào tháng 3/2011 với giá chốt phiên đầu tiên đạt 25,500 đồng/cp, đây cũng là mức cao nhất của cổ phiếu CCL khi mà đường giá thời gian sau đó liên tục đi xuống. Khối lượng giao dịch cũng rất thấp, được biết thời điểm này đến 75% lượng cổ phiếu của CCL nằm trong tay cổ đông sáng lập và các tổ chức có tên tuổi như CTCP Cơ điện lạnh (REE), CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI), CTCP Chứng khoán Agribank (AGR), CTCP Chế biến Thủy sản Út Xi,…
Liên tiếp nhiều năm giao dịch thầm lặng, cho đến đầu tháng 6/2017 cổ phiếu CCL mới gây chú ý cho giới đầu tư khi mà thị giá tăng gần 175% từ mức 3,100 đồng/cp (01/06) lên 8,000 đồng/cp (05/07). Lượng giao dịch theo đó cũng sôi động hơn hẳn với con số bình quân đạt đến 750,000 cổ phiếu/phiên.
Giao dịch cổ phiếu CCL từ đầu năm 2017 đến nay
|
Về nguyên nhân tăng giá tại CCL, đến nay vẫn để lại nhiều dấu chấm hỏi. Bởi lẽ, kết quả kinh doanh không đột biến lại còn đi ngang so với cùng kỳ, năm 2016 không hoàn thành kế hoạch, ĐHĐCĐ 2017 cũng không bàn luận vấn đề gì nổi bật.
Chỉ duy nhất một điểm đáng ngờ là thời điểm giá cổ phiếu trên thị trường tăng cũng là khi cổ phiếu hoán đổi công nợ được đưa vào giao dịch (ĐHĐCĐ 2016 đã thông qua phương án phát hành 9.25 triệu cổ phiếu để hoán đổi công nợ). Và đến nay, công tác phát hành hoán đổi nợ đã đâu vào đấy thì giá cổ phiếu CCL nhanh chóng quay về quỹ đạo cũ!
Chưa một lần hoàn thành kế hoạch từ lúc lên sàn
Thật vậy, nhìn vào con số kế hoạch đặt ra và kết quả thực hiện nhiều năm liền tại CCL đều chung một câu chuyện, không những không hoàn thành mà còn có một khoảng chênh lệch khá lớn. Mặc dù rằng, kế hoạch đặt ra mỗi năm đều đã có sự cân đối giảm dần, song Công ty vẫn chưa năm nào đạt được chỉ tiêu kinh doanh, liên tiếp 6 năm liền 2011-2016.
Riêng năm 2016, CCL chỉ mới thực hiện được 86% chỉ tiêu doanh thu và 42% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 77.8 tỷ và 4.6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của CCL giai đoạn 2011-2016
Đvt: Tỷ đồng
|
Bước sang năm 2017, CCL tiếp tục mạnh tay đề ra chỉ tiêu 100 tỷ đồng doanh thu và 12 tỷ đồng lãi ròng, đồng thuận tăng hơn 11% so với con số kế hoạch năm 2016. Đồng thời, tăng hơn 28% và 160% so với thực hiện trong năm 2016.
Hiện tại, CCL đã công bố BCTC quý 2/2017 với doanh thu đạt 18.3 tỷ, tăng hơn 10% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.5 tỷ đồng, tăng 67% so với quý 2/2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt hơn 32 tỷ đồng doanh thu và 2.3 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt thực hiện được 32% và 19% kế hoạch cả năm. Có thể thấy rằng, nửa đầu năm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế mới đạt được 19% kế hoạch là con số khá khiêm tốn, liệu rằng năm 2017 Công ty có tiếp tục khất hẹn như nhiều năm liền trước đó?
Vậy đâu là nguyên nhân giá cổ phiếu CCL tăng phi mã?
Là một doanh nghiệp bất động sản có thâm niên trên thị trường, với sàn chứng khoán cũng là một trong những đơn vị kỳ cựu với gần 7 năm chinh chiến, nhưng CCL lại khá mờ nhạt cho đến khi xuất hiện cơn "bão giá" vừa qua.
Trở lại câu chuyện hồi ĐHĐCĐ năm 2016, cổ đông CCL đã thông qua phương án phát hành tối đa 9.25 triệu cp để hoán đổi các khoản nợ. Giá hoán đổi của cổ phiếu CCL là 10,000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ hoán đổi là 1:10,000.
Đối tượng phát hành là các chủ nợ đến thời điểm 31/12/2015 và công nợ không đổi đến thời điểm hiện tại gồm ông Huỳnh Minh Quân (42 tỷ đồng), Nguyễn Thái Nguyên (27.5 tỷ đồng), bà Nguyễn Ngọc Trâm (23 tỷ đồng), cũng chính là ba cổ đông lớn hiện tại của CCL.
Cơ cấu cổ đông tính đến ngày 31/12/2016
|
|
Vào thời điểm hoán đổi (20-22/06/2016), giá cổ phiếu CCL loanh quanh tại mức 3,700-3,900 đồng/cp, như vậy giá phát hành cao hơn 2.5 lần so với thị giá. Đồng thời, nợ dài hạn của CCL tính đến 30/06/2017 giảm từ 171 tỷ xuống còn 81 tỷ đồng, tương ứng giảm 33% tổng nợ của Công ty. Như vậy thì, công tác phát hành trên nhìn tổng quát đã mang lại khá nhiều lợi ích cho CCL, giúp giảm nợ vay, trút bớt gánh nặng chi phí.
Chưa hết, vấn đề đáng nói ở đây, cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Tức, đến tháng 6/2017 số cổ phiếu hoán đổi trên sẽ được tự do chuyển nhượng. Trùng hợp thay, đó cũng chính là thời gian giá cổ phiếu CCL tăng đột biến.
Và đến nay, CCL vừa có thông báo niêm yết bổ sung 9.25 triệu cổ phiếu trên từ ngày 26/07/2017, con sóng tăng giá theo đó cũng đi đến hồi kết, hiện cổ phiếu CCL đang giao dịch tại mức 4,330 đồng/cp (28/07) và vẫn đang trong xu hướng giảm.
Như vậy, có phải đợt phát hành hoán đổi nợ là nguyên nhân sâu xa cho động lực tăng giá đột biến vừa qua? Và đến nay, phải chăng “trò chơi” tại CCL đã chính thức đi vào hồi kết!?.
Về đầu tư xây dựng, CCL đang có những gì?
Tính đến cuối năm 2016, CCL đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiểu dự án 1 và 5 (phần phía nam kênh Nhân Lực), hiện đang làm thủ tục chuẩn bị bàn giao Nhà nước. Phần bờ bắc kênh Nhận Lực thuộc tiểu dự án 2, 3 và 4 đã được san lấp và đang tiếp tục thi công các số hạng mục chính.
Về công tác triển khai xây dựng, đã có 99.83 ha diện tích dự án được san lấp mặt bằng. Đồng thời, CCL đã nộp 211 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 59.9 ha đất khai thác kinh doanh, diện tích còn lại đang được làm thủ tục để cấp giấy.
|
Điểm sơ qua về lịch sử phát triển của CCL, được hình thành trên nền tảng của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Minh Châu kêu gọi các đối tác hợp tác đầu tư thực hiện dự án Phát triển Đô thị và Tái định cư Khu 5A (Sóc Trăng), vốn điều lệ ban đầu đạt 250 tỷ đồng vào năm 2007.
Đến nay, Khu đô thị 5A vẫn là một trong những nguồn sống chính của CCL, tổng diện tích dự án đạt 112.87 ha, được quy hoạch thành 5 tiểu dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 1,796 tỷ đồng. Theo bản cáo bạch niêm yết lần đầu, thời gian thực hiện dự án ước từ 2008-2014. Song, tính đến ngày 30/06/2017, chi phí xây dựng cơ bản dài hạn của dự án này đạt hơn 216 tỷ đồng, tương đương 48% tổng tài sản Công ty.
Hơn nữa, quyền sử dụng đất tại dự án 5A còn được Công ty đem thế chấp cho nhiều khoản vay lớn tính đến nửa đầu năm 2017, trong đó có khoản vay gần 50 tỷ đồng tại Agribank (CN Sóc Trăng), khoản vay gần 20 tỷ đồng tại Vietcombank (CN Sóc Trăng) và khoản vay gần 19 tỷ tại PVcombank.
Dự án Phát triển Đô thị và Tái định cư Khu 5A (Sóc Trăng)
|
Ngoài ra, CCL cũng đang triển khai hàng loạt dự án khác như: Bệnh viện đa khoa (YT-01+02), Khu văn phòng phẩm và siêu thị sách (K-TM-13 và K-TM-14), Siêu thị mini kim khí điện máy (K-Tm-12), Siêu thị mini trang trí nội thất (K-TM-10+11), Khu siêu thị (C-Tm-07), Khu bách hóa - nhà ở (K-Tm-06+07), Chung cư thấp tầng 02 (Ơ-CC-02, Ơ-CC-03, Ơ-CC-04), Showroom ô tô (K-TM-08),…
Với vốn điều lệ hiện đạt 355 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 550 tỷ trong khi riêng khoản mục hàng tồn kho chiếm đến 22% (ở mức 120 tỷ đồng). Nợ vay Công ty 172 tỷ, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với con số lên đến 105 tỷ đồng./.
|