Cẩn trọng với những lời kêu cứu
Sau khi Bộ Tài chính từ chối giảm thuế để giải cứu ngành than chưa lâu thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đề xuất giảm thuế để giải cứu ngành xi măng. Điều này cho thấy tư duy giải cứu các ngành công nghiệp của các bộ chưa có sự nhất quán và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây méo mó thị trường.
Bàn tay hữu hình đang trở thành cứu cánh
Chỉ trong một thời gian ngắn, những lời “kêu cứu” đã liên tục được nhiều ngành sản xuất công nghiệp đưa ra.
Cuối tháng 7-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm thuế xuất khẩu để giải cứu ngành xi măng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập luận rằng hiện nguồn cung trong nước dư thừa 20%, cùng với đó, việc giá xi măng nội địa cao hơn xi măng của Trung Quốc, Thái Lan hay Nhật Bản đã khiến khả năng cạnh tranh của xi măng Việt Nam giảm. Vì vậy Bộ này đề xuất giảm thuế xuất khẩu cho mặt hàng xi măng xuống dưới mức 5% nhằm giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, góp phần giảm áp lực nguồn cung lên thị trường trong nước.
Trước đó, tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đưa ra những đề xuất tương tự, mong muốn giảm thuế xuất khẩu và thuế bảo vệ môi trường để thúc đẩy xuất khẩu than.
Nhìn chung những đề xuất giải cứu đều xuất phát từ việc các doanh nghiệp sản xuất dư thừa, giá thành lại cao khiến sản phẩm sản xuất ra không bán được. Tuy nhiên, thay vì tìm cách cắt giảm giá thành, điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp lại trông chờ vào sự giải cứu của Chính phủ.
Gánh nặng chi phí giải cứu
Ngành than hay xi măng đều là những ngành công nghiệp tiêu tốn tài nguyên, năng lượng và có tác động tiêu cực đến môi trường.
Vì vậy, việc giải cứu những ngành sản xuất này, bằng cách giảm thuế chẳng hạn, dù có thể giải quyết một số bài toán trước mắt như giảm tồn kho hay giảm áp lực sa thải lao động, nhưng không thể giải quyết được bài toán sâu xa hơn. Đó là việc các ngành sản xuất công nghiệp này đang áp dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp dẫn đến chi phí sản xuất cao.
Mặt khác, kể cả việc giải cứu tức thời có thành công thì bản thân nó sẽ tạo ra những chi phí ẩn khác cho xã hội.
Đầu tiên, việc giải cứu các ngành công nghiệp này sẽ làm sai lệch tín hiệu cung - cầu trên thị trường. Lấy ví dụ ngành xi măng, việc giảm thuế xuất khẩu có thể giúp doanh nghiệp tăng xuất khẩu, giảm tồn kho. Tuy nhiên, tồn kho giảm không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ giảm sản lượng, thậm chí một số doanh nghiệp có thể tăng sản xuất để tranh thủ xuất khẩu trong giai đoạn thuế xuất khẩu giảm. Như vậy, khi việc giảm thuế xuất khẩu kết thúc, tình trạng tồn kho sẽ lại tái diễn và vòng lặp giải cứu sẽ lại bắt đầu.
Tiếp theo, với những ngành tiêu tốn tài nguyên và năng lượng, việc hỗ trợ xuất khẩu đồng nghĩa với việc khuyến khích tiêu thụ thêm năng lượng và khai thác thêm tài nguyên, từ đó sẽ tạo ra những hệ lụy khác về môi trường.
Cuối cùng, việc Chính phủ sẵn sàng giải cứu sẽ góp phần tạo ra sự thụ động của doanh nghiệp trong ngành, đồng thời tạo ra thói quen chờ đợi sự giải cứu từ doanh nghiệp trong ngành và các ngành khác trong tương lai.
Ở góc độ quản lý của Chính phủ, việc giải cứu một ngành công nghiệp, một khi đã được thực hiện, sẽ tạo ra vòng xoáy giải cứu các ngành liên quan. Từ đó, gánh nặng thâm hụt ngân sách cũng mở rộng.
Cần nhất quán trong tư duy giải cứu
Việc Bộ Tài chính vừa từ chối một kế hoạch giải cứu ngành than thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đề xuất một kế hoạch giải cứu tương tự cho ngành xi măng cho thấy tư duy về giải cứu các ngành công nghiệp của các bộ còn chưa nhất quán.
Các bộ chưa có nguyên tắc chung về giải cứu các ngành công nghiệp: trường hợp nào sẽ đề xuất các biện pháp hỗ trợ, trường hợp nào không, nếu đề xuất hỗ trợ thì các chương trình hỗ trợ phải đảm bảo những tiêu chí gì...
Điều này dẫn đến việc các đề xuất giải cứu mới chỉ tập trung vào giải quyết bài toán ngắn hạn với mục tiêu giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt, nhưng chính những kế hoạch giải cứu này lại chưa có sự suy xét kỹ càng về cả tính hiệu quả cũng như các chi phí ẩn.
Bản thân một doanh nghiệp khi gia nhập ngành đều phải chịu những rủi ro nhất định. Với những ngành sản xuất công nghiệp như than đá hay xi măng, chi phí đầu tư cao và thời gian kéo dài dẫn đến rủi ro cũng cao, vì vậy Chính phủ thường có sự hỗ trợ nhất định trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, khi đi vào vận hành thì doanh nghiệp nên tự chịu trách nhiệm với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Các bộ nên có sự nhất quán trong tư duy về chuyện giải cứu doanh nghiệp, theo đó nên ưu tiên việc để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Có như vậy, doanh nghiệp mới không còn thụ động chờ đợi sự giải cứu từ Chính phủ.
http://www.thesaigontimes.vn/163645/Can-trong-voi-nhung-loi-keu-cuu.html
|