Chuyển động dòng tiền tuần 14-18/08:
Câu chuyện nóng ở HVG và LAS
“Vua cá tra” Hùng Vương đã có một tuần giao dịch thành công khi cả dòng tiền lẫn điểm số đều tăng mạnh. Trên HNX, LAS trở thành điểm sáng trước thông tin có lợi cho ngành phân bón.
Trong tuần qua (14-18/08), thị trường tiếp tục chịu áp lực giảm điểm, tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng đáng kể. Điều này lý giải tại sao khối lượng giao dịch thị trường tuần qua sụt giảm mạnh.
Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 168.9 triệu đơn vị/phiên, giảm 20% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 48.5 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 34.5%.
Trên sàn HOSE, chỉ có 35 mã tăng trưởng dòng tiền so với tuần giao dịch trước đó (xét trên nhóm có khối lượng giao dịch trên 100,000 cp/phiên), trong khi 106 mã giảm. Đáng chú ý phần lớn cổ phiếu đều sụt giảm giá theo xu hướng chung của thị trường.
Song, đối với HVG, diễn biến giao dịch trong tuần mang sắc màu khá tích cực, nhất là sau thông tin HĐQT Công ty đã quyết định bán hàng loạt các khu đất hiện có nhằm thu hồi nguồn vốn, ưu tiên dùng để thanh lý nợ và các nghĩa vụ tài sản khác. Theo đó, cổ phiếu HVG đã có phản ứng tích cực khi tăng gần 9% và khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1.3 triệu cp/phiên, tăng 289% so với tuần trước đó.
Nói thêm về HVG, tính đến 30/06/2017, tổng nợ tại HVG vẫn không hề thuyên giảm nhiều, chỉ giảm nhẹ về mức 12,731 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính hơn 8,147 tỷ, chiếm đến 64% tỷ trọng. Như vậy, sau thương vụ trên kỳ vọng khoản nợ vay tại HVG sẽ giảm đáng kể hơn.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ, HVG lại ngậm ngùi báo lỗ ròng 138 tỷ đồng. Cùng với đó, kế hoạch bán hàng tồn kho nhằm thu lãi lớn theo như kỳ vọng của Chủ tịch đến nay vẫn chưa thấy thực thi.
Đối với SKG, hoạt động bắt đáy ở cổ phiếu này tiếp tục diễn ra, nhờ đó mà thanh khoản tuần qua tăng 196%, đạt bình quân gần 315,000 cp/phiên. Trên sàn, SKG đã giảm hơn 7% trong tuần, còn xét trong suốt 1 năm qua thì bay hơi hơn 45%, từ 67,000 đồng/cp về 39,700 đồng/cp.
Trong tuần qua, Chi cục thuế Phú Quốc đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế tổng số tiền hơn 57 tỷ đồng đối với SKG. Cụ thể, SKG bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2010 - 2015 (liên quan đến chính sách ưu đãi về đầu tư mở rộng) với số tiền 37.7 tỷ đồng. Tiền vi phạm hành chính về thuế là 5.73 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế là hơn 14 tỷ đồng.
Theo SKG, Công ty đã gửi công văn tới Chi cục thuế Phú Quốc và Cục thuế Kiên Giang để khiếu nại quyết định này nhưng vẫn chưa nhận được văn bản trả lời nên Công ty chưa ghi nhận vào sổ sách kế toán và báo cáo tài chính.
Chính thông báo về thuế tuần qua khiến SKG rơi mạnh ngay sau đó bởi lo ngại sẽ bị cắt margin theo quy định. Tuy nhiên, điều bất ngờ là cho đến thời điểm này thì SKG vẫn “bình an vô sự”, Sở GDCK TPHCM vẫn chưa có quyết định nào trước thông tin về thuế của SKG. Nên nhớ rằng trước đó hàng loạt mã như TDH, VDS, APC, DTL... đều bị cắt margin do vi phạm về thuế.
Tuần qua cũng là tuần giao dịch khá thành công của cổ phiếu nhóm phân bón khi Bộ Tài chính đã hoàn thành Luật sửa đổi bổ sung về thuế GTGT, theo đó chuyển nhóm phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế 0%.
Với quy định này, doanh nghiệp phân bón sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu phân bón hoặc những đơn vị sản xuất NPK chuyên dùng nguyên liệu nhập khẩu mới được hưởng lợi do không chịu thuế VAT.
Theo báo cáo phân tích của VCBS, nếu đề xuất này được thông qua, những doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như CTCP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS), CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF), CTCP Phân bón miền Nam (SFG), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) sẽ hưởng lợi lớn. Các doanh nghiệp này sẽ giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu (hiện tại, giá phân urea Trung Quốc đang rẻ hơn phân bón nội địa khoảng 5 - 7%).
Theo tính toán của VCBS, LAS sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất. Năm 2016, chi phí thuế VAT nguyên liệu đầu vào của LAS hơn 130 tỷ đồng không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí. Nếu áp dụng chính sách thuế VAT 0% với mặt hàng phân bón, Công ty sẽ giảm được khoản chi phí này, qua đó, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của doanh nghiệp này có thể tăng 77%, từ 138 tỷ đồng lên 245 tỷ đồng.
Chính vì lý do đó mà cổ phiếu LAS tuần qua được nhà đầu tư mạnh tay mua vào, đẩy khối lượng giao dịch bình quân lên gần 860,000 cp/phiên, tăng gần 220% so với tuần trước đó và giá bật tăng gần 20%. Cổ phiếu DPM có thanh khoản tăng 39%.
Nhìn chung thì dòng tiền tuần qua đã trở lại với nhóm cổ phiếu cơ bản hơn. Ngược lại nhiều mã đầu cơ đã giảm mạnh về dòng tiền.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
|