578 doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đăng ký niêm yết
Sáu tháng đầu năm, cả nước mới cổ phần hóa (CPH) được 6 DNNN. Cùng lúc, tính đến thời điểm này còn 578 doanh nghiệp sau CPH chưa đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định.
Đó là những thông tin được đưa ra trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo CPH, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 11-7.
Theo kế hoạch, năm 2017, cả nước sẽ phải CPH 45 DNNN. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, mới hoàn thành CPH được 6 doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án CPH để trình phê duyệt đối với 14 doanh nghiệp. Trong số này có những doanh nghiệp quy mô lớn như công ty con của Tập đoàn Dầu khí có tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỉ đồng; một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỉ đồng. Như vậy, dự kiến 6 tháng còn lại phải CPH 39 doanh nghiệp là một mục tiêu khó đạt được.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn chậm là không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra, làm “dồn” việc cho 6 tháng cuối năm. Chưa kể đến 578 doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định dù quy định hiện hành yêu cầu các công ty nhà nước sau CPH 90 ngày kể từ khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là công ty cổ phần, phải đăng ký lên sàn UPCOM để công khai, minh bạch thông tin.
Việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, TPHCM chậm nhất trong số các đơn vị khi chưa có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa trong danh sách 39 DNNN phải cổ phần hóa của địa phương này tới năm 2020.
Về thoái vốn nhà nước, đến hết quí 2-2017, đã bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỉ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỉ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, có 6 doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá.
Thoái vốn Nhà nước tại 12 doanh nghiệp quy mô lớn đến nay có 11 doanh nghiệp đã niêm yết. Tổng công ty rượu-bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang lựa chọn đơn vị nhà thầu tư vấn thoái vốn Nhà nước. Công ty cổ phần rượu-bia Habeco đang xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries. Đối với Vinamilk, SCIC đã trình Thủ tướng hai phương án bán tiếp phần vốn Nhà nước và đang chờ ý kiến của Thường trực Chính phủ.
Các tập đoàn nhà nước cũng chậm nộp đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 như yêu cầu của Chính phủ. Ngoại trừ đề án của EVN đã được Thủ tướng phê duyệt và đề án của PVN đang được thẩm tra để trình Thủ tướng, còn lại 5 tập đoàn chưa trình là Cao su, Than-Khoáng sản, VNPT, Viettel, Hóa chất.
Ông Huệ cho rằng còn tâm ý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời.
Phó thủ tướng nhắc lại việc Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn theo Chỉ thị số 04 của Thủ tướng.
... đọc tiếp tại đây
|