Thứ Ba, 13/06/2017 10:12

Phó Chủ tịch VSA: Giá thép 2017 chắc chắn sẽ không về đáy 2015

Phát biểu tại Hội thảo Đối thoại ngành thép – Triển vọng 2017-2020, ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định: “Giá thép 2017 dự báo sẽ không còn đột biến, tuy nhiên chắc chắn sẽ không về mức đáy của những năm 2014-2015.”

Bởi lẽ, sự tăng trưởng nóng của Trung Quốc – quốc gia được xem là dẫn dắt thị trường thép thế giới đã nhận được bài học xương máu khi mức lỗ năm 2014 đạt 5-6 tỷ USD, và con số sang năm 2015 lên đến 15 tỷ USD. Do đó, theo ông Sưa, Trung Quốc đủ thông minh để chèo lái giá thép sao cho không để đi vào vết xe đổ 3 năm trước đó.

Hội thảo Đối thoại ngành thép – Triển vọng 2017-2020 diễn ra chiều ngày 12/06/2017.

Ngành thép vẫn là ngành nhập siêu

Về phía Việt Nam, từ năm 2013-2016, sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng trung bình 21.64% và 25.7%. Ông Sưa cho rằng, nguyên nhân chính do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản nên có nhu cầu tiêu thụ thép cao. Tuy nhiên, do chuỗi giá trị chưa được hoàn thiện nên ngành thép Việt Nam phải nhập rất nhiều sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép chế tạo, thép hợp kim…

Quy trình sản xuất thép

Riêng năm 2016, sản lượng thép nhập khẩu đạt 22.7 triệu tấn, trong đó thép hợp kim chiếm 27%, HRC chiếm 24.6% và thép phế 17%.

Một nghịch lý đang tồn tại tại thị trường thép nước ta đó là thừa năng lực sản xuất song vẫn phải nhập khẩu, mà còn nhập số lượng lớn. Nguyên nhân là do ngành thép nội địa mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Một số sản phẩm như tôn mạ màu, ống thép… còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, lượng nhập siêu của ngành thép được kỳ vọng giảm dần khi Hòa Phát và Formosa bắt đầu sản xuất HRC.

Cùng với đó, lượng thép tiêu thụ/đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp khi so với các quốc gia phát triển khác. Theo số liệu 2015, lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam đạt 195 kg/người, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (489 kg/người), Nhật Bản (497 kg/người), Mỹ (297 kg/người) hay Hàn Quốc (1,136 kg/người). Điều này thể hiện ngành thép trong tương lai vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Tiêu thụ thép/đầu người Việt Nam so với các quốc gia khác (Kg)

Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám đốc VietinbankSc (CTS) cũng đã so sánh số liệu của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực. Theo đó, tiêu thụ thép/người tại Việt Nam mặc dù cao hơn so với Phillipines (101kg) và Indonesia (53kg) nhưng vẫn thấp hơn 20-50% so với Thái Lan (246 kg) và Malaysia (383 kg).

Bổ sung về nhận định trên, ông Sưa cho rằng, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới, trong khi xếp hạng thứ 10 về tiêu thụ thép, cho thấy nước ta là một nước xây dựng đang phát triển mạnh. Chưa kể đến, trung bình lượng tiêu thụ thép đạt trên 100 kg/đầu người đã chứng minh quốc gia đó đang cất cánh, vậy ra Việt Nam thực chất đã cất cánh từ những năm 2002-2003, ông Sưa nói thêm.

“Áp dụng thuế tự vệ là hoàn toàn đúng đắn”

Đó là nhận định của ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn – Giám đốc nghiệp vụ đầu tư Dragon Capital trong cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề Bộ Công thương vừa áp thuế tự vệ đối sản phẩm thép Việt Nam, dự kiến đến tháng 3/2020 sẽ giảm dần về 0%. Ông Tuấn nhấn mạnh đây là động thái vô cùng đúng đắn của Bộ, nhằm bảo hộ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đặc biệt là các đơn vị nhỏ lẻ.

Thực tiễn trên thị trường thép Việt Nam hiện nay, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đâu đó chiếm trên 50% tổng sản lượng. Như vậy, tương lai gần nước ta đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm thị trường thép bởi Trung Quốc. Khi mà, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển nóng nên Chính phủ nước này bằng mọi cách đẩy mạnh hàng xuất khẩu sang nước khác. Về phía Việt Nam, nhiều mặt hàng tuy đã sản xuất được nhưng vẫn chuộng hàng nhập hơn bởi giá thành rẻ hơn.

Theo đó, bằng việc áp thuế tự vệ trong vòng hơn 3 năm sẽ là khoảng thời gian để doanh nghiệp trong nước cải tiến về công nghệ, bổ sung vốn đầu tư cũng như cải thiện hiệu quả quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, trước khi bước vào cuộc chiến công bằng sau đó.

Cũng về vấn đề vị thế cạnh tranh, bên lề hội thảo, ông Sưa có chia sẻ thêm, mặc dù hiện nay vấn đề M&A trên thị trường thép Việt Nam vẫn chưa thực sự hiện diện rõ, nhưng đây cũng sẽ là định hướng lâu dài của thị trường, đặc biệt là đối với những đơn vị nhỏ, không đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín nhằm tạo ra giá trị gia tăng.

Sản lượng sản xuất và tiêu thụ được dự báo tăng trưởng trung bình 12%/năm

Tại hội thảo, các diễn giả cũng đề ra triển vọng phát triển ngành đến năm 2020, cụ thể sản lượng sản xuất theo dự báo sẽ tăng từ 18 triệu tấn (2016) lên đến xấp xỉ 26 triệu tấn (2020).

Dự báo ngành thép 2017-2020
Đvt: Triệu tấn

Ông Sưa có cho biết thêm, Bộ Công Thương đã có quy hoạch tổng thể phát triển ngành thép đến năm 2035. Trước mắt năm 2020, để phụ vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, sản lượng thép sản xuất ước cần đạt 22-26 triệu tấn thành phẩm, 18 triệu tấn phôi và 8 triệu tấn gang. Trong năm 2017, sản lượng thép thành phẩm ước tăng trưởng 12% so với năm 2016, trong đó:

  • Thép xây dựng : 11%, sản lượng 9.6 triệu tấn
  • Thép lá cuộn cán nguội : 13%, sản lượng 4.1 triệu tấn
  • Thép ống hàn : 15%, sản lượng 2.3 triệu tấn
  • Tôn mạ và sơn phủ màu : 12%, sản lượng 3.8 triệu tấn

P/E hợp lý của ngành thép phải là 10-15%

Một vấn đề khác cũng khá được quan tâm, đó là mặc dù ngành thép Việt Nam tăng trưởng mạnh, song P/E toàn ngành chỉ mới đâu đó 5 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E trung bình của nhiều ngành nói chung (11-14 lần).

Thông tin cổ phiếu ngành thép

Trong khi đó, P/E ngành thép của các quốc gia trên thế giới tương đối cao, Trung Quốc đạt 10-15%, Ấn Độ cũng khoảng 15%, … Lý giải cho điều này, ông Tuấn cho rằng sở dĩ ngành thép Việt Nam bị định giá thấp chủ yếu xuất phát từ tâm lý e ngại của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư bị nỗi sợ hãi về hiện tượng dư cung cũng như sự sụp đổ của Trung Quốc lấn át.

Song, thực tế nhiều năm liền vẫn cho thấy sự tăng trưởng tại một số doanh nghiệp sản xuất trong ngành tăng trưởng khá tốt, bất chấp sự biến động của toàn thị trường. Điển hình như Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG), Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) hay Thép Nam Kim (HOSE: NKG), với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình/năm đạt gần 50%.

Nói đi cũng phải nói lại, đối với một số doanh nghiệp thương mại thì mức định giá P/E trên không có gì bàn cãi, bởi lợi nhuận tại các đơn vị này biến động lên xuống theo thị trường.

Cuối cùng, ông Tuấn cho rằng, P/E hợp lý cho ngành thép Việt Nam đâu đó từ 10-12 lần, tùy vào từng công ty.

Các tin tức khác

>   Hòa Phát dự kiến chào bán gần 253 triệu cp với giá 20,000 đồng/cp (02/06/2017)

>   ĐHĐCĐ Thép Pomina: Khả năng quý 3 sẽ điều chỉnh kế hoạch sau khi đạt lãi 400 tỷ (28/04/2017)

>   Ngành sản xuất thép Trung Quốc đã bước vào giai đoạn bão hòa (25/04/2017)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc tìm mua lại các nhà máy thép Việt Nam thua lỗ (17/04/2017)

>   Hai nhà tư vấn nước ngoài quan tâm đến dự án Quy hoạch ngành thép (09/03/2017)

>   Xem xét giảm thuế xuất khẩu mặt hàng xỉ luyện thép (02/03/2017)

>   Hòa Phát điều chỉnh tăng kế hoạch lãi 2017 lên thêm 1,000 tỷ đồng (01/03/2017)

>   Thép tiêu thụ tháng 02/2017 giảm 120 ngàn tấn (28/02/2017)

>   Kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm từ 7% xuống 0% chưa phù hợp (23/02/2017)

>   Trung Quốc cân nhắc buộc doanh nghiệp nhôm, thép giảm sản lượng (14/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật