Công bố nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa công bố 8 nghị quyết được Quốc hội khoá 14 thông qua tại kỳ họp thứ ba, trong đó có nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Các nghị quyết còn lại gồm: nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần.
Nghị quyết phê chuẩn hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào.
Nghị quyết phê chuẩn nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020.
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá 14.
Nghị quyết thành lập đoàn giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Được Quốc hội thông qua sáng 21/6, nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gồm 19 điều, thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.
Nghị quyết khẳng định không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo nghị quyết thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
Với lần thí điểm này, Quốc hội cho phép tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Quốc hội cũng cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định cụ thể tại nghị quyết.
Đáng chú ý, nghị quyết cũng quy định mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Theo đó, bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.
Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được đăng ký thế chấp khi nhận bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ đã mua.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được nêu tại nghị quyết.
http://vneconomy.vn/thoi-su/cong-bo-nghi-quyet-thi-diem-xu-ly-no-xau-2017070512288847.htm
|