Doanh nghiệp thua lỗ - Những mảng tối đầu tiên trong mùa BCTC quý 2/2017
Bức tranh kết quả kinh doanh quý 2/2017 đang dần hé lộ với những mảng tối đầu tiên được vẽ ra bởi nhiều doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ.
Theo đó, những gương mặt thua lỗ từ nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm bất động sản, dầu khí, nông nghiệp, ô tô,… Song nhìn chung lại, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực chi phí, khiến nhiều đơn vị mặc dù doanh thu có tăng trưởng, tuy nhiên vẫn không đủ để bù đắp, đành phải ngậm ngùi ghi nhận thua lỗ.
Những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ trong quý 2/2017
Đvt: Tỷ đồng
|
Được biết, kịch bản thua lỗ đã xảy ra tại TDC hồi quý 1 năm nay. Theo đó, ĐHĐCĐ 2017 TDC đã thông qua phương án tái cấu trúc bộ máy quản lý. Đến tháng cuối tháng 4 vừa qua, Công ty cũng đã chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Khoáng sản Bình Dương, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản và CTCP Bê tông li tâm Thủ Đức 1.
Đồng thời, dự kiến từ tháng 7 đến hết năm 2017, Công ty sẽ hoàn thành đầu tư 3 dự án Nhà ở Thương mại “Bình Dương New City Shope House” (doanh thu dự kiến 172 tỷ đồng), dự án Nhà án Công nhân (Lô HL – D12, doanh thu dự đạt 81 tỷ đồng) và dự án Nhà án Công nhân (Lô HL – E8, doanh thu dự hơn 149 tỷ đồng).
|
Vẫn kịch bản cũ, Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) quý 2 này lại ghi nhận con số lỗ nặng nhất trong hơn 7 năm qua, hơn 62 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần TDC gần 184 tỷ đồng, giảm 27% so cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là lãi gộp giảm 17%, còn hơn 34 tỷ đồng.
Chưa hết, TDC phải gánh chi phí lãi vay đột biến lên đến gần 68 tỷ đồng, gấp 3.5 lần so cùng kỳ năm trước. Cùng với đó chi phí bán hàng cũng tăng 35%, ở mức gần 21 tỷ đồng. Chính vì thế mà TDC chấp nhận lỗ gần 62.5 tỷ đồng trong quý 2/2017, ghi nhận con số lỗ lớn nhất kể từ quý 4/2009.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, TDC đạt doanh thu 362 tỷ đồng và lỗ hơn 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 34 tỷ đồng.
Về giao dịch trên thị trường, một năm qua giá cổ phiếu TDC tăng tương đối đáng kể, nhưng hiện đang trong xu hướng giảm từ cuối tháng 5, chốt phiên 21/07 đạt 7,600 đồng/cp.
Giao dịch cổ phiếu TDC một năm qua
|
Tiếp tục báo lỗ còn có Địa Ốc Dầu Khí (HNX: PVL) khi doanh thu chỉ đạt gần 68 triệu đồng, trong khi các chi phí tăng nhiều hơn dẫn đến thua lỗ cũng nặng hơn.
Theo giải trình từ phía Công ty, trong kỳ do chi phí quản lý, chủ yếu là chi phí tiền lương tăng cao hơn cùng kỳ khoảng hơn 200 triệu đồng, đồng thời quý 2/2016 Công ty có khoản thu nhập khác từ thanh lý hợp đồng (khoảng 100 triệu đồng) dẫn đến việc lợi nhuận cùng kỳ chênh lệch. Theo đó, PVL lỗ gần 2 tỷ đồng trong quý 2/2017, trong khi cùng kỳ lỗ 623.8 triệu đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, PVL đạt doanh thu 135 triệu đồng và thua lỗ hơn 4 tỷ đồng.
Về giao dịch, cổ phiếu PVL trên thị trường thời gian qua cũng trải qua một đợt tăng mạnh, song đã nhanh chóng giảm về mức 3,400 đồng/cp (chốt phiên 21/07).
Giao dịch cổ phiếu PVL một năm qua
|
Một doanh nghiệp đến từ UPCoM cũng báo lỗ hai quý liền là Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) với con số lỗ 6.3 tỷ đồng (quý 2/2016 lỗ 9.6 tỷ đồng), nâng lỗ 6 tháng đầu năm lên hơn 14 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến giữa năm 2017 của SQC cũng nâng lên gần 63 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Nông nghiệp & Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HNX: HKB) báo lỗ hơn 24 tỷ đồng khi mà doanh thu giảm mạnh 78% so cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân khiến doanh thu quý 2/2017 giảm mạnh do mặt hàng kinh doanh chính là tiêu, trong khi giá mặt hàng này giảm mạnh từ 180,000 đồng/kg xuống chỉ còn 85,000 đồng/kg. Cùng với đó, Công ty vẫn đang trong giai đoạn tích lũy nguyên liệu sản xuất, thu mua nông sản cho bà con nông dân nên vẫn chưa đẩy mạnh việc sản xuất, chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời, giải thích về khoản lỗ, trong kỳ Công ty cho biết phải hạch toán khoản giảm trừ giá trị lợi thế thương mại vào kết quả kinh doanh hơn 11 tỷ, còn 6 tháng đầu năm hạch toán hơn 22 tỷ đồng (tính đến cuối quý 2/2017, lợi thế thương mại của HKB ở mức 425 tỷ đồng, tương đương 53% tổng tài sản). Bên cạnh đó, xu hướng giá quốc tế các mặt hàng Công ty kinh doanh giảm mạnh do vào chính vụ thu hoạch.
Trên sàn, ngay sau khi thông tin kinh doanh thua lỗ quý 2/2017 được công bố, thị giá cổ phiếu HKB ngay lập tức lau sàn tại mức 3,500 đồng/cp (21/07/2017). Tính trong suốt 1 năm qua, giá cổ phiếu HKB đã giảm hơn 89%.
Giao dịch cổ phiếu HKB một năm qua
|
Trong số những đơn vị thua lỗ trên, khiến nhà đầu tư đau lòng nhất có lẽ phải kể đến Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSE: HAX). Kết thúc quý 2/12017, mặc dù doanh thu thuần đạt gần 1,035 tỷ đồng, tăng 21.3% so với cùng kỳ nhưng do chi phí tăng vọt đã làm cho HAX phải ghi nhận khoản lỗ sau thuế 7.2 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi hơn 11 tỷ đồng), ghi nhận mức lỗ đầu tiên sau 4 năm kể từ quý 2/2013.
Sau khi bất ngờ báo lỗ 7.2 tỷ đồng, HAX liền có giải trình rằng nguyên nhân do tình hình kinh doanh trên toàn thị trường ô tô trong quý 2 giảm mạnh. Các hãng xe có mặt trên thị trường Việt Nam đều có chính sách giảm giá mạnh cho hầu hết tất cả các sản phẩm của mình. Các đại lý phân phối xe Mercedes Benz trong đó có HAX phải áp dụng nhiều giải pháp nhằm thu hút khách hàng như giảm giá, áp dụng chương trình khuyến mại, hậu mãi... Bên cạnh đó, áp lực tiêu thụ xe lớn và sự cạnh trạnh về giá bán giữa các đại lý khiến cho Công ty phải giảm giá đối với hầu hết tất cả các dòng xe dẫn đến lợi nhuận âm không đủ bù đắp chi phí.
Đồng thời, khối lượng xe nhập và tồn kho từ đầu năm 2017 đến nay lớn dẫn đến chi phí quản lý tăng, trong đó phần lớn là chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, do phải giải phóng hàng tồn kho theo model cũ để tiếp nhận các dòng xe có model mới nên buộc phải giảm giá bán với lô xe theo model cũ này.
Với việc bất ngờ báo lỗ hơn 7.2 tỷ đồng trong quý 2 đã khiến cổ phiếu HAX đã ghi nhận 3 phiên giảm sàn liên tiếp (19-21/07). Hiện thị giá cổ phiếu đang dừng tại mức 35,900 đồng/cp tính đến hết phiên 21/07.
Giao dịch cổ phiếu HAX một năm qua
|
Ngoài ra, còn nhiều đơn vị khác cũng báo lỗ quý 2/2017 như LUT, HDO, TS4, HVS, PIT, PXI,...
|