Thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng lớn
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn giảm bớt khoản thâm hụt thương mại, nhưng dường như mọi thứ đang xảy ra theo chiều hướng ngược lại, CNNMoney cho hay.
Khoản thâm hụt thương mại tính tới tháng 5 đã tăng lên 233 tỷ USD trong năm 2017, dữ liệu thương mại công bố trong ngày thứ Năm cho thấy. Con số này lớn hơn 13% so với mức thâm hụt 206 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Thương mại sẽ là vấn đề trọng tâm trong suốt chuyến thăm của ông Trump tới Đức để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày thứ Sáu (07/07). Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Đức lên tiếng cảnh báo ông Trump có thể châm ngòi cuộc chiến thương mại với châu Âu.
Ông Trump cũng đã chỉ trích một vài quốc gia thuộc nhóm G20 – bao gồm Đức, Mexico, Trung Quốc và Canada – vì ông cho rằng những nước này đang thực hiện thương mại không công bằng. Và khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại về thép vẫn còn đó.
Ông Trump thường cho rằng chính các thỏa thuận thương mại tồi tệ đã dẫn tới sự mất mát của số lượng việc làm sản xuất ở Mỹ. Ông quả quyết rằng thâm hụt thương mại ngày càng tăng – chênh lệch giữa kim ngạch xuất và nhập khẩu – là một dấu hiệu cho thấy các quốc gia khác đang lấy mất tiền, việc làm và các công ty từ tay của Mỹ. Đây là một lập luận mà ông thường nhắc tới để biện minh cho các mối đe dọa thương mại như hàng rào thương mại.
Trong 3 tháng đầu năm nay, khoản thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nước là Mexico, Canada và Trung Quốc đang dần lớn hơn. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với Đức thì lại giảm nhẹ so với năm trước.
Trên thực tế, thâm hụt thương mại không phản ánh khoản tiền, việc làm hay công ty bị mất đi, và chúng cũng không hẳn là yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế, các chuyên gia cho hay.
Bằng chứng là Nhật Bản thường xuyên có thặng dư thương mại, nhưng nền kinh tế nước này đã chững lại trong 2 thập kỷ qua. Còn Australia thường có thâm hụt thương mại nhưng nước này chưa rơi vào suy thoái trong 25 năm qua.
Khi Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2007 thì khoản thâm hụt thương mại đã được thu hẹp. Ngược lại, khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh với 4%/năm vào cuối thập niên 90 thì khoản thâm hụt thương mại lại tăng.
Dẫu vậy, ông Trump đã cam kết kiểm soát chặt chẽ những khoản thâm hụt thương mại và không để khoản này tăng thêm một chút nào nữa.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2017 đã tăng lên 192 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015. Hoạt động xuất khẩu Mỹ tăng lên trong mùa xuân năm nay vì đồng USD ngày càng suy yếu đã làm sản phẩm Mỹ trở nên rẻ hơn đối với những người sử dụng những đồng tiền khác để mua hàng hóa và còn vì nền kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng trưởng.
Để thu hẹp thâm hụt thương mại, kim ngạch xuất khẩu Mỹ buộc phải tăng cao hơn so với kim ngạch nhập khẩu. Điều này sẽ không diễn ra trong thời gian tới. Và như lịch sử đã cho thấy, thâm hụt thương mại ngày càng thu hẹp có thể phản ánh một nền kinh tế trở nên yếu hơn chứ không phải mạnh hơn./.
|