VN-Index sẽ đạt đỉnh 820 trong năm 2017?
Ông Bạch An Viễn - Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS Việt Nam (KIS) cho biết ông vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường trong 6 tháng cuối năm với kì vọng VN-Index có thể đạt mục tiêu 800-820, cho dù điều này sẽ mất thêm nhiều thời gian vì thị trường cần thời gian tích lũy.
VN-Index có khả năng đạt đỉnh 820 đến cuối năm
Trong 6 tháng đầu năm, VN-Index thiết lập kênh xu thế tăng khá vững chắc trong vùng 665-775, song hiện đang phát đi những tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật kể từ đầu tháng 7, theo sau chạm vùng kháng cự mạnh 780-785. Sự điều chỉnh này diễn ra sau khi chỉ số này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gần 18% kể từ đầu năm, mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, thị trường ghi nhận mức tăng mạnh mẽ ở nhiều nhóm ngành, dẫn đầu là bất động sản (BĐS), xây dựng, chứng khoán và vật liệu xây dựng. Điều này đã kích hoạt làn sóng chốt lời để bảo vệ thành quả khi tỷ suất lợi nhuận đã vượt kì vọng.
Ông Bạch An Viễn - Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS Việt Nam (KIS)
|
Dù vậy, ông Viễn kỳ vọng quá trình điều chỉnh sẽ không quá lớn trong bối cảnh niềm tin nhà đầu tư (NĐT) duy trì tích cực về triển vọng thị trường trong năm nay với thanh khoản thị trường ổn định ở mức cao quanh ngưỡng 4,000 tỷ đồng/phiên.
Thêm vào đó, quá trình tăng điểm cũng diễn ra xen kẽ ở các nhóm ngành và không tạo ra hiện tượng tăng nóng trên diện rộng trong thời gian qua, góp phần giảm rủi ro thị trường nói chung.
Trong ngắn hạn, thị trường đang rơi vào trạng thái thiếu câu chuyện hỗ trợ mới. Theo đó, điều mà NĐT quan tâm lớn nhất vào thời điểm hiện tại là kết quả kinh doanh (KQKD) quý 2 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết. Trong bối cảnh bức tranh chung của nền kinh tế vẫn khả quan, triển vọng lợi nhuận của các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, BĐS, xây dựng và vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và bán lẻ trong quý 2 vẫn tích cực. Đây được xem là nhân tố cơ bản quan trọng hỗ trợ thị trường mặc dù quá trình phân hóa sẽ diễn ra rõ nét hơn giữa các nhóm ngành. Tất cả những yếu tố nói trên có thể sẽ giúp cho xu thế điều chỉnh hiện tại không quá nghiêm trọng.
Trong tháng 7, VN-Index có thể sẽ được hỗ trợ mạnh bởi ngưỡng tâm lý 750. Nói chung, thị trường vẫn cần thời gian để củng cố và tích lũy sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng. Do đó, việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn đang trở nên khó khăn hơn bởi dòng tiền nóng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Dù vậy, ông Viễn cho biết ông vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường trong 6 tháng cuối năm với kì vọng VN-Index có thể đạt mục tiêu 800-820, cho dù điều này sẽ mất thêm nhiều thời gian vì thị trường cần thời gian tích lũy. Nếu nhìn về mức kỳ vọng nói trên, VN-Index có thể vận động trong vùng 750-820, có nghĩa là mức tăng đã thu hẹp đáng kể so với nửa đầu năm (VN-Index vận động trong vùng 765-775).
Như vậy, thị trường sẽ tiếp tục xu thế đi lên để tạo nên một năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục cho chứng khoán Việt Nam (VN) với các nhân tố hỗ trợ chính:
- Tăng trưởng kinh tế tiếp tục mở rộng trong phần còn lại của năm với mức tăng trưởng cả năm kì vọng đạt 6.4%. Điều này tạo ra một môi trường vĩ mô thuận lợi cùng với sự ổn định tương đối của các biến số như lạm phát, và tỷ giá.
- Chính phủ đang theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ với mặt bằng lãi suất thấp không chỉ hỗ trợ cho tăng trưởng mà còn sẽ thúc đẩy thị trường tăng điểm trong trung hạn nhờ thanh khoản dồi dào.
- Triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tích cực nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và chi phí đầu vào thấp hơn, đặc biệt là các lĩnh vực tài chính, xây dựng, BĐS, vật liệu xây dựng cũng như tiêu dùng, bán lẻ.
Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, thị trường cũng sẽ chịu những thách thức lớn đến từ áp lực chốt lời sẽ gia tăng đều đặn khi thị trường xác lập các mức cao mới, Fed có thể chỉ tăng thêm lãi suất 1 lần trong phần còn lại của năm nhưng có thể làm hạn chế dòng chảy vốn vào các thị trường khu vực, trong đó có VN và tâm lý lo ngại bất ổn địa chính trị trong khu vực và thế giới leo thang. Bên cạnh đó, nguồn cung gia tăng từ hoạt động IPO và niêm yết mới khiến cho dòng tiền chỉ có thể tập trung chứ khó lan tỏa trên diện rộng. Cuối cùng là giá dầu được dự báo sẽ khó phục hồi bền vững và duy trì ở mức thấp, điều này sẽ ảnh hưởng kém tích cực lên triển vọng lợi nhuận và giá cổ phiếu năng lượng nói chung.
Khối ngoại có thể chốt lời trong ngắn hạn
Sau giai đoạn bán ròng khá mạnh trong năm 2016 (6,765 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD ) dưới áp lực Fed tăng lãi suất, khối ngoại đã trở lại mua ròng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2017 với tổng mức mua ròng đạt hơn 9,050 tỷ đồng trên cả 2 sàn (tương đương 390 triệu USD).
Không chỉ mua ròng trên thị trường cổ phiếu, khối ngoại cũng mua ròng khá lớn trên thị trường trái phiếu. Theo ông Viễn, xu thế mua ròng không chỉ diễn ra trên thị trường VN mà còn ở hầu hết các thị trường trong khu vực ASEAN. Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng trên nhưng nguyên nhân chính đến từ triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực cùng với sự ổn định vĩ mô hiếm có như lạm phát, tỷ giá.
Thêm vào đó, thị trường liên tục đón nhận hàng loạt các doanh nghiệp lớn niêm yết cũng thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lớn. Ở góc độ so sánh, dòng vốn ngoại đang tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận lớn hơn ở các thị trường mới nổi và sơ khai trong khi mức lãi suất hiện nay ở hầu hết các thị trường phát triển như Mỹ, EU và Nhật Bản là rất thấp.
“Việc dự báo xu hướng vận động của dòng vốn ngoại luôn là một thách thức. Trong ngắn hạn, tôi cho rằng hoạt động chốt lời của NĐT nước ngoài có thể diễn ra sau giai đoạn mua ròng kéo dài nhưng qui mô không cao do triển vọng thị trường chung trong năm nay là sáng sủa. Xét trên khía cạnh dài hạn hơn, xu thế chính vẫn là mua ròng nhờ nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc tự do hóa thị trường vốn, nới room, nỗ lực nâng hạng thị trường lên mới nổi và xu thế niêm yết mới của các DN lớn ở cả khối Nhà nước cũng như khối tư nhân”, ông Viễn nói thêm.
Hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào lên TTCK?
Trong suốt một thời gian dài, Chính phủ luôn khuyến khích hệ thống ngân hàng giảm lãi suất và đẩy mạnh tín dụng, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng. Theo đó, động thái giảm lãi suất điều hành vừa qua dù khá hạn chế (giảm 0.25%) nhưng được kỳ vọng sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp lên mặt bằng lãi suất thị trường nhằm phục vụ nói trên của Chính phủ.
Nói cách khác, động thái giảm lãi suất lần đầu tiên trong vài năm gần đây là một chỉ dấu cho thấy Chính phủ mới vẫn đang ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế vốn đang có nguy cơ chậm lại. Quyết định này ông Viễn cho là hợp lý trong bối cảnh nền trạng thái vĩ mô ổn định hiếm có trên các phương diện như lạm phát, tỷ giá bất chấp các lo ngại về nợ xấu gia tăng trở lại cũng như lạm phát tiềm ẩn trong dài hạn. Đây cũng là một giải pháp cần thiết nhằm cân bằng mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát rủi ro về vĩ mô, ông Viễn nhấn mạnh.
Trong khi đó, thị trường đã điều chỉnh ngay sau quyết định giảm lãi suất. Như đã đề cập, việc điều chỉnh này chủ yếu đến động thái chốt lời ở nhóm cổ phiếu tăng nóng trên nền định giá cổ phiếu đã không còn rẻ.
Do đó, việc giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ có tác dụng tích cực lên thị trường chứng khoán (TTCK) trên 2 khía cạnh. Một mặt, lãi suất ngắn hạn giảm sẽ làm tăng tính hấp dẫn tương đối của TTCK trong khi bản thân thị trường này cũng được hỗ trợ nhờ thanh khoản dồi dào giữa lúc chính sách nới lỏng tiền tệ mở rộng. Mặt khác, lãi suất cho vay thấp hơn sẽ tiếp tục làm giảm chi phí tài chính cũng như tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện lợi nhuận DN.
Áp lực Basel II có thể khiến nhóm Ngân hàng hạ nhiệt
Hiện tại đã có một số ngân hàng hàng đầu công bố KQKD 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tích cực như VCB (+22%), MBB (+30%), CTG (+12%), VIB (+24%). Động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng mở rộng và đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm trong bối cảnh nhu cầu vốn cho sản xuất gia tăng và các ngân hàng đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị quyết nợ xấu được kỳ vọng sẽ tạo ra làn gió mới trong việc xử lý nợ xấu triệt để hơn trong thời gian tới. Những yếu tố nói trên góp phần giúp cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng khá tích cực từ cuối năm 2016.
“Trong 6 tháng cuối năm, kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ 2016 trong bối cảnh các động lực chính trong 6 tháng đầu năm sẽ được duy trì. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm có thể không cao bằng 6 tháng đầu năm do áp lực lãi suất đầu ra giảm sau quyết định giảm lãi suất của NHNN. Ngoài ra, gánh nặng trích lập dự phòng nợ xấu ở nhiều ngân hàng thường gia tăng vào giai đoạn cuối năm. Dù thế nào đi nữa, ngành ngân hàng 2017 vẫn sẽ ghi nhận một hoạt động thành công nhất kể từ câu chuyện nợ xấu xảy ra”, ông Viễn chia sẻ.
Bên cạnh các yếu tố cơ bản, kỳ vọng về nới room cho NĐT nước ngoài cũng sẽ động lực để giữ cho giá cổ phiếu ngân hàng trên xu thế tăng trung hạn. Dù vậy, ông Viễn vẫn lưu ý rằng áp lực từ việc triển khai Basel II có thể khiến nhiều ngân hàng chưa đạt chuẩn phải gia tăng vốn, dẫn đến rủi ro pha loãng giá cổ phiếu./.
|
|