Kế hoạch 2017 tiếp tục lỗ hơn 800 tỷ, Đạm Hà Bắc đưa 272 triệu cp lên sàn với giá 6,800 đồng/cp
Ngày 26/07 tới, hơn 272 triệu cp DHB của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 6,800 đồng/cp. Tại thời điểm cuối năm 2016, Đạm Hà Bắc có lỗ lũy kế 1,720 tỷ đồng do hai năm 2015 và 2016 liên tiếp thua lỗ, và kế hoạch năm 2017 tiếp tục lỗ 847 tỷ đồng.
* Chuẩn bị thanh tra nhà máy Đạm Hà Bắc
* Những cái khó của Đạm Hà Bắc
Đạm Hà Bắc có vốn điều lệ 2,722 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nắm giữ hơn 97.66% vốn, tương ứng 265.8 triệu cp.
Đạm Hà Bắc có 1 công ty con là CTCP Hóa chất Hưng Phát Hà Bắc với tỷ lệ sở hữu của DHB là 64.56%. Hai công ty liên kết là CTCP XNK Phân bón Bắc Giang (36%) và CTCP Khí hóa lỏng Hà Bắc (36%).
Sản phẩm chính của Công ty là phân đạm ure, NH3 lỏng. Sản phẩm ure chiếm hơn 80% tổng doanh thu của Đạm Hà Bắc, còn lại là doanh thu các sản phẩm khác.
Nhu cầu phân đạm hàng năm của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn. Hiện tại trên cả nước đang có 4 nhà máy sản xuất phân đạm với tổng công suất tương đương 2.65 triệu tấn/năm. Ngoài nhà máy Đạm Hà Bắc với công suất 500,000 tấn/năm, còn có 3 nhà máy khác gồm nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800,000 tấn/năm, Đạm Phú Mỹ 800,000 tấn/năm, Đạm Ninh Bình 550,000 tấn/năm.
Với sản lượng hiện tại, ure Hà Bắc tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ và một phần các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, ngoài ra Công ty còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...
Về kết quả kinh doanh, năm 2015 và 2016 Đạm Hà Bắc lỗ lần lượt là 676 tỷ đồng và 1,042 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2016, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Đạm Hà Bắc âm 1,720 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn lần lượt chiếm 643.7 tỷ đồng và 7,439.9 tỷ đồng.
Với kết quả đó, năm 2017 Đạm Hà Bắc đặt kế hoạch doanh thu thuần 2,699.8 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục âm 847 tỷ đồng. Theo lý giải của Đạm Hà Bắc, kế hoạch năm 2017 lỗ do nguyên liệu chính cho sản xuất là than đã tăng tới gần 100% khiến cho chi phí đầu vào của Công ty tăng lên hàng trăm tỷ đồng so với năm 2009. Bên cạnh chi phí đầu vào tăng, giá bán sản phẩm đầu ra của Công ty cũng chịu áp lực lớn. Bởi các doanh nghiệp khác như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau lại sản xuất phân ure từ khí, trong khi giá khí từ năm 2015 giảm mạnh đến 50%. Giá bán ure hiện ở mức thấp hơn giá thành, bình quân năm 2016 chỉ đạt 6,138 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015. Vì thế các doanh nghiệp này giảm giá bán để cạnh tranh, theo đó Đạm Hà Bắc cũng phải giảm giá bán sản phẩm, gây ra thua lỗ càng lớn hơn.
Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác như thuế giá trị giá tăng quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế; tỷ giá tăng từ quý 3/2015; dự án mở rộng nhà máy mới đi vào hoạt động nên áp lực về chi phí lãi vay bị phân bổ và trích khấu hao cao./.
|