Cần Thơ tìm nhà đầu tư cho 27 dự án
Cần Thơ hiện có 27 dự án kêu gọi đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 1,4 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, có 14 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn khoảng trên 1 tỉ đô la Mỹ và 13 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư gần 400 triệu đô la Mỹ.
Số dự án trên được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đề cập trong báo cáo được đưa ra tại hội thảo “Xúc tiến đầu tư vào thành phố Cần Thơ, giao lưu kết nối với doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc” diễn ra tại Cần Thơ chiều 17-7.
Các dự án được Cần Thơ kêu gọi đầu tư tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch và hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông.
Báo cáo cho biết, tính đến cuối tháng 6-2017, Cần Thơ thu hút được 74 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 649,2 triệu đô la Mỹ. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có vốn FDI đăng ký lớn nhất với tổng vốn đầu tư trên 246 triệu đô la Mỹ.
Tuy là quốc gia có vốn FDI lớn nhất vào Cần Thơ, nhưng hoạt động thương mại hai chiều giữa Cần Thơ và Hàn Quốc còn rất khiêm tốn.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ vào Hàn Quốc năm 2016 chỉ đạt 9,5 triệu đô la Mỹ và nửa đầu năm 2017 đạt 4,2 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, nhập khẩu của Cần Thơ từ Hàn Quốc năm 2016 đạt 6,9 triệu đô la Mỹ và 6 tháng đầu năm nay là 2,1 triệu đô la Mỹ.
Như vậy, thương mại hai chiều giữa Cần Thơ và Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2017 chỉ đạt 6,3 triệu đô la Mỹ. Đây là một con số rất khiêm tốn so với quan hệ thương mại xuất nhập khẩu giữa Cần Thơ với các nước (năm 2016 đạt gần 1,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu là 293 triệu đô la Mỹ).
Để gia tăng thương mại giữa Cần Thơ và Hàn Quốc trong thời gian tới, ông Toại đề xuất các doanh nghiệp của Cần Thơ cần khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được ký kết; doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm kiếm thông tin về thị trường Hàn Quốc để sản xuất các sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu của quốc gia này.
Còn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng cần có chiến lược tìm hiểu, thâm nhập thị trường và xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với các mặt hàng đã có từ các quốc gia khác tại thành phố Cần Thơ. Doanh nghiệp Hàn Quốc cần tăng cường hơn nữa quảng bá, giới thiệu các thương hiệu, sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh như mỹ phẩm, điện tử, tiêu dùng…, để doanh nghiệp và người dân biết nhằm tăng giao thương giữa Cần Thơ và Hàn Quốc./.
http://www.thesaigontimes.vn/162620/Can-Tho-tim-nha-dau-tu-cho-27-du-an.html
|