Thật kỳ lạ! Giá cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ Mỹ đang đồng loạt leo dốc
Thị trường cổ phiếu Mỹ vừa leo lên mức kỷ lục vào ngày thứ Sáu, đồng thời giá trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng trên đà tăng, qua đó đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm xuống đáy 7 năm (vì giá và lợi suất trái phiếu ngược chiều nhau). Và nhà đầu tư cảm thấy bối rối trước hiện tượng kỳ lạ này, MarketWatch đưa tin.
Hiện tượng cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ đồng loạt leo dốc dường như khá lạ thường.
Tại sao lại như thế? Vì giá trái phiếu Chính phủ Mỹ thường leo dốc khi nhà đầu tư hết sức thận trọng, bối rối về tăng trưởng kinh tế và rủi ro ngày càng tăng trên thị trường. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu lại thường tăng khi nhà đầu tư tỏ ra lạc quan và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Vậy điều gì đã dẫn tới hiện tượng kỳ lạ trong ngày thứ Sáu? Sau khi hiện tượng này xảy ra, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp nhất trong 7 năm với 2.15%, trong khi chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đồng loạt leo lên mức cao kỷ lục trong 2 phiên liên tiếp.
Diễn biến giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm
Nguồn: MarketWatch
|
Có một số giả thiết trái chiều đã xuất hiện sau khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy trong tháng 5, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 138,000 việc làm, thấp hơn rất nhiều so với dự báo 185,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế (vẫn có điểm sáng là tỷ lệ thất nghiệp xuống 4.3%, mức thấp nhất trong 16 năm). Trước đó, dữ liệu từ Automatic Data Processing (ADP) cho thấy các con số rất khả quan về khu vực tư nhân, qua đó làm nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng việc làm sẽ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, sự thật lại quá thất vọng.
Trong một cuộc phỏng vấn với MarketWatch, Phil Orlando, Chiến lược gia cổ phiếu tại Federated Investors, cho hay các nhà đầu tư cổ phiếu và nhà đầu tư trái phiếu có thể có những giả thiết rất khác nhau sau khi báo cáo việc làm được công bố.
“Giá trái phiếu đã leo dốc vì báo cáo việc làm hôm nay (ngày 02/06) quả là một thảm họa. Các thước đo khác trong báo cáo việc làm cũng thấp”, Orlando cho hay.
Ông Orlando cho biết thị trường trái phiếu Chính phủ đang tiếp nhận thông tin từ báo cáo việc làm như là một yếu tố hỗ trợ quan điểm cho rằng nền kinh tế Mỹ đã đánh mất đà tăng. Chính quan điểm này đã khuyến khích nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – vốn đang háo hức nâng lãi suất lên mức bình thường hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 – sẽ phải chọn không nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 tới và cũng sẽ làm chậm lại tốc độ nâng lãi suất trong tương lai. Hiện Phố Wall đang chiết khấu thêm 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2017.
Triển vọng lãi suất sẽ ở mức thấp trong thời gian dài hạn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Chính phủ, đặc biệt là khi họ giả định nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm chạp trong tương lai.
Trong thời gian gần đây, nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu lập kỷ lục liên tiếp kể từ chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ do các kỳ vọng về các cam kết nới lỏng quy định, giảm mạnh thuế suất và gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó giờ đã tiêu tan phần nào vì không có bước tiến quá đáng kể trong tiến trình thực hiện các chương trình chính sách của ông Trump, khi chính quyền này phải vật lộn với hàng loạt các rắc rối liên quan đến mối quan hệ với các quan chức Nga. Và quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp định về biến đổi khí hậu Paris 2015 của Donald Trump được một số nhà đầu tư cho là một yếu tố gây cản trở đến tiến trình thông qua các chính sách thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ông Orlando, có khả năng là thị trường đang kỳ vọng rằng sự suy yếu của tăng trưởng việc làm sẽ buộc Donald Trump và nhóm của ông phải tìm cách để thông qua các chương trình nghị sự thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, sự bối rối đang được thể hiện ở nhà đầu tư.
Một số người khác cho rằng môi trường đầu tư có thể đang rơi vào tình trạng bế tắc. Hay nói cách khác, nền kinh tế có thể vẫn tăng trưởng nhưng không quá mạnh và không đủ để khiến Fed tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như giảm bớt số dư 4.5 ngàn tỷ USD trên bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, Lisa Hornby, Nhà quản lý danh mục tài sản có thu nhập cố định tại Schroders Investment Management, lại cho rằng: “Số liệu thống kê là không đủ mạnh để Fed tỏ ra thái độ tích cực. Thế nhưng, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng và trên mức cần thiết để đáp ứng những người mới tham gia thị trường – chỉ là thấp hơn kỳ vọng thôi”.
Lãi suất cực thấp và lợi suất trái phiếu Chính phủ ở mức đáy nhiều năm có nghĩa là chi phí đi vay của các doanh nghiệp Mỹ sẽ khá rẻ. Ít nhất thì đây cũng là một yếu tố để nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng lên tầm cao mới./.
|