Thứ Năm, 03/08/2017 20:52

Câu chuyện Đô la Mỹ “thừa” trong dân và nhà ở nước ngoài: Có chung lời giải

Việc Thủ tướng đề cập đến vấn đề huy động nguồn lực đô la Mỹ (USD) còn trong dân đã khiến vấn đề huy động vàng và USD trong dân trở nên nóng trở lại.

Để huy động được nguồn lực này, cần hiểu rõ hơn về nguồn USD, vàng trong dân còn bao nhiêu, ai đang nắm giữ. Thế nhưng hoàn toàn rất khó thống kê được con số này một cách đáng tin cậy. Người ta từng đồn đoán rằng Việt Nam có 500 tấn vàng trong dân và không ai nói được có bao nhiêu USD trong dân có thể huy động được. Có thể thấy người làm chính sách tin là có một lượng USD và vàng rất lớn thừa trong dân không biết làm gì và đang nằm chờ huy động, mặc dù người ta không biết quy mô nó lớn cỡ nào, đối tượng nào nắm giữ nhiều và giữ để làm gì.

Câu chuyện niềm tin

Những thảo luận gần đây trên các phương tiện đại chúng bắt đầu nói về vai trò của niềm tin đối với đồng nội tệ (VND) trong việc huy động USD và vàng. Một góc nhìn được đưa ra cho rằng muốn huy động USD và vàng thì phải làm người dân tăng niềm tin với đồng nội tệ, tự chuyển hóa nguồn lực USD và vàng vào VND cũng như đi vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Theo người viết, quan điểm này đã phần nào phản ánh được một động cơ quan trọng của việc găm giữ USD và vàng trong dân: phòng ngừa các bất ổn về kinh tế vĩ mô và nguy cơ đồng nội tệ sẽ mất giá mạnh nhằm bảo vệ giá trị tài sản (một nguyên nhân khác là nguồn USD và vàng này đến từ những nguồn không hợp pháp và đang trong trạng thái nằm chờ chuyển hóa thành tài sản ở nước ngoài). Ở bài viết này người viết sẽ chỉ bàn đến câu chuyện niềm tin.

Câu chuyện niềm tin này hàm ý rằng nếu mà niềm tin với triển vọng kinh tế, chính sách của chính phủ và sự ổn định của đồng nội tệ tăng lên, người dân sẽ chuyển hóa lượng vàng và USD nắm giữ vào tiêu dùng và sản xuất.

Nói cách khác, nếu niềm tin trong dân với triển vọng dài hạn của nền kinh tế tăng lên thì không cần chính phủ phải lo là tiền “chết” nằm trong dân mà nó sẽ tự chảy ra. Nguồn vốn đó khi đổ ra, về lý thuyết, sẽ khiến mặt bằng lãi suất xã hội giảm, thị trường vốn sẽ phát triển và kinh tế sẽ đi lên. Đó là vì người dân chuyển USD sang VND để đầu tư hoặc tiêu dùng sẽ khiến vốn VND trong nền kinh tế dư thừa, ngân hàng dư tiền cho doanh nghiệp vay và mua trái phiếu chính phủ, thị trường chứng khoán tăng điểm (vốn dư thừa đổ vào chứng khoán) thì doanh nghiệp dễ huy động vốn qua chứng khoán, cộng với sức tiêu dùng tăng, có lợi cho nền kinh tế.

Thế nhưng, làm sao để niềm tin trong dân tăng trong bối cảnh hiện tại?

Sức ép tăng thâm hụt ngân sách, tín dụng và nợ công nhiều khả năng sẽ gây hại đến mức chi cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển và ổn định giá trị đồng tiền. Vì vậy, sẽ không lạ khi người dân cứ giữ USD “thừa” ở nhà và mua nhà ở nước ngoài khi có cơ hội.

Tăng trưởng kinh tế trong mấy tháng đầu năm khả quan nhưng thâm hụt ngân sách và nợ công luôn là mối lo thường trực. Mặc dù lạm phát của Việt Nam trong năm 2017 thấp hơn nỗi lo đầu năm nhưng giá dịch vụ y tế và giáo dục vẫn tăng mạnh (đặc biệt là y tế) trong khi áp lực tăng học phí và chi phí giáo dục tiếp tục cao.

Về mặt an sinh xã hội, chính sách về lương hưu và bảo hiểm xã hội đang tiến triển theo chiều hướng bất lợi hơn cho một số đáng kể người lao động (đây là xu thế chung toàn cầu, nhưng trong bối cảnh chi phí cơ bản như y tế, giáo dục trong nền kinh tế tăng nhanh thì đây là một điểm trừ). Trong khi đó, triển vọng ổn định giá trị VND đang mong manh hơn khi mà nhập siêu tăng mạnh (nhập siêu hơn 2,7 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm 2017 so với mức xuất siêu gần 2,7 tỉ USD của năm 2016). Trong bối cảnh như vậy, khó có thể khiến người dân tin chắc vào tương lai dài hạn của nền kinh tế và giá trị VND.

Niềm tin thấp dẫn đến găm giữ vàng, USD và mua nhà ở nước ngoài?

Báo cáo công bố ngày 18-7 của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) cho thấy năm 2017 người Việt đứng thứ 6 trong tốp 10 nước hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ. Liệu có sự liên hệ nào giữa niềm tin trong dân, găm giữ vàng và USD và mua nhà ở nước ngoài?

Phải chăng người dân đang phản ánh sự thiếu niềm tin của họ về triển vọng dài hạn của nền kinh tế và giá trị VND bằng cách chuyển hóa nguồn USD và vàng của mình sang tài sản ở nước ngoài? Nếu như vậy thì hai vấn đề nóng gần đây trong xã hội hóa ra bắt nguồn từ một vấn đề: niềm tin dài hạn trong nền kinh tế. Găm giữ USD và mua nhà ở nước ngoài phải chăng là một cách mà người dân thể hiện chỗ đặt niềm tin của mình?

Để tạo lập niềm tin trong dân phải bắt nguồn từ việc thực thi nghiêm túc và hiệu quả một loạt biện pháp mà chính phủ đang kỳ vọng làm được đó làm giảm nợ công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, ổn định giá cả và an sinh xã hội, đồng thời với việc chống tham nhũng và cải tổ hiệu quả của cơ quan công quyền.

Thế nhưng, có những tín hiệu cho thấy việc nóng vội đạt được mức tăng trưởng đầy tham vọng đang đẩy chính phủ lệch ra khỏi con đường đó. Muốn đạt tăng trưởng cao trong bối cảnh hiện tại không cách nào tránh khỏi chi tiêu công và tăng tín dụng mạnh trong khi kiểm soát lãng phí kém thì sẽ không đảm bảo được thâm hụt ngân sách ở mức an toàn và hạn chế tăng nợ công.

Sức ép tăng thâm hụt ngân sách, tín dụng và nợ công  nhiều khả năng sẽ gây hại đến mức chi cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển và ổn định giá trị đồng tiền. Do đó, sự lạc quan của các con số tăng trưởng năm 2017 tiềm ẩn nhiều rủi ro ngay trong 2-3 năm nữa cho nền kinh tế chứ chưa nói tới vấn đề dài hạn. Vì vậy, sẽ không lạ khi người dân cứ giữ USD “thừa” ở nhà và mua nhà ở nước ngoài khi có cơ hội.

http://www.thesaigontimes.vn/163208/Cau-chuyen-Do-la-My-thua-trong-dan-va-nha-o-nuoc-ngoai-Co-chung-loi-giai.html

Các tin tức khác

>   ‘Siết’ kinh doanh hàng không vì hạ tầng chưa cho phép (03/08/2017)

>   Bà Hồ Thị Kim Thoa đã “thổi” 4.700 mét vuông đất “bay” vào túi ai? (03/08/2017)

>   Những dự án thua lỗ nghìn tỉ tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (03/08/2017)

>   Bộ Tài chính sẽ kiểm tra đột xuất các tổ chức, dự án có vốn nước ngoài (03/08/2017)

>   Đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN (03/08/2017)

>   Vay nước ngoài gần 1,1 tỷ USD làm tuyến Metro Ga Hà Nội - Hoàng Mai (03/08/2017)

>   Đặc khu kinh tế: “Không chỉ nhìn mặt bất cập mà bàn lùi” (03/08/2017)

>   Sản xuất vẫn lãi, Bộ Xây dựng nói không 'giải cứu xi măng' (02/08/2017)

>   Bộ Công Thương: Sẽ kiểm soát chặt giá bán lẻ sữa (02/08/2017)

>   TPHCM: Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2017-2020 (02/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật