Bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm 2017: Vui nhiều, lo cũng không ít
Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 22/07/2017 đã có hơn 300 doanh nghiệp niêm yết công bố BCTC quý 2/2017. Và trong số đó, nhiều doanh nghiệp lãi lớn hay gần cán đích kế hoạch nhưng cũng không thiếu những cái tên còn lắm lận đận.
Nhìn tổng quát, trong khoảng 300 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm tính đến 22/07, doanh thu thuần ghi nhận được hơn 187,000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng gần 12,000 tỷ đồng. Hơn 50% doanh nghiệp đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng, gần 40% doanh nghiệp ghi nhận giảm lãi và có ít hơn 10% đơn vị ngậm ngùi với tình trạng lỗ với tổng giá trị lỗ khoảng 300 tỷ đồng.
Khi mà còn nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn chưa tung ra báo cáo thì Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) hiện đang đứng đầu ở cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận ròng. Doanh thu thuần đơn vị này đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017 đã gần 10,500 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Hoạt động tài chính của CTD nửa đầu năm rất khả quan với doanh thu gần 151 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi cùng kỳ và đáng chú ý là không ghi nhận phát sinh lãi vay, khiến chi phí tài chính chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, CTD phải đối mặt với khoản chi phí quản lý tăng mạnh 78% do hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm hơn 71%, chi phí nhân viên và chi phí khác tăng. Do đó, lãi ròng sau nửa đầu năm hơn 713 tỷ đồng, chỉ mới thực hiện 41% kế hoạch cả năm 2017.
Với Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC), chặng đường nửa đầu năm có vẻ sáng sủa cậy nhờ nhiều vào kết quả quý 2. Đầu tiên là chi phí giá vốn đã giảm mạnh giúp PPC ghi nhận lãi gộp gấp hơn 3 lần cùng kỳ với 256 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu như chính sự biến động tỷ giá đưa PPC xuống “đáy” bằng khoản lỗ 416 tỷ đồng trong quý 2/2016, thì cũng chính sự chênh lệch tỷ giá đã góp phần mang về khoản lãi 10 tỷ đồng từ khoản vay ngoại tệ quý 2/2017. Chưa hết, PPC còn có hơn 215 tỷ đồng nhờ khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư vào CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh. Do đó, quý 2/2017 lãi ròng PPC ghi nhận được hơn 451 tỷ đồng.
Như vậy, 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của PPC đạt 703 tỷ đồng, tương đương thực hiện hơn 97% chỉ tiêu cả năm.
Vicostone (HNX: VCS) cũng tương tự, lãi quý 2 tăng đột biến 161% so với cùng kỳ lên gần 399 tỷ đồng đóng góp không ít vào kết quả 6 tháng đầu năm. Giải trình cho sự đột biến này, bên cạnh tăng trưởng trong doanh thu thành phần và nguyên liệu phụ tùng, trong kỳ VCS còn phát sinh thêm khoản lãi hơn 20 tỷ đồng do chuyển nhượng vốn góp CTCP Chế tác đá Việt Nam và đặc biệt được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp gần 99 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, VCS đạt gần 2,220 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 53% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 577.6 tỷ đồng, tăng 95% và đạt 52% kế hoạch năm.
Nếu cả CTD, PPC và VCS đều có lãi ròng tăng trưởng mạnh thì NT2, dù có lợi nhuận 6 tháng tuyệt đối đang đứng vị trí thứ tư, đạt 456 tỷ đồng nhưng so cùng kỳ lại giảm đến 34%.
Top 20 doanh nghiệp có LNST cao nhất tính đến ngày 22/07/2017
Nguồn: VietstockFinance
*DXG, PHR: BCTC công ty mẹ
|
Ngành thủy điện dẫn đầu tăng trưởng
Nói đến con số tương đối về mức độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm phải kể đến những doanh nghiệp ngành thủy điện. Từ 97 triệu đồng lãi ròng của cùng kỳ năm trước, CTCP Sông Ba (HOSE: SBA) đã bật lên hơn 54 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm nay. Nguyên nhân chính yếu là do yếu tố thiên nhiên thuận lợi khi lũ chính vụ năm 2016 kéo dài đến đầu tháng 2/2017 nên đã tích đầy nước cho hai hồ của SBA, đưa sản lượng điện tiêu thụ của riêng quý 2 tăng gần 176% so với cùng kỳ.
Tương tự Sông Ba, Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP) đã có bước tăng trưởng lợi nhuận ròng từ 1.8 tỷ lên gần 198 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) và Đầu tư điện Tây Nguyên (HOSE: TIC) tuy không tăng khủng như SBA và CHP nhưng lãi ròng 6 tháng đầu năm cũng đáng ghi nhận với kết quả cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ, lần lượt đạt 159 tỷ và gần 11 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ngành khai khoáng như Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM) trong kỳ vừa qua được hưởng lợi do giá bán bình quân tăng hơn 79% so với cùng kỳ quý 2/2016. Theo đó, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm đã hơn 50 tỷ đồng, tăng 48% và 20 tỷ đồng lãi ròng, bỏ rất xa so với kết quả 1.9 tỷ đồng của cùng kỳ. Một doanh nghiệp khai khoáng khác là Than Vàng Danh - Vinacomin (HNX: TVD) cũng tận dụng được tình hình giá than tăng, đưa con số lợi nhuận từ 57 triệu lên hơn 6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017.
Top 20 doanh nghiệp có LNST tăng trưởng mạnh nhất tính đến ngày 22/07/2017
Nguồn: VietstockFinance
*DRL: BCTC công ty mẹ
|
Ngược lại câu chuyện thiên nhiên ưu đãi, thị trường giá diễn biến tích cực thổi những khoản lợi nhuận phình to thì cũng có không ít doanh nghiệp phải chật vật chứng kiến hành trình tụt dốc của chính mình.
Mở đầu 2017 với kết quả lãi ròng sụt giảm mạnh, Đầu tư Phát triển Đô Thị & KCN Sông Đà (HOSE: SJS) tiếp tục quý 2 xám xịt hơn khi ngay từ kết quả doanh thu chỉ vỏn vẹn 22 tỷ, trong khi cùng kỳ con số này hơn 470 tỷ đồng. Kết quả lũy kế 6 tháng đầu năm, SJS – doanh nghiệp bất động sản với vốn điều lệ ngàn tỷ đồng ngậm ngùi với 33 tỷ đồng doanh thu và 2.5 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng giảm lần lượt 93% và 98% so cùng kỳ năm trước.
Với Xi măng Vicem Hoàng Mai (HNX: HOM), sản lượng xi măng tiêu thụ và sản xuất đều giảm lần lượt 14% và 7% trong quý 2, hơn nữa Công ty phải chịu áp lực thuế từ việc thuế suất thuế tài nguyên tăng. Do đó, HOM ghi nhận doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đạt 686 tỷ đồng, giảm 22% và lợi nhuận ròng của HOM giảm sâu hơn 97% còn 742 triệu đồng.
Top 20 doanh nghiệp có LNST 6 tháng 2017 suy giảm mạnh nhất
Nguồn: VietstockFinance
*SDA: BCTC công ty mẹ
|
Trầy trật chấp nhận lỗ
Trong quý 2/2017, CTCP Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) phải gánh gần 68 tỷ đồng chi phí lãi vay, gấp 3.5 lần so cùng kỳ năm trước và chi phí bán hàng không được kiểm soát cũng tăng 35% lên gần 21 tỷ đồng. Do đó, TDC buộc phải chấp nhận khoản lỗ lớn nhất kể từ quý 4/2009 với gần 62.5 tỷ đồng.
Và tất yếu với lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, lỗ ròng đã được đẩy lên hơn 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 34 tỷ đồng.
So với quý 2/2016, Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) kỳ này khá khiêm tốn báo lãi 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận này chưa đủ sức vực dậy khoản lỗ gần 46 tỷ đồng của quý trước đó. Như vậy nửa đầu năm 2017 của BTP đã khép lại với doanh thu thuần giảm sâu hơn 51% còn 385 tỷ đồng và ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 33 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi 44 tỷ đồng.
Nằm trong nhóm thua lỗ sau 6 tháng đầu năm 2017, Dabaco (DBC) có lẽ là đơn vị gây nhiều bất ngờ nhất khi báo lỗ gần 20 tỷ đồng. Kỳ thực thì con số lỗ này là đến từ quý 2/2017 (lỗ hơn 33 tỷ đồng) do ảnh hưởng từ giá thịt lợn suy giảm mạnh.
Top 20 doanh nghiệp có LNST lỗ ròng lớn nhất tính đến ngày 22/07/2017
Nguồn: VietstockFinance
*DZM, STP: BCTC công ty mẹ
|
|