Khi nước ngoài góp vốn, mua cổ phần...
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài coi hình thức đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là giải pháp.
Nhộn nhịp...
Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty Sekisui Chemical (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác toàn diện với Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (Tiền Phong phía Nam - NTP). Với việc nắm giữ 25,3% cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam này, Sekisui sẽ có chân trong hội đồng quản trị của công ty để tham gia quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh. Hai bên không tiết lộ giá trị giao dịch, nhưng đại diện Sekisui cho biết họ chọn Tiền Phong phía Nam làm đối tác chiến lược là do công ty này có hệ thống phân phối rộng khắp Việt Nam. Còn theo giới quan sát, Sekisui sẽ không chỉ đưa sản phẩm của mình vào kênh phân phối của đối tác Việt Nam mà còn “bán” công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp này.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp trong nước cũng lọt vào tầm ngắm hoặc được các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, như Công ty Thực phẩm Cầu Tre, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM), sữa Vinamilk (VNM), bia Sabeco (SAB)...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong nửa đầu năm nay, cả nước có hơn 2.500 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 2,24 tỉ đô la Mỹ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý tại TPHCM, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong sáu tháng đầu năm nay, thành phố có 915 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1,4 tỉ đô la Mỹ. Con số này gần gấp đôi so với mức 720 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của hơn 430 dự án mới và tăng vốn trong cùng thời gian. Điều này cho thấy nguồn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài có xu hướng tăng mạnh.
Bám rễ và lướt sóng
Theo giới phân tích, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần có hai dạng: đầu tư để chuyển nhượng ngay nhằm tìm lợi nhuận từ giá trị chênh lệch, hoặc đầu tư để cùng nhau phát triển lâu dài. Phía bán sẽ không khó để phân biệt hai chủ trương đầu tư này của phía mua nếu đặt ra những ràng buộc từ giai đoạn đầu tiếp cận. Theo giới quan sát, những động thái đầu tư “lướt sóng” chủ yếu tập trung ở những nhà đầu tư cá nhân hoặc những quỹ đầu tư ngắn hạn. Các doanh nghiệp lớn tham gia góp vốn thường là muốn đi đường dài với những động thái như nâng cấp công nghệ, mở rộng sản xuất, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường nước ngoài... Như Siam City Cement (SCCC) của Thái Lan đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ mua lại 65% cổ phần của Holcim Việt Nam. SCCC dự định sẽ rót thêm 30-50 triệu đô la trong vòng 6-12 tháng tới để tăng năng lực sản xuất tại các nhà máy xi măng ở Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM và Đồng Nai. Hay tập đoàn SCG, sau khi mua lại 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung, đã nâng tổng công suất xi măng của tập đoàn này trong khối ASEAN lên 33,5 triệu tấn.
Sự tham gia mua cổ phần của khối ngoại còn được đánh giá giúp tăng hiệu quả thoái vốn nhà nước; các doanh nghiệp có nguồn vốn mới, năng lực quản trị mới, nâng cao tính cạnh tranh, tính minh bạch...
|
Hoặc như gần đây, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đông lạnh hàng đầu của Việt Nam là Cầu Tre đã được đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, do tập đoàn CJ CheilJedang (Hàn Quốc) đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần nắm giữ tại Cầu Tre từ mức 51,6% hồi cuối năm 2016 lên 71,6% vào tháng 5 vừa qua. Ông Shin Hyun Soo, Giám đốc ngành hàng thực phẩm toàn cầu của CJ CheilJedang, cho biết với thế mạnh về R&D (nghiên cứu và phát triển) và cơ sở hạ tầng hiện đại, CJ Cầu Tre sẽ hướng đến trở thành doanh nghiệp toàn cầu.
Và để đạt được tầm nhìn chiến lược này, công ty triển khai xây dựng trung tâm R&D thực phẩm và trung tâm an toàn thực phẩm. Công ty cũng hướng đến xuất khẩu thực phẩm ra các thị trường nước ngoài thông qua mạng lưới của tập đoàn CJ ở hải ngoại; mở rộng nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới theo xu hướng K-Food qua kết hợp với thực phẩm truyền thống Việt Nam. Giai đoạn 1 của dự án tổ hợp chế biến thực phẩm tại khu công nghiệp Hiệp Phước, TPHCM với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng (khoảng 53,3 triệu đô la Mỹ) của công ty dự kiến sẽ hoạt động vào giữa năm tới, công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm, gấp đôi công suất nhà máy hiện nay của công ty.
Các thương vụ M&A lớn trong thời gian qua còn cho thấy công ty nước ngoài thường nhắm đến các doanh nghiệp đầu ngành, có thương hiệu, thị phần lớn, hay sở hữu lợi thế nguồn tài nguyên ở trong nước và họ chấp nhận mua cổ phần với mức giá cao hơn giá thị trường. Theo tình hình này, nhiều người cho rằng M&A có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới.
Trực tiếp, gián tiếp và vấn đề đặt ra
Trước đây, các thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư 2005 với một số quy định chưa rõ ràng, khiến các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư mỗi nơi hiểu một kiểu, nhà đầu tư chưa an tâm.
Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi do Luật Đầu tư năm 2014 mang lại trong lĩnh vực M&A, việc các địa phương tạo cơ chế thuận lợi cho nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần cũng góp phần thúc đẩy gia tăng các giao dịch. Hiện nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước. TPHCM thậm chí còn cho phép đăng ký qua mạng Internet nên thủ tục càng nhanh gọn. Mặt khác, việc Nghị định số 60/2015/NĐ-CP cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết và công ty đại chúng từ 49% lên 100% (trừ một số công ty hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện) được coi là đã góp phần đẩy mạnh đầu tư qua hình thức M&A nhiều hơn. Sự tham gia mua cổ phần của khối ngoại còn được đánh giá giúp tăng hiệu quả thoái vốn nhà nước; các doanh nghiệp có nguồn vốn mới, năng lực quản trị mới, nâng cao tính cạnh tranh, tính minh bạch...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại khi đầu tư gián tiếp tăng nhanh sẽ hạn chế đầu tư trực tiếp thông qua các dự án mới. Mặt khác, với xu hướng tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp đầu ngành, một số lĩnh vực trong nước có thể bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, một số nhà đầu tư qua M&A nhằm mục đích thôn tính thị trường hoặc sở hữu, khai thác nguồn tài nguyên để chuyển ra nước ngoài...
Vấn đề thu thuế chuyển nhượng cũng được đặt ra khi nhiều doanh nghiệp tránh đóng thuế. Đơn cử thương vụ Holcim chuyển nhượng cổ phần cho đối tác Thái Lan, Holcim cho rằng đây là hoạt động chuyển nhượng không phải đóng thuế; hai nước cũng đã ký hiệp định chống đánh thuế hai lần. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cơ quan thuế đã tổ chức hai đoàn thanh tra tại Holcim sau khi công ty này chuyển nhượng cổ phần. Kết quả là ngành thuế đã thu được hơn 1.600 tỉ đồng vào ngân sách. Trước đó cũng có không ít thương vụ tương tự.
http://www.thesaigontimes.vn/162662/Khi-nuoc-ngoai-gop-von-mua-co-phan.html
|