Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Ra quân ồ ạt!
Lượng giao dịch mua bán của những vị lãnh đạo bắt đầu tăng dần trong tuần từ 18-24/07, thậm chí có nhiều giao dịch với số lượng rất lớn. Vậy động thái của những người cầm trịch có hé lộ điều gì liên quan đến BCTC quý 2/2017 đang dần được công bố hay không?
Với mục đích nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, Chủ tịch Vũ Đình Độ của DNP bất ngờ muốn mua 4.55 triệu đơn vị. Được biết, trong vòng một năm trở lại đây không có bất kỳ giao dịch nào của ông Độ, hiện ông đang nắm giữ 9.79% vốn tại DNP, tương đương 3 triệu đơn vị. Nếu thành công, vị Chủ tịch này sẽ nhanh chóng nâng sở hữu lên gần 25% vốn.
Cổ phiếu DNP đã có một hành trình leo dốc chăm chỉ suốt 6 tháng qua từ vùng giá 16,000 đồng/cp nay đã lên gần 26,000 đồng/cp, như vậy với mức giá đỉnh hiện tại của DNP khả năng ông Độ phải chi ra hơn 110 tỷ đồng cho thương vụ lần này. Khi mà báo cáo tài chính của DNP vẫn chưa được công bố, động thái gom hàng lớn lần này của ông Vũ lại càng khiến nhà đầu tư chú ý hơn.
Tại VCI cũng có giao dịch đáng chú ý của vợ Tổng Giám đốc Tô Hải – bà Trương Nguyễn Thiên Kim. Trước đó, bà Kim chỉ nắm giữ khoảng 25,000 cp nhưng với giao dịch gom 5 triệu đơn vị, sở hữu của bà đã nâng lên 4.19%. Được biết, hiện tại ông Tô Hải là cổ đông lớn duy nhất tại VCI với tỷ lệ nắm giữ 19.46%, tương đương hơn 23 triệu cp.
Tuy kết quả hợp nhất chưa được công bố nhưng hiện VCI đã có báo cáo tài chính riêng với con số lợi nhuận sau thuế quý 2/2017 gần 160 tỷ đồng, gấp hơn 2.5 lần cùng kỳ. Công ty cho biết mức tăng trưởng mạnh này nhờ diễn biến thị trường thời gian qua khá thuận lợi như VN-Index tăng 17% trong 6 tháng đầu năm và thanh khoản thị trường cũng tăng lên 48%. Cổ phiếu VCI niêm yết chưa được một tháng, diễn biến giá VCI trên thị trường không nhiều biến động. Với mức giá khoảng 57,000 đồng/cp, thương vụ gom 5 triệu cp của bà Kim có giá trị khoảng 285 tỷ đồng.
Trong khi đó tại ASM và BHS tuy giao dịch số lượng nhỏ nhưng khá nhiều cổ đông nội bộ và người thân cùng “ra quân” trong đợt này.
Cụ thể tại ASM, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Phượng và Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng Trương Công Khánh đã thực hiện mua tổng cộng 525,000 đơn vị. Được biết, 3 cá nhân này trước đó nắm rất ít cổ phần hoặc không có sở hữu tại ASM. Tiếp đó, anh trai Chủ tịch Lê Thanh Tuấn là ông Lê Văn Thông vừa mới đăng ký mua 2 triệu cp, tuy vậy nếu giao dịch thành công, ông Thông chỉ nâng sở hữu của mình lên 0.92%. Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Lê Văn Thành cũng muốn mua 350,000 cp ASM nhằm tăng tỷ lệ nắm giữ.
Quan sát lại cổ phiếu ASM trong vòng một tháng vừa qua cho thấy một loạt các phiên giao dịch với sắc đỏ, “đè giá” ASM từ 14,000 đồng/cp về còn 12,800 đồng/cp. Động thái này của những vị cầm trịch có khả năng là để cứu giá?
Xung quanh dòng sự kiện hủy niêm yết 300 triệu cp BHS để thực hiện hoán đổi cổ phiếu SBT, diễn biến giao dịch của những vị lãnh đạo ở BHS cũng sôi động không kém nhưng chủ yếu là chiều bán. Giám đốc chi nhánh Lê Quốc Phong, Kế toán trưởng Ngô Thị Minh Hằng, Giám đốc nhà máy Phan Minh Nhật đã bán tổng cộng gần 124,000 cp BHS. Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thành Khiêm cũng vừa có thông báo giao dịch bán bất thành 100,000 cp đăng ký với lý do vì phải cân đối lại nhu cầu tài chính cá nhân.
Cũng cảnh hàng loạt cá nhân nội bộ thực hiện giao dịch, NBB ghi nhận có đến 5 vị lãnh đạo đăng ký chuyển nhượng gần 4.7 triệu quyền mua với tỷ lệ thực hiện quyền mua 2:1, gồm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Đoàn Tường Triệu và vợ là bà Nguyễn Mậu Uyên Thao (4 triệu đơn vị), hai Thành viên HĐQT Hoàng Hữu Tương, Nguyễn Phi Thường và Thành viên BKS Nguyễn Quỳnh Hương (665,000 đơn vị).
Được biết, NBB sắp phát hành gần 32 triệu cp để chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 50% với giá 10,000 đồng/cp, trong khi thị giá hiện tại (25/07) là 17,000 đồng/cp. Vốn điều lệ sau đợt phát hành sẽ từ 696 tỷ sẽ tăng lên hơn 1,000 tỷ đồng. Được biết với số tiền từ đợt huy động hơn 319 tỷ đồng, NBB dự kiến sẽ bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gồm tái cấu trúc tài chính và thanh toán cho nhà cung cấp
Ngành dược nổi tiếng với sự ổn định và an toàn, thì bất ngờ hai vị lãnh đạo của TRA là Chủ tịch Vũ Thị Thuận và Tổng Giám đốc Trần Túc Mã có nguyện vọng thoái 750,000 cp. Tuy chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2017, nhưng nhìn lại kết quả quý 1 mà TRA đạt được thì đây là doanh nghiệp dược hiếm hoi có lãi ròng giảm đến 18%.
Giao dịch tại SPH khá ẩm ương khi cả tháng trời mới có được vài phiên có cổ phiếu sang tay thì Ủy viên HĐQT kiêm TGĐ và cũng là người phụ trách kế toán Nguyễn Phú Cường bỗng nhiên có động thái muốn nâng sở hữu lên gấp đôi từ 11.03% lên hơn 24% với lượng đăng ký mua 1.3 triệu cp. Có thể thấy, các giao dịch trước đó của những vị lãnh đạo trong hai năm trở lại đây thường với số lượng không cao chỉ vài trăm ngàn đơn vị thì động thái này của ông Cường khiến nhà đầu tư quan tâm tò mò không ít.
Với số lượng 1 triệu cp, có thể kể ngay một loạt các mã LCG, SJM và PPI ghi nhận giao dịch trong tuần vừa qua. Trong đó, Chủ tịch Bùi Dương Hùng của LCG thực hiện mua để nâng sở hữu lên 5.2 triệu cp, còn Chủ tịch Phạm Đức Tấn của PPI và Tổng giám đốc Bùi Tuấn Dũng của SJM lại đăng ký bán cổ phiếu tại công ty mình đang cầm trịch. Cùng bán bằng lượng cổ phiếu trên nhưng nếu ông Tấn chỉ giảm sở hữu từ 2% xuống còn 6.34% PPI (tương đương 3 triệu cp), thì ông Dũng giảm từ 24.03% còn khoảng 4% SJM và sẽ không còn là cổ đông lớn nếu giao dịch diễn ra thành công./.
|