Thứ Sáu, 14/07/2017 10:44

Thua lỗ ở Vinafood 2 và yêu cầu tái cấu trúc thị trường xuất khẩu gạo

Tổng công ty Lương thực miền Nam (VinaFood 2) là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn nhất trên thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Kết quả kinh doanh tệ hại cùng những sai phạm trong quản lý điều hành của Vinafood 2 mới được công bố càng khẳng định thêm nhu cầu phải tiến hành những cải tổ căn bản liên quan đến thị trường xuất khẩu gạo.

Trong đó, có hai vấn đề quan trọng cần quan tâm là vai trò của DNNN trong ngành kinh doanh xuất khẩu gạo như thế nào và điều tiết thị trường xuất khẩu gạo ra sao để ngành này có thể cạnh tranh và phát triển.

Hiệu quả của DNNN trong thị trường xuất khẩu gạo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Vinafood 2(1), qua đó có thể thấy hiệu quả kinh doanh lẫn việc thực thi vai trò của một DNNN của VinaFood 2 đều không đạt mục tiêu mong đợi.

Xét về hiệu quả kinh doanh, kết luận thanh tra chỉ ra, trong năm 2014, Vinafood 2 có số lỗ trước thuế là 873,3 tỉ đồng. 11/15 đơn vị thuộc tổng công ty lỗ, chỉ có bốn đơn vị có lãi. Năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Vinafood 2 là 155 tỉ đồng nhưng chủ yếu thu từ bán tài sản tại khu đất 34,36,42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (121,086 tỉ đồng). Kết quả này chưa bao gồm các khoản trích lập dự phòng theo quy định của Nhà nước đối với doanh nghiệp đang trong quá trình cổ phần hóa. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quí 1-2016 cho thấy công ty mẹ có lợi nhuận trước thuế 51 tỉ đồng; các đơn vị phụ thuộc bị lỗ 46 tỉ đồng (11/14 đơn vị lỗ, 3/14 đơn vị có lãi).

Nhưng quan trọng hơn, bên cạnh việc kinh doanh, Vinafood 2, cùng với Vinafood 1 được đặt yêu cầu dẫn dắt và thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, Vinafood 2 đã không thực hiện được chức năng này. Kết luận thanh tra nêu rõ, Vinafood 2 chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thương nhân đầu mối như không xây dựng phương án dự thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng tập trung có hiệu quả; không có phương án bằng văn bản triển khai thực hiện hợp đồng ngay sau khi ký hợp đồng tập trung; không có văn bản đánh giá về giá gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung để so sánh với giá gạo xuất khẩu theo hợp đồng thương mại trên thị trường cùng thời điểm để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

Vinafood 2 và lợi thế từ chính sách

Thực tế trong ngành xác nhận, Vinafood 2 và các công ty thành viên được hưởng lợi lớn từ chính sách. Ngành gạo, với các điều kiện kinh doanh mà Nghị định 109 đặt ra, đã loại bỏ hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi cuộc chơi để nhường sân lại cho các doanh nghiệp lớn. Các yêu cầu về cơ sở vật chất (máy xay xát, nhà kho), yêu cầu về phê duyệt hợp đồng khi xuất khẩu, yêu cầu về dự trữ... tạo lợi thế cho DNNN, giảm đầu mối số lượng đơn vị xuất khẩu và giảm cạnh tranh trong ngành. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, những người làm tốt hoạt động thương mại và có thị trường xuất khẩu, nhưng với những “trói buộc” của Nghị định 109 phải xuất khẩu ủy thác qua các tổng công ty lương thực nhà nước như Vinafood 2.

Với lợi thế chính sách này, cùng những ưu thế lớn trong xuất phát điểm của một DNNN (vốn đầu tư của Nhà nước, được Nhà nước bảo lãnh vốn vay, quỹ đất sẵn có được Nhà nước giao), nhưng rốt cuộc, các DNNN như Vinafood 2 vẫn tiếp tục thua lỗ. Vinafood 2 cũng không hoàn thành chức năng dẫn dắt và phát triển thị trường của một DNNN, như kết luận thanh tra đã nêu.

Kinh doanh không hiệu quả. Dẫn dắt thị trường không thành công. Tất cả những điều đó đủ để đặt ra những câu hỏi về tính cần thiết của một DNNN trong thị trường xuất khẩu gạo.

Hướng đi nào?

Để ngành gạo thực sự trở nên cạnh tranh và vận hành lành mạnh, cần đồng thời thực hiện hai yêu cầu. Thứ nhất, gỡ bỏ các rào cản hạn chế doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường. Thứ hai, cổ phần hóa triệt để các DNNN trong lĩnh vực lúa gạo.

Ở khía cạnh thứ nhất, Nghị định 109 cần được sửa theo hướng bỏ các điều kiện mang tính “rào cản” trong việc gia nhập thị trường với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, yêu cầu về hợp đồng... cần được tuyệt đối gỡ bỏ, cho phép doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ trong hoạt động kinh doanh của mình.

Ở khía cạnh thứ hai, để thực hiện mục tiêu an ninh lương thực, hệ thống dự trữ quốc gia về lúa gạo cần được vận hành như một đơn vị công ích, không phải là doanh nghiệp. Không yêu cầu nhiệm vụ kinh doanh với các đơn vị này. Còn lại, nên cổ phần hóa 100%, tức là bán toàn bộ vốn nhà nước tại các công ty lương thực chứ Nhà nước không nên giữ cổ phần chi phối như hiện nay.

VinaFood 2, các DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước đang thua lỗ nặng nề, và gần đây nhất là 12 dự án đầu tư kinh doanh thua lỗ “ngàn tỉ” của các DNNN, cho thấy cần phải nhận thức lại về mô hình DNNN. Trong ngành lúa gạo, mục tiêu an ninh lương thực cần được tiếp cận ở một góc độ khác hiệu quả hơn. Nếu không, những “Vinafood” sẽ còn lợi dụng “chủ trương” đó, trục lợi cho cá nhân, bóp méo thị trường và làm thua lỗ thất thoát tài sản nhà nước.

(1) http://vneconomy.vn/thoi-su/hang-loat-sai-pham-tai-tong-cong-ty-luong-thuc-mien-nam-2017070505422035.htm

http://www.thesaigontimes.vn/162457/Thua-lo-o-Vinafood-2-va-yeu-cau-tai-cau-truc-thi-truong-xuat-khau-gao.html

Các tin tức khác

>   Giá thịt lợn hơi tăng từng giờ, nguồn cung lại khan hiếm ở nội địa? (14/07/2017)

>   6 tháng, PVN lãi sau thuế 13,100 tỷ đồng (14/07/2017)

>   Người Việt vẫn 'chuộng' xe nhập khẩu từ Thái Lan (14/07/2017)

>   Nhiều cơ hội cho xuất khẩu da giày (14/07/2017)

>   Doanh nghiệp nhà nước làm ăn sa sút: Xử lý chưa hiệu quả (14/07/2017)

>   Doanh nghiệp, hải quan rối bời vì “cửa khẩu nhập” (14/07/2017)

>   Hàng Việt bị trả lại vì không hiểu luật Mỹ (13/07/2017)

>   Thêm nguy cơ khiến cá tra Việt Nam “mắc cạn” ở thị trường Hoa Kỳ (13/07/2017)

>   Yêu cầu sửa đổi chính sách thuế, phí khoáng sản (13/07/2017)

>   “Phê” Chính phủ chậm sử dụng gần 700 tỷ vốn trái phiếu (13/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật