Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm?
Nói về thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam thiên về dự báo ổn định. Theo đó, nếu kinh tế thị trường không có nhiều biến động, kịch bản xấu nhất của khu vực bất động sản sẽ diễn biến như năm 2016.
Kịch bản xấu nhất sẽ như năm 2016
Ông Khương cho rằng, một trong những yếu tố tác động trọng yếu đến thị trường bất động sản là nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế tương đối khả quan, đạt 5.7%. Cùng với vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh 55%, đã và đang tạo đà tăng trưởng cho thị trường nhà đất nói chung.
* NHNN: Giảm 0.25%/năm lãi suất điều hành và 0.5%/năm lãi suất trần cho vay ngắn hạn từ 10/07
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam.
|
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái hạ lãi suất, trong đó giảm 0.25%/năm lãi suất điều hành và 0.5%/năm lãi suất trần cho vay ngắn hạn từ 10/07, đã tạo tín hiệu tích cực cho thị trường. Một mặt, giảm áp lực chi phí vốn cho hầu hết các ngành kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, khi mà WTO đã cận kề vào đầu 2018 giá đầu ra được hạ thấp.
Mặt khác, tác động đối với thị trường bất động sản, xét trên từng doanh nghiệp, động thái hạ lãi suất tương tự sẽ giúp các đơn vị trong ngành giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh. Trước đó, luật mở rộng sở hữu nhà đối với người nước ngoài đã được ban hành, đến nay đang dần có những tác động tích cực lên thị trường nói chung.
Đồng thời, đứng trên góc độ nhà đầu tư, một khi lãi suất được cắt giảm sẽ giúp giảm chi phí, tạo điều kiện để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lớn, từ đó tăng lượng đầu tư vào thị trường nhà đất. Như vậy một vấn đề nữa được đặt ra, đó là vấn đề tiếp cận vốn khi giảm lãi suất.
Song, dự báo thị trường cuối năm còn phụ thuộc nhiều vào tình hình biến động của kinh tế, cũng như những động thái can thiệp từ Chính phủ. Theo đó, ông Khương nhấn mạnh: “Cung cầu thị trường đang phát triển khá tốt. Như vậy, nếu tình hình vĩ mô không có nhiều biến động, thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng ổn định trong thời gian đến. Kịch bản xấu nhất cho thị trường sẽ tương tự năm 2016”.
Tương lai bất động sản sẽ tập trung về khu Tây
Trước xu hướng doanh nghiệp tập trung phát triển dự án tại khu Đông TpHCM như quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, … ông Khương cho rằng đây là hiện tượng tất yếu, khi mà cơ sở hạ tầng phát triển, sẽ mở đường cho thị trường bất động sản đi theo.
Cụ thể, có hai yếu tố tác động chính đến phân bố dự án bất động sản, đó là cơ sở hạ tầng và tiện ích như trường học, bệnh viện, … Những năm qua, chính quyền thành phố đã và đang quyết liệt triển khai đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung về khu vực quận 2, quận 9, Thủ Đức… Một điều tự nhiên, cơ sở hạ tầng phát triển dẫn đến tiện ích được xây dựng, và thị trường bất động sản theo đó đổ về.
Tuy nhiên, dự báo cho thời gian tới, ông Khương cho rằng khu Tây bao gồm các quận Bình Tân, Bình Chánh,… sẽ là tâm điểm của thị trường. Trong đó, một trong bốn hướng chính của đề án phát triển cơ sở hạ tầng TpHCM thời gian đến là khu vực quận 8 với mong muốn thay đổi bộ mặt quận 8, “biến quận 8 tương lai thành quận 4 bây giờ”.
Căn hộ chung cư tiếp tục chiếm lĩnh thị trường
Về công tác mở bán ồ ạt, thị trường bắt đầu đi vào guồng từ quý 3/2016, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản bung hàng với số lượng bình quân lên đến 1,000 căn hộ trên mỗi đơn vị, thế nhưng cứ mở bán là hết, thị trường gần như vẫn tiếp diễn hiện tượng “cháy hàng”, đặc biệt đối với phân khúc bình dân và trung cấp.
Nhận định về vấn đề trên, ông Khương cho rằng đây là chuyển động quán tính của thị trường. Những tháng đầu năm 2016, khi mà thị trường bất động sản sôi động trở lại, nhiều doanh nghiệp đua nhau mở bán, chớp thời cơ tăng trưởng để chốt lời. Song, đâu đó vẫn còn rất nhiều đơn vị chưa kịp chuẩn bị, theo đó sẽ tích lũy đến bây giờ mới bung hàng, trong bối cảnh nhu cầu căn hộ vẫn đang ở mức cao.
Liên quan đến sự rục rịch chuyển mình trở lại của phân khúc nhà cao cấp sau một thời gian chững nhịp, ông Khương chia sẻ: “Bất động sản cao cấp là một phân khúc rất kén chọn, cả người bán và người mua cũng vậy. Thời gian qua thị trường có chứng kiến nhiều đợt lướt sóng đầu tư đối với phân khúc này, tuy nhiên sau đó có hạ nhiệt. Với những kinh nghiệp xương máu trước đó, ông Khương nhận định dù có sôi động trở lại, nhưng tại phân khúc nhà hạng sang, nhà đầu tư đã đủ tỉnh táo để không còn đổ tiền vào những cơn sốt ảo như đã từng”.
Nhu cầu đất nền vẫn luôn hiện hữu
Chia sẻ quan điểm về cơn sốt đất nền thời gian qua, ông Khương khẳng định nhu cầu đất nền thực ra luôn hiện hữu. Khi mà nhiều nhà đầu tư họ có tiền nhàn rỗi, nhưng không đủ để mua một căn nhà. Do đó, họ sẽ chuyển hướng sang mua đất, để đầu tư lâu dài, vừa hợp túi tiền thủ tục lại vừa đơn giản hơn. Điều này không chỉ diễn ra tại TpHCM, mà đã diễn ra tại nhiều nước trong khu vực, đây thực chất là một kênh hữu hiệu cho những người đầu tư thiên về an toàn.
Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ đã lợi dụng nhu cầu trên, đẩy giá đất nền lên cao tạo nên cơn sốt ảo, khiến chính quyền phải vào cuộc. Điều này theo ông Khương là vô cùng nguy hiểm cho xã hội, khi mà dòng tiền trên thị trưởng tích tụ vào đất nhưng không tạo ra giá trị gia tăng.
|
|