Thứ Hai, 17/07/2017 09:38

Cổ phiếu CTP một lần nữa “phi nước đại” 166% chỉ sau 1 tháng

Đã từng leo dốc 64% chỉ sau 7 phiên giao dịch, đến nay cổ phiếu CTCP Cà phê Thương Phú (HNX: CTP) lại tái diễn “kỳ tích” ghi nhận mức tăng 166% sau chưa đầy một tháng. Cũng tại đỉnh cao thị giá, Chủ tịch HĐQT muốn thoát hàng và từ nhiệm!

Trở lại câu chuyện trước đây, chào sàn ngày 28/07/2016 nhưng mãi đến giữa tháng 3 năm sau, giá cp CTP mới đột ngột tăng và tạo đỉnh tại mức 23,500 đồng (17/03/2017), tăng hơn 83% so với giá tham chiếu 12,800 đồng/cp. Khối lượng giao dịch thời điểm đó đồng thời được cải thiện đáng kể, có phiên giao dịch hơn 500,000 cp (15/03/2017).

Cổ phiếu CTP bất ngờ “phi nước đại” sau chuỗi ngày bình lặng

Trong thời gian này, thông tin hỗ trợ cho đà tăng có lẽ đến từ kết quả kinh doanh năm 2016 khả quan, cùng với kế hoạch kinh doanh năm 2017 tiếp tục tăng trưởng.

Kết năm 2016 Công ty ghi nhận tăng gấp hai lần, đạt 180 tỷ đồng, vượt 49% kế hoạch; lãi ròng tăng với tốc độ tương tự lên mốc 13 tỷ đồng, vượt 11% chỉ tiêu ban đầu. Tiếp bước đà tăng trưởng đó, năm 2017 Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 230 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 76%.

Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày thăng hoa, giá cổ phiếu CTP đã rơi không ngừng nghỉ về mức 10,000 đồng/cp, mức thấp nhất từ khi niêm yết. Và cũng ngay thời điểm này,  tân Chủ tịch Võ Văn Thắng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu CTP. Ở chiều ngược lại, nguyên Chủ tịch Võ Quang Thành – em ruột ông Thắng cũng đăng ký bán ra 240,000 cổ phiếu nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Kỳ tích lặp lại

Đến nay, sau một thời gian loanh quanh tại vùng giá 11,000-15,000 đồng/cp, giữa tháng 6/2017 cổ phiếu CTP bắt đầu rục rịch đi lên trở lại để tạo ra một kỳ tích mới. Cụ thể, giá cổ phiếu CTP đã tăng đột ngột hơn 166% sau chưa đầy một tháng, hiện tạm dừng tại mức 31,700 đồng/cp (14/07/2017).

Giao dịch cổ phiếu CTP một năm qua

Cũng do biến động giá mà ông Thắng chỉ mua thành công 490,000 cổ phiếu CTP (tương đương 5.9% vốn) trong tổng số 1 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Đồng thời, ông Thành cũng không bán được 240,000 cổ phiếu đăng ký bán trước đó.

Có một điểm khác với con sóng tăng đợt tháng 3, đợt này mặc dù giá tăng mạnh hơn, lập đỉnh mới song lượng giao dịch vẫn không quá nổi bật, đâu đó chỉ đạt 100,000-200,000 cp/phiên.

Ngay tại đỉnh cao thị giá, CTP bất ngờ công bố thông tin thay đổi Chủ tịch HĐQT. Cụ thể, ngày 29/06, HĐQT CTP đã thống nhất thông qua đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Võ Quang Thành và thống nhất bầu ông Võ Văn Thắng (Tổng Giám đốc CTCP Nasan Việt Nam – Công ty con của CTP) thay thế.

Được biết, ông Võ Văn Thắng là em ruột ông Thành, đã từng giữ chức danh Chủ tịch HĐQT của CTP giai đoạn 2010-2014. Từ năm 2014, ông Thắng chuyển sang làm Tổng Giám đốc CTCP Nasan Việt Nam – Công ty con của CTP.

Một thông tin được cho là hỗ trợ tốt cho đà tăng của CTP trong giai đoạn này là việc Công ty muốn thay đổi hình thức trả cổ tức 10% năm 2016 bằng cổ phiếu sang bằng tiền. Cụ thể, ngày 03/07, HĐQT CTP đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt, tỷ lệ 5% theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2017. Bên cạnh đó, HĐQT CTP cũng nhất trí xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi hình thức chi trả cổ tức 10% năm 2016 bằng cổ phiếu sang chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Nhìn lại hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2014-2016, doanh thu và lãi ròng CTP đều tăng trưởng khá đều đặn với tốc độ bình quân lần lượt đạt 101% và hơn 92%.

Kế hoạch cho năm tài chính 2017, Công ty dự kiến doanh thu đạt 230 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 76% so với thực hiện năm 2016. Công ty sẽ đầu tư nhà máy chế biến cà phê quả tươi tại tỉnh Sơn La công suất 200 tấn/ngày đêm và hệ thống kho nhà xưởng sức chứa 2,000 tấn cà phê thóc, từ đó đẩy mạnh mua hàng tại Sơn La phục vụ công tác xuất khẩu của Công ty. Với tham vọng trong tương lai gần 2-3 năm đến, CTP sẽ trở thành một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu chiếm trên 40-50% tổng giá trị tại huyện Hướng Hóa. Trong đó, khách hàng mục tiêu là những quốc gia khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu, …

Kết quả kinh doanh CTP giai đoạn 2014-2016 và dự kiến 2017
Đvt: Tỷ đồng

Trong 3 tháng đầu, CTP ghi nhận doanh thu đạt 68.5 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 6.5 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 20% và 150% so với cùng kỳ năm 2016. Theo giải trình từ phía CTP, lý do kết quả kinh doanh đột biến do trong kỳ Công ty mở rộng thị trường tiêu thụ.

Một động lực khác hỗ trợ kết quả kinh doanh có lẽ là giá cà phê tại thị trường trong nước tăng cùng với giá trên thị trường quốc tế trong quý 1/2017. Theo đó, 3 tháng đầu năm CTP đã thực hiện được 30% kế hoạch doanh thu và 32.5% kế hoạch lãi ròng.

Biến động giá cả cà phê từ đầu năm 2017 đến nay

Song, đến nay theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê trên thị trường hiện đang giảm nhẹ so với cùng kỳ và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do thừa cung. Đây có thể là khó khăn đáng kể cho CTP trong thời gian tới. Như vậy, liệu có thể kỳ vọng rằng giá cổ phiếu CTP sẽ không sụp đổ như con sóng lần trước?./.

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 14/07: Không thể cứu vãn (14/07/2017)

>   Ông Nguyễn Hữu Bình (IVS): VN-Index có thể tạo đỉnh trong quý 3, giảm lãi suất là cơ hội cho TTCK (14/07/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 14/07 (14/07/2017)

>   14/07: Bản tin 20 giờ qua (14/07/2017)

>   Câu hỏi trên thị trường chứng khoán (13/07/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 13/07: Thăng hoa vào phút chót (13/07/2017)

>   Làn gió mới cho cổ phiếu ngân hàng (13/07/2017)

>   Ông Trần Văn Dũng trở thành Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (12/07/2017)

>   13/07: Bản tin 20 giờ qua (13/07/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 13/07 (13/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật