Thứ Ba, 11/07/2017 06:48

Cấp bách "cứu" sân bay Tân Sơn Nhất

Mở thêm cổng, đẩy nhanh các dự án đã thống nhất xây dựng trên đất quốc phòng... là những giải pháp cấp bách để "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP HCM cùng đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức chiều 10-7, TP HCM đề nghị Bộ GTVT cần thực hiện hàng loạt biện pháp để "gỡ rối" cho sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM).

Mở thêm cổng, thu hồi đất quốc phòng

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng dù TP đã thực hiện hàng loạt giải pháp, bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình nhưng khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang trong tình trạng quá tải trầm trọng. Thống kê trong năm 2016, sản lượng hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 32,5 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2015 và vượt 28% so với quy hoạch đến năm 2020 là 25 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng hành khách qua sân bay đã tiếp tục vượt mức so với cùng kỳ năm 2016, đạt 18,3 triệu lượt (tăng 12% so với cùng kỳ). Trong khi hệ thống giao thông đường bộ kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ có một lối ra vào trên đường Trường Sơn nên vấn đề mở thêm các cổng kết nối với sân bay là hết sức cấp bách.

Lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng khảo sát khu đất quốc phòng rộng gần 20 ha ngày 21-2 trước khi bàn giao tạm để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Các tuyến đường ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải trầm trọng Ảnh: Gia Minh

Trong quy hoạch mà Bộ GTVT đã phê duyệt, sân bay Tân Sơn Nhất được mở thêm cổng tiếp cận bằng nhà ga lưỡng dụng trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. Tuy nhiên, thực tế tuyến đường này và nhiều nhánh có kết nối đang trong tình trạng quá tải trầm trọng nên sẽ khó khả thi. Vì vậy, Sở GTVT TP đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu mở thêm cổng tiếp cận sân bay trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp hoặc một số vị trí khác trên các tuyến đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình); Tân Sơn, Quang Trung (quận Gò Vấp)... Sở GTVT TP cho rằng với phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo hướng tăng thêm các cổng tiếp nhận hành khách ra, vào sẽ nâng cao hiệu quả khai thác cho sân bay.

Vào tháng 2-2017, Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao tạm cho TP HCM một số khu đất quốc phòng nhằm thực hiện những dự án kéo giảm ùn tắc giao thông cho khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Vì vậy, Sở GTVT TP đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm bàn giao các khu đất nêu trên để UBND TP nhanh chóng thực hiện dự án. Cụ thể, các khu đất quốc phòng thu hồi sẽ dùng để quy hoạch đường Tân Sơn, Hoàng Hoa Thám; khu đất nối từ đường Trần Quốc Hoàn qua Phan Thúc Duyện đến đường Hoàng Hoa Thám ra Cộng Hòa (khoảng 2,25 ha); khu đất xây dựng cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp)...

Riêng khu đất 1,3 ha bên trong sân bay (gần Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn) dùng để xây dựng hồ điều tiết - dự án quan trọng để chống ngập, điều tiết cho sân bay, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng để đồng bộ với các dự án thoát nước khác mà TP đang thực hiện, gồm kênh A41, mương Nhật Bản, kênh Hy Vọng.

"Đến lúc phải dùng từ giải cứu!"

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã nói như vậy tại buổi làm việc sau khi nghe Sở GTVT TP HCM báo cáo về tình trạng quá tải ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông, TP HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, có vai trò đầu tàu để kết nối và phát triển cho cả vùng phía Nam nên hạ tầng giao thông của TP phải được ưu tiên. "Cuối năm 2017, sản lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất có thể đạt tới 36 triệu lượt, vậy giải pháp nào để có thể đáp ứng được từ 43 triệu đến 45 triệu lượt hành khách trong vài năm nữa?" - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng trong giai đoạn hiện nay, song song việc nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan cũng đang tập trung đẩy nhanh dự án xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) để đến năm 2025 - khi sân bay này đưa vào khai thác - giải quyết được khoảng 25 triệu lượt hành khách/năm. Ông Nghĩa cho biết trước mắt, Bộ Quốc phòng đã tạm bàn giao gần 20 ha đất để triển khai xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay cho sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT cũng đang giao các cơ quan tham mưu nghiên cứu cùng TP HCM xây dựng hệ thống đường trên cao để kết nối với sân bay này.

Xung quanh việc giải quyết tình trạng quá tải ở khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết các vấn đề về quy hoạch bên trong sân bay, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận. Vì vậy trước mắt, UBND

TP HCM sẽ huy động các nhà khoa học, đơn vị có kinh nghiệm trong việc quy hoạch, an toàn bay... tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến để tìm phương án khả thi nhất liên quan đến các quy hoạch trong và ngoài sân bay. Ông Lê Văn Khoa cũng cho rằng việc xây dựng hồ điều tiết trong sân bay hiện đã thống nhất nhưng do khu đất thuộc quốc phòng nên ngoài tầm của TP HCM. "TP đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án này vì rất quan trọng trong việc chống ngập, điều tiết cho Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất" - ông Khoa nhấn mạnh. 

Không nên tăng tải ở hướng Nam

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc mở thêm hướng kết nối cho sân bay Tân Sơn Nhất là không cần bàn cãi bởi vấn đề này thực sự cần thiết và nên nghiên cứu triển khai nhanh. Cốt lõi của vấn đề này là sân bay Tân Sơn Nhất phải được cải tạo và quy hoạch lại để làm sao hài hòa với đô thị xung quanh. "Hàng chục năm nay, việc kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất với đô thị xung quanh chỉ duy nhất đường Trường Sơn và chỉ phù hợp cho giai đoạn trước đây. Vì vậy, việc cần thiết trước mắt là phải xây dựng các tuyến đường vành đai sân bay, kết nối nhiều phía nhưng không nên tăng tải ở hướng Nam. Lý do là ở hướng này, các tuyến đường như Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám... đã trong tình trạng quá tải, kẹt xe thường xuyên xảy ra và gần như không thể mở rộng. Nếu thêm cổng ra, vào sân bay thì càng gây áp lực cho giao thông ở cả khu vực này" - ông Sơn nhìn nhận.

Theo ông Sơn, giải pháp phù hợp nhất là nên hướng việc tăng tải cho sân bay ở phía Bắc bởi sẽ kết nối với Quốc lộ 1, cao tốc TP HCM - Trung Lương và các tuyến đường vành đai đang thực hiện. Như vậy, ngoài việc giảm áp lực giao thông còn kết nối và đáp ứng được nhu cầu đi lại các tỉnh thuộc khu vực miền Tây. G.Anh

Đề nghị sớm cung cấp các tài liệu liên quan

UBND TP HCM vừa yêu cầu Sở GTVT tham mưu cho UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng cung cấp sớm nhất các tài liệu liên quan Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất các thời kỳ (1995-2017) để làm cơ sở nghiên cứu.

Song song đó, Sở GTVT tham mưu cho UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức đoàn khảo sát thực tế về kinh nghiệm hoạt động, điều hành của 2 sân bay trong khu vực là sân bay Bangkok và Hồng Kông với sự tham gia của các sở - ngành chức năng TP, chuyên gia, để góp phần vào việc nghiên cứu phương án tối ưu mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

UBND TP cũng giao Sở GTVT phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận Tân Bình chủ động làm việc với nhóm nghiên cứu Đề án về quy hoạch hệ thống giao thông kết nối khu vực bên ngoài sân bay theo từng phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đại diện lãnh đạo UBND TP ký hợp đồng nghiên cứu đề án nêu trên với Trường ĐH Bách khoa TP vào đầu tháng 7-2017. Về kinh phí thực hiện hợp đồng, giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính xem xét, đề xuất trình UBND TP. N.Phan

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cap-bach-cuu-san-bay-tan-son-nhat-2017071022314006.htm

Các tin tức khác

>   Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị S3 (10/07/2017)

>   Triển khai đường bộ ven biển tỉnh Nam Định (10/07/2017)

>   Điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Long An (10/07/2017)

>   Hà Nội muốn đổi 6.000 ha đất lấy đường sắt đô thị, hạ tầng giao thông (10/07/2017)

>   Vận tải đường sắt và sức ép từ đường bộ, hàng không (08/07/2017)

>   Hà Nội: Phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường nối thuộc huyện Thanh Trì (08/07/2017)

>   Tuyến đường sắt cao tốc 3,6 tỷ USD nối Tp.HCM với Cần Thơ (07/07/2017)

>   Hà Nội: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N10, quận Long Biên (07/07/2017)

>   Thanh tra Hà Nội: Xử nghiêm vi phạm đất quốc phòng tại Đồng Tâm (07/07/2017)

>   Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị H2-3, quận Thanh Xuân (07/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật