Chuyển động dòng tiền tuần 17-21/07
Đón báo cáo tài chính quý 2, dòng tiền hoạt động ra sao?
Mặc dù thị trường bước vào mùa báo cáo tài chính quý 2/2017 nhưng vẫn không ngăn được áp lực điều chỉnh. Trong bối cảnh đó, dòng tiền bắt đáy hoạt động khá sôi động và chủ yếu ở nhóm cổ phiếu tốt.
Trong tuần qua (17-21/07), VN-Index kết thúc tuần giảm 2.02% đứng tại 761.86 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 2.46% đang dừng ở 97.96 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 193.3 triệu đơn vị/phiên tăng nhẹ 2.53% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 60.3 triệu cổ phiếu/phiên giảm 9.9%.
Trên HOSE, có 7 mã có dòng tiền tăng trưởng hơn 100%, dẫn đầu là FTM khi khối lượng giao dịch bình quân đạt 1.2 triệu cp, tăng 409% so với tuần trước. Song, trong tuần qua thì FTM giảm giá hơn 5% bất chấp báo cáo quý 2 cho kết quả lãi ròng tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước, đạt 7.5 tỷ đồng.
Một ông lớn đầu ngành khác là BMP cũng chịu áp lực giảm giá hơn 16% trong tuần qua. Thực tế giá cổ phiếu BMP đã điều chỉnh liên tục trong 11 phiên giao dịch liên tiếp tính đến phiên 21/07, để lùi về mốc 72,200 đồng/cp sau thông tin lãi trước thuế 6 tháng đầu năm giảm 34% cùng với đó thì tiến trình nới room diễn ra chậm hơn dự kiến. Điểm tích cực ở BMP tuần qua là dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh, nhờ đó mã khối lượng giao dịch bình quân tăng hơn 300%, đạt hơn 531,000 cp/phiên.
Nhưng câu chuyện đáng chú ý nhất tuần qua có lẽ là HAX khi đơn vị này bất ngờ báo lỗ hơn 7 tỷ đồng trong quý 2/2017. Điều này gây bất ngờ bởi trước đó nhiều CTCK đưa ra dự báo khá tích cực về tình hình hoạt động kinh doanh của HAX về dòng xe mà Công ty đang kinh doanh. Do đó mà sau khi BCTC được công bố, HAX lập tức giảm sàn 3 phiên liên tiếp, ghi nhận giảm hơn 20% trong tuần qua. Thế nhưng đi cùng với đó thì dòng tiền ở HAX lại gia tăng, đạt gần 370,000 cp/phiên, tăng hơn 148% so với tuần trước đó.
Ngoài ra, trên sàn HOSE, khá nhiều cổ phiếu cơ bản khác cũng có dòng tiền tăng mạnh tuần qua như DCL, NT2, PTB, MWG, KSB, MSN, CTG, VCB, REE, NLG,… Hầu hết những mã này đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng so cùng kỳ.
Thế nhưng cũng cần chú ý rằng không phải tất cả cổ phiếu cơ bản đều được nhà đầu tư mạnh tay giải ngân. Chẳng hạn VCI, cổ phiếu vừa niêm yết hồi ngày 07/07 vừa qua. Trong hơn tuần đầu giao dịch, VCI nhận được sự quan tâm khá nhiều nhưng trong tuần vừa qua thì không còn duy trì nữa. Khối lượng giao dịch bình quân tuần qua của VCI theo đó giảm xuống còn hơn 310,000 cp/phiên từ con số hơn 1 triệu cp/phiên tuần trước đo, tương ứng giảm 71%.
Mới đây thì VCI cũng đã công bố BCTC quý 2/2017 với lãi ròng gần 160 tỷ đồng, gấp 2.6 lần so cùng kỳ năm trước.
Hay như DHG, GAS PNJ, PHR, HCM… đều có thanh khoản sụt giảm mạnh trong tuần qua. Bộ đôi HAG và HNG vẫn chưa nhận được sự tin tưởng từ phía nhà đầu tư từ sau buổi họp ĐHĐCĐ thường niên 2017. Hiện cả hai đơn vị này đều chưa công bố BCTC quý 2 nhưng theo thông tin từ đại hội trước đó thì cả hai sẽ cùng đạt lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên sàn HNX, dòng tiền đầu cơ tiếp tục khuấy đảo khi nhóm tăng trưởng tập trung hầu hết ở cổ phiếu đầu cơ, như KLF, HKB, DCS, C69, APS, BII, ACM… Trong đó, KLF đột biến với khối lượng giao dịch đạt 10.5 triệu cp/phiên, tăng 158% so tuần trước.
Riêng HKB, bất ngờ lại diễn ra khi đơn vị này báo lỗ hơn 24 tỷ đồng trong quý 2/2017. Theo giải trình của Công ty cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu quý 2/2017 giảm mạnh do mặt hàng kinh doanh chính là tiêu, trong khi giá mặt hàng này giảm mạnh từ 180,000 đồng/kg xuống chỉ còn 85,000 đồng/kg. Cùng với đó, Công ty vẫn đang trong giai đoạn tích lũy nguyên liệu sản xuất, thu mua nông sản cho bà con nông dân nên vẫn chưa đẩy mạnh việc sản xuất, chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời, giải thích về khoản lỗ, trong kỳ Công ty cho biết phải hạch toán khoản giảm trừ giá trị lợi thế thương mại vào kết quả kinh doanh hơn 11 tỷ, 6 tháng đầu năm hạch toán hơn 22 tỷ đồng (tính đến cuối quý 2/2017, lợi thế thương mại của HKB ở mức 425 tỷ đồng, tương đương 53% tổng tài sản). Bên cạnh đó, xu hướng giá quốc tế các mặt hàng Công ty kinh doanh giảm mạnh do vào chính vụ thu hoạch.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
|