PTKT Hàng hóa tháng 06/2017: Cao su lao dốc mạnh, Vàng vững đà tăng
Giá hàng hóa có biến động rất mạnh trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến giá của các cổ phiếu liên quan.
Dầu – Chạm đáy tháng 11/2016
- Giá dầu(*) tiếp tục sụt giảm trong những tuần gần đây.
- Kênh giá ngắn hạn hạn đang hoạt động hết sức hiệu quả. Cận trên của kênh là vùng 48-50 USD/thùng, cận dưới là vùng 42-44 USD/thùng.
- Giá hiện đang test lại vùng đáy cũ tháng 11/2016. Điểm đáng chú ý là ngưỡng này đang hội tụ với cận dưới kênh giá nên khả năng hỗ trợ tăng lên.
- Dự kiến đà giảm sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến những cổ phiếu trong ngành Dầu khí như PVD, PVS, PVC, PVB…
(*) Giá dầu sử dụng trong bài viết là giá dầu thô của Mỹ (WTI - West Texas Intermediate).
Vàng – Đà tăng khá vững chắc
- Một trong những yếu tố đáng chú ý nhất là đường trendline trung hạn đã hình thành. Ngưỡng này đang duy trì trong vùng 1,230-1,235 USD/oz. Vùng này cũng đồng thời trùng với ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% nên độ tin cậy rất cao.
- Giá đã phá vỡ và vượt lên trên các đường MA quan trọng như SMA 100, SMA 200… nên xu hướng tăng trưởng dài hạn bắt đầu được xác lập.
- Việc giá vàng tăng trưởng tốt có ảnh hưởng tích cực đến các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng như PNJ, LCM…
Thép – Xu hướng dài hạn có nguy cơ đảo ngược
- Mẫu hình Head & Shoulders (dạng phức tạp) đã xuất hiện trên SLX(**). Điều này cho thấy giá đang trong tình trạng khá rủi ro trong ngắn hạn.
- Xu hướng dài hạn đang bị đe dọa khi mà SMA 100 bị phá vỡ hoàn toàn. Sự phục hồi ấn tượng của giá thép trong năm 2016 được bắt nguồn từ tín hiệu phá vỡ và vượt lên trên SMA 100. Vì vậy, sự phá vỡ vào đầu tháng 04/2017 đem đến sự lo ngại khá lớn cho giới đầu tư.
- Sự sụt giảm của giá thép có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu trong ngành như HPG, HSG, TLH, NKG, SMC, POM, VIS...
(**) Chỉ số SLX (Steel ETF Market Vectors) đại diện cho giá thép thế giới và giao dịch trên sàn NYSE Arca.
Cao su – Test ngưỡng hỗ trợ quan trọng
- Giá cao su(***) trên sàn TOCOM tạo đáy trong vùng 150-165 JPY/kg trong giai đoạn quý 3/2016. Sau đó, giá cao su đã bứt phá một mạnh lên vùng 350-366 JPY/kg và tạo ra sự bứt phá của các cổ phiếu trồng cao su trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
- Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đang đứng trước nguy cơ khá lớn. Giá cao su đã sụt giảm mạnh sau khi tạo đỉnh trong vùng 350-366 JPY/kg và phá vỡ ngưỡng 200 JPY/kg, thậm chí có lúc đã giảm xuống mức 178.8 JPY/kg. Nếu không nhanh chóng vượt lên trên ngưỡng 200 JPY/kg thì đà giảm coi như đã được xác nhận khi mà nhóm MA hầu hết đã cho tín hiệu bán trở lại.
- Sự sụt giảm này có thể làm chững lại đà tăng của một số cổ phiếu chính trong ngành Nông – Lâm Ngư như HAG, HNG, DPR, TRC... Mặt khác, nếu giá cao su giảm tiếp cũng sẽ thúc đẩy việc tạo đáy và hồi phục của nhóm Chế biến Cao su với các mã tiêu biểu là CSM, DRC, SRC...
(***) Giá cao su phân tích trong bài viết là giá của sàn TOCOM (Tokyo Commodity Exchange).
|