Vẫn còn khác biệt trong đàm phán tiền lương tối thiểu 2018
Trong khi đại diện chủ sử dụng lao động vẫn nhất quyết tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 chỉ dừng ở mức dưới 5% thì phía Tổng liên đoàn Lao động - đại diện cho người lao động - lại cho rằng nên tăng lương ở mức 8-10%. Vẫn cần một phiên đàm phán nữa diễn ra vào ngày 7-8-2017 để đi đến thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Kết thúc phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra ngày 28-7-2017, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết các chuyên gia đánh giá mức lương hiện tại chỉ đáp ứng được trên dưới 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động nhưng trên thế giới chưa có nước nào lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động vì đây là cuộc chạy đua gần như không có điểm gặp nhau.
Doanh nghiệp mong muốn có sự phát triển ổn định vì nếu tăng lương tối thiểu quá cao thì họ sẽ phải tính tới cơ cấu lại hoạt động sản xuất, khi đó, một bộ phận lao động sẽ trở nên thất nghiệp và nảy sinh vấn đề xã hội khác.
Các yếu tố quyết định tăng lương tối thiểu là năng suất lao động, chất lượng việc làm, chỉ số CPI, khả năng chi trả của doanh nghiệp….
Theo ông Phòng, về cơ bản, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã khởi sắc đôi chút nhưng doanh nghiệp trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy hải sản, điện tử... chịu tác động lớn của lương tối thiểu.
Theo một công bố của cơ quan chức năng, hiện có trên dưới 54,4 triệu lao động nhưng những người có hợp đồng lao động trong doanh nghiệp và hợp tác xã chỉ chiếm khoảng hơn 17%. Như vậy, lương tối thiểu điều chỉnh, các yếu tố khác ngoài xã hội sẽ điều chỉnh theo, hệ lụy tăng lương sẽ tác động tới đời sống của cả người chịu tác động của lương tối thiểu và cả lao động phi chính thức.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho hay, doanh nghiệp luôn coi lao động là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của công ty. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ tới tăng lương mà không tăng năng suất lao động, không ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì vô hình trung sẽ đẩy chi phí lao động của Việt Nam cao hơn nhiều nước khác và các đơn hàng sẽ chảy sang các nước có chi phí gia công thấp. Như vậy, mục đích chung của quốc gia không đạt được, doanh nghiệp mất đơn hàng, lao động mất việc.
Theo VCCI, hiện nay quỹ lương của doanh nghiệp ngành da giày chiếm 70-75% trong giá gia công và của doanh nghiệp ngành dệt may chiếm tới 72-78% giá gia công của sản phẩm xuất khẩu. Nếu lương tối thiểu tăng hàng năm trong khi giá gia công có xu hướng giảm và không tăng sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm dần, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày, thủy sản đã ngừng kế hoạch tăng lương thường xuyên cho người lao động, các doanh nghiệp yếu thì cắt giảm phần lương "mềm" của đa số lao động để bù đắp vào các chi phí tăng thêm.
Hơn nữa, tăng lương kéo theo nhiều khoản tiền tính theo lương như bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn, giờ làm thêm...đều tăng. Lấy dệt may làm ví dụ, nếu cứ tăng 1 đồng lương tối thiểu thì doanh nghiệp phải trả gấp đôi. Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 năm 2017 là 3.750.000đ thì tổng chi phí nhân công tối thiểu vùng 1 là 7.178.000 đồng (gấp 1,91 lần). Trong đó, thu nhập người lao động được nhận là 6.167.655 đồng (lương cứng chiếm 74,6%, lương mềm chiếm 25,4%), còn lại là phần doanh nghiệp phải đóng các khoản bảo hiểm xã hội (926.888 đồng), kinh phí công đoàn (84.263 đồng).
Do đó, theo VCCI, khi phần lương cứng tăng thêm do tăng lương tối thiểu và nền đóng các chế độ bảo hiểm xã hội tăng sẽ buộc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn điều chỉnh lại cơ cấu tiền lương bằng cách cắt giảm các khoản chi thuộc phần "mềm" để chuyển sang phần cứng, đây chính là khoản trực tiếp làm giảm thu nhập của người lao động.
Trong khi đó, theo đại diện của người lao động là Tổng liên đoàn Lao động, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 có nhiều khởi sắc, do đó, người lao động cũng phải được hưởng thành quả lao động họ đã đóng góp. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI vẫn ở mức cao, khoảng 4-5% nên tiền lương tối thiểu của năm 2018 phải bù được trượt giá, để thu nhập của người lao động không giảm sút trong thực tế.
Ngoài ra, hiện nay, tình cảnh của người lao động vẫn rất khó khăn. Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động ở 17 địa phương trong năm 2017 cho thấy 51% người lao động cho rằng họ phải làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống, trên 54% người lao động không hài lòng với mức tiền lương tối thiểu hiện nay… Do đó, phía Tổng liên đoàn Lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 10%, một số ý kiến trong Tổng liên đoàn đã đề nghị xuống mức 8%.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho hay, dù còn khác biệt giữa hai bên nhưng khoảng cách khác biệt đã giảm xuống. Theo quy chế, nếu hai bên thống nhất được một phương án đưa ra bỏ phiếu và có tỷ lệ ủng hộ quá bán thì đó là phương án cuối cùng của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Trong trường hợp hai bên không thống nhất được một phương án thì hai phương án của hai bên sẽ được đưa ra bỏ phiếu, phương án nào có tỷ lệ cao hơn sẽ được chọn làm mức tăng lương chung của Hội đồng tiền lương quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ.
http://www.thesaigontimes.vn/163054/Van-con-khac-biet-trong-dam-phan-tien-luong-toi-thieu-2018.html
|