Thứ Ba, 27/06/2017 10:12

Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Vung tiền gom lớn!

Sau nhiều động thái khó đoán, tuần vừa qua (19/06-26/06) ghi dấu nhiều pha vung tiền gom lượng lớn cổ phần của những cá nhân có liên quan và của chính người cầm trịch.

 

Con sóng AMD cùng sự kiện ROS gom thành công 24.38% vốn từng khiến nhà đầu tư đau tim khi phải chứng kiến một loạt 7 phiên liên tiếp giảm sàn, nhưng bước sang tuần vừa qua, AMD lại bất ngờ có hai phiên tăng trần trong ngày 19/06 và 20/06. Khả năng là do tại thời điểm này có sự hỗ trợ thông tin Chủ tịch Nguyễn Tiến Đức đăng ký mua 5 triệu cp.

Ngỡ lực tăng có thể kéo dài, ngay sau đó cổ phiếu AMD quay ngoắt trở lại lau sàn 3 phiên liên tiếp và hiện dừng tại mức 12,300 đồng/cp với lượng giao dịch những phiên gần đây vẫn khá cao trong khoảng từ 4 – 9 triệu đơn vị/ngày. Mới đây, kết quả giao dịch của ông Đức đã có, chỉ diễn ra đúng trong hai ngày 22/6 và 23/6 với toàn bộ lượng cổ phiếu đăng ký đã được gom thành công và ông chính thức trở thành cổ đông lớn sở hữu 11.78% vốn. Với mức giá 14,000 đồng/cp, khả năng 5 triệu cổ phiếu được ông Đức mua có giá trị khoảng 70 tỷ đồng.

Diễn biến giao dịch ở ROS có phần tương đồng với AMD, khi cổ phiếu đang trên đà giảm sàn 4 phiên liên tục, đánh mất hơn 30% giá trị từ 120,500 đồng/cp về còn 84,300 đồng/cp thì bà Trịnh Thị Thúy Nga - em gái ông Chủ tịch Trịnh Văn Quyết thông báo muốn gom vào 1 triệu (chiếm 0.23%), dù trước đó bà Nga không sở hữu ROS. Và ngay sau khi có công bố này cộng với thông tin ROS sắp phát hành 43 triệu cp để trả cổ tức 2016, sắc xanh tại ROS đã kéo dài 4 phiên liên tiếp và hiện đang neo tại 86,500 đồng/cp.

Tại S74, trước chiều tháo chạy 1.6 triệu cp của hai cổ đông lớn Nguyễn Văn Hùng và Phạm Đức Thuận, vợ Chủ tịch Nguyễn Hữu Doanh là bà Đặng Thị Hồng Hạnh đã bỏ ra gần 12 tỷ đồng để mua lại đúng lượng cổ phiếu trên. Dù trước đó, bà Hạnh nắm rất ít với 0.08% còn ông Doanh thì không hề sở hữu cổ phiếu S74. Sau giao dịch, ông Hùng và ông Thuận không còn là cổ đông lớn, ngược lại bà Hạnh từ chỉ là một cổ đông nhỏ nắm vài ngàn cổ phiếu bỗng chốc trở thành cổ đông lớn và có lượng sở hữu nhiều nhất tại S74 với tỷ lệ 24.69% cổ phần.

TVC cũng diễn ra hai chiều bán mua nhưng thành phần tham gia đều là người nội bộ. Cụ thể, Chủ tịch Phạm Thanh Tùng muốn mua 350,000 cp. Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phần nắm giữ của ông Tùng sẽ gần 1.3 triệu đơn vị (tương đương 3.4%). Trước đó, Giám đốc Phan Doãn Vinh và Ủy viên HĐQT Nguyễn Trung Kiên cũng vừa hoàn tất thoái gần hết lượng cổ phiếu nắm giữ, cả hai cá nhân đều đưa ra lý do vì nhu cầu tài chính cá nhân.

Chung cảnh với TVC, việc bán mua hai chiều giữa những người cầm trịch tại TIG. Trong khi Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Đào Thị Thanh đã nỗ lực gom 750,000 cp (trong tổng 1 triệu đăng ký) thì Phó Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đại Thắng lại đứng ở chiều bán ra 500,000 cp nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Bên cạnh những giao dịch cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của G36 – ông Nguyễn Đăng Giáp đã đăng ký mua hơn 15 triệu quyền mua, lượng cổ phiếu dự kiến mua tương ứng với số quyền mua là hơn 20 triệu cp. Được biết, sở hữu của ông Giáp trước đó khá thấp chỉ chiếm 0.02% vốn. Cùng với ông, còn có Kế toán trưởng Vũ Xuân Sắc cũng muốn mua gần 189,000 quyền mua.

Được biết, G36 chỉ mới chính thức giao dịch trên UPCoM từ cuối năm 2016 với vốn điều lệ 430 tỷ đồng. Mới đây G36 cho biết sẽ chào bán 57 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là cổ đông lớn Bộ Quốc phòng sẽ chuyển nhượng toàn bộ 17.2 triệu quyền mua tương đương 22.8 triệu cp phát hành thêm theo hình thức đấu giá công khai với giá 360 đồng/quyền mua. Liệu có khả năng giao dịch của ông Giáp sắp tới là nhận chuyển nhượng từ Bộ Quốc phòng?.

Được biết, đợt phát hành này của G36 dự kiến thu về 570 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ tại 4 ngân hàng VietinBank, BIDV, VPBank và Vietcombank.

Mặc dù, tuần vừa qua với nhiều nguyên nhân khác nhau đã có không ít lãnh đạo phải bỏ ra lượng lớn tiền để thực hiện gom cổ phiếu. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có vài người đứng đầu thu về được không ít từ việc bán tháo cổ phần nắm giữ.

Sau khi bán bất thành toàn bộ gần 3 triệu cp QPH hồi tháng 4/2017, vị Chủ tịch Thái Phong Nhã vẫn tiếp tục đăng ký thoái và đã thành công lượng cổ phiếu trên, tương đương 16.09%. Với giao dịch này, ông Nhã đã thu về được khoảng 46 tỷ đồng.

Thực chất giao dịch bán của ông Nhã là chuyển nhượng toàn bộ 16% vốn cho CTCP Điện lực Trung Sơn theo sự chấp thuận trước đó. Diễn biến tiếp theo, các cổ đông lớn của QPH cũng sẽ chuyển nhượng lượng cổ phần nắm giữ cho Điện lực Trung Sơn để hoàn tất lộ trình gom 10.2 triệu cp QPH.

Hay như tại SKG, một trong ba lãnh đạo người nước ngoài là Phó Tổng Giám đốc Ting Chek Hua cũng vừa đăng ký thoái toàn bộ hơn 532,000 cp nắm giữ. Nếu giao dịch thành công, vị Tổng Giám đốc này sẽ có một khoản thu gần 28 tỷ đồng. Trước đó hồi đầu năm 2017, vị lãnh đạo này từng có giao dịch bán hơn 80,000 cp trong tổng số 100,000 đơn vị đăng ký./.

Các tin tức khác

>   CVN: Cổ đông lớn Huỳnh Cẩm Đoan tăng sở hữu lên 7.48% (27/06/2017)

>   QCG: Con gái Thành viên HĐQT Lại Thế Hà đã thoái hết 50,000 cp (28/06/2017)

>   TTH: Đầu tư Sơn Phú đã bán 1.52 triệu cp, giảm mạnh sở hữu xuống còn 7.31% (26/06/2017)

>   TVC: Chủ tịch Phạm Thanh Tùng muốn mua thêm 350,000 cp (26/06/2017)

>   QNC: Konex mua thêm 445,000 cp, tăng sở hữu lên 19.3% (26/06/2017)

>   AMD: Chủ tịch Nguyễn Tiến Đức trở thành cổ đông lớn sau khi gom 5 triệu cp (26/06/2017)

>   CVN: Nhà đầu tư Huỳnh Cẩm Đoan trở thành cổ đông lớn (23/06/2017)

>   C47: Thông báo giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến CĐNB Dương Minh Trung (23/06/2017)

>   GAS: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của CĐNB Nguyễn Quốc Huy (23/06/2017)

>   ST8: Thông báo giao dịch cổ phiếu của CĐNB Võ Văn Chính (23/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật