Liệu hiện tượng “Taper Tantrum” sẽ lặp lại ở châu Á?
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Shuli Ren trên Bloomberg
Đà bán tháo cổ phiếu và trái phiếu trên toàn cầu đã làm gợi nhớ lại kỷ niệm không vui về hiện tượng “Taper Tantrum” trong năm 2013, khi các lời nhận định từ phía Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm thị trường chứng khoán mới nổi “bốc hơi” 17% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Đối với những khó khăn hiện tại, bạn có thể đổ lỗi cho các quỹ đã mua vào các trái phiếu Chính phủ tiêu chuẩn để phòng ngừa cho danh mục cổ phiếu. Khi giá trái phiếu giảm, những quỹ này buộc phải bán bớt cổ phiếu để bù đắp cho vị thế của họ.
Tháo gỡ
Các quỹ phòng ngừa danh mục cổ phiếu bằng việc mua trái phiếu đã có một khoảng thời gian không mấy dễ dàng kể từ cuối tháng 6 vừa qua.
Mặc dù các cổ phiếu châu Á đã gia nhập đà sụt giảm của thị trường cổ phiếu toàn cầu trong ngày thứ Sáu, nhưng dường như hiện tượng trong năm 2013 khó mà xảy ra. Khu vực sẽ chịu tác động mạnh nhất có lẽ sẽ là châu Âu.
Đều là về dòng chảy của vốn. Châu Âu đã được xem là điểm đến của “dòng tiền nóng” trong năm nay. Chỉ mới tính đến cuối tháng 4/2017, một lượng vốn nước ngoài khổng lồ là 119 tỷ USD đã chảy vào thị trường chứng khoán khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), so với mức 141 tỷ USD trong toàn bộ năm 2016. Dòng vốn nước ngoài dồi dào trong năm 2017 chiếm tới 3% tổng giá trị thị trường của khu vực này. Dòng tiền này có thể nhanh chóng trở nên “nguội lạnh” và khi nó chảy ra các nơi khác, tác động đến thị trường chứng khoán khu vực này sẽ là khá đáng kể.
Trong khi đó, châu Á dù trông khá khỏe mạnh nhưng lại không quá thu hút sự quan tâm từ nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng 31 tỷ USD vào thị trường chứng khoán châu Á trong năm nay (tương ứng chỉ 0.3% tổng giá trị thị trường). Vì vậy cuộc tháo chạy của dòng vốn sẽ không gây tổn thương cũng như không kéo dài như ở châu Âu.
Tuy nhiên, nhà đầu tư châu Á không thể tỏ ra quá tự mãn. Trong tuần này, các chuyên gia trên Gadfly blog của Bloomberg cho rằng tỷ suất sinh lợi ở mức hơn 20% của thị trường chứng khoán châu Á trong năm nay không được phân bổ đều. Cụ thể, nhóm cổ phiếu công nghệ và hàng tiêu dùng không thiết yếu đã chi phối đà tăng.
Các nhà phân tích định lượng của Bernstein Research đã nhìn vào hoạt động mua bán của các nhà quản lý danh mục tổ chức, các khuyến nghị lạc quan từ các nhà phân tích bên phía bán và việc thu nhập tăng mạnh và cũng kết luận rằng tăng trưởng là câu chuyện nổi bật trong thời gian gần đây.
Bất chấp đà bán tháo trong tuần này, các cổ phiếu châu Á đã tận hưởng đà tăng mạnh trong năm nay nhờ các kỳ vọng cho rằng tăng trưởng thu nhập sẽ được duy trì. Những công ty đó sẽ phải chứng minh với bản thân mình là khi lãi suất tăng, lợi nhuận cao ngất ngưỡng là yếu tố cần thiết để biện minh cho giá cổ phiếu quá cao.
Loạt báo cáo doanh nghiệp sắp tới sẽ đặc biệt quan trọng để thử nghiệm những kỳ vọng trước đó./.
|