Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Đau đầu đoán tín hiệu!
Ban lãnh đạo và người thân là những nhân tố nắm rõ nhất hoạt động kinh doanh của công ty, vì thế mọi động thái của họ đều khiến nhà đầu tư tò mò. Để lý giải được những hành động mua bán đó thật ra cũng không phải là điều dễ dàng bởi có khi cổ phiếu tăng trần thì họ chốt lời, cổ phiếu giảm sàn quá thì gom vào cứu giá… nhưng khi họ thực hiện ngược với những điều trên thì là dấu hiệu gì?
Ảnh minh họa.
|
Tuần qua (13-19/06) và cả trước đó, cổ phiếu AMD được nhà đầu tư đặc biệt chú ý khi có dấu chân của ROS với tỷ lệ sở hữu hơn 24% vốn. Cùng với đó là những phiên liên tục trần rồi thì lau sàn liên tiếp với khối lượng giao dịch bình quân cũng “khủng” hơn 4.88 triệu cp/phiên trong tuần qua.
Và khi AMD đang trong đà giảm sàn và vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Tiến Đức bị miễn nhiệm chức Tổng giám đốc, thì ông vẫn quyết tâm gom vào 5 triệu cp nhằm tăng sở hữu lên gần 12% vốn AMD. Liệu đây có phải là cuộc chiến giữa nhân tố mới và lãnh đạo AMD hay không khi mà nhân tố mới đó đã đưa được người vào giữ vị trí Tổng giám đốc?
Cũng thuộc họ khoáng sản như AMD, nhưng diễn biến giao dịch MIM lại vừa có điểm riêng và cả điểm chung. Sau một thời gian cổ phiếu nằm dài ở mức giá dưới 3,000 đồng/cp thì bắt đầu từ tháng 4 trở lại đây, cổ phiếu MIM cứ "túc tắc" đi lên đều đặn và ghi nhận mức tăng gấp đôi, đang giao dịch trên mốc 6,000 đồng/cp. MIM có được sự tăng trưởng này có lẽ nhờ vào hành động kiên trì gom vào của vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tăng Nguyên Ngọc bắt đầu từ tháng 3. Theo đó, sau 5 lần giao dịch, vị Chủ tịch này đã tăng sở hữu MIM từ mức dưới 5% lên 13.27%. Tuy nhiên không hẳn tự nhiên mà vị này cứ đều đặn mua vào như vậy, bởi vừa qua cổ đông lớn Vũ Thị Loan đã đột nhiên bán ra cổ phiếu MIM và giảm sở hữu từ 10.65% xuống còn 6.13%.
Trong khi đó, dù không có nhiều thông tin chi tiết nhưng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 của MIM cho thấy một hình ảnh khả quan hơn khi doanh thu mục tiêu 116 tỷ đồng, tăng 62% so năm 2016. Còn lợi nhuận dự kiến 5 tỷ đồng, gấp tới 3.4 lần năm 2016.
Cổ phiếu SIC đã tăng 26% trong tuần qua và hện đang giao dịch tại mức 9,200 đồng/cp. SIC là cổ phiếu được "gọi tên" trong top những mã phi nước đại trong năm 2016. Vậy nhưng bước vào năm 2017 cổ phiếu này đột nhiên đổ đèo khiến không ít nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, những phiên gần đây SIC có dấu hiệu đi lên khi Công ty TNHH ANZA liên tục gom vào và hiện đã tăng sở hữu lên gần 24% vốn hồi tháng 5/2017. Và bây giờ tại SIC liệu có giống một kịch bản như AMD khi mà cổ đông lớn cứ gom vào đồng thời với việc Chủ tịch Đặng Quang Đạt cũng ra tay đăng ký mua 800,000 cp nhằm tăng sở hữu lên gần 10%?
Mặc dù giảm tới 66% trong vòng 1 năm qua với rất nhiều cung bậc cảm xúc trộn lẫn từ cả thăng hoa đến hụt hẫng, nhưng cổ phiếu VAT lại đang có những dấu hiệu đi lên từ 07/06 tới nay khi ghi nhận 3 phiên tím ngắt và hàng loạt phiên tăng đều đặn, tức tăng 36% trong tuần qua giao dịch tại mức giá 6,000 đồng/cp. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Trần Văn Canh cũng góp thêm con sóng khi đăng ký mua vào 300,000 cp và dự kiến sẽ tăng sở hữu từ mức 5.92% lên hơn 11% nếu giao dịch thành công.
Cổ phiếu dầu khí PVR đang cho thấy ngày càng ảm đạm khi giao dịch rất thưa thớt, thậm chí trong tuần vừa qua không có cổ phiếu nào được sang tay dù giá chỉ vỏn vẹn 3,900 đồng/cp. Vậy liệu với việc đăng ký mua tới 4.35 triệu cp của Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Khúc Thị Thanh Huyền có thành công? Hiện bà Huyền đang nắm giữ hơn 2.53 triệu cp PVR, tương ứng tỷ lệ 4.89%. Đặc biệt, giao dịch này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 10 ngày (20-30/06), đây cũng là thời điểm PVR sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017. Trước đó, PVR bị buộc phải hủy niêm yết trên HNX từ ngày 26/05/2017 do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC kiểm toán 2016.
Ở chiều ngược lại, tuần qua nổi lên giao dịch bán cổ phiếu của người thân tại hai ngân hàng là LienVietPostBank (LPB) và MBB.
Trong đó tại LienVietPostBank, Phó TGĐ Kim Minh Tuấn đăng ký bán hết 138,326 cp LPB (0.02% vốn), còn Phó TGĐ Nguyễn Thu Hoa đăng ký bán toàn bộ 167,645 cp. Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Trung - chồng Phó TGĐ Nguyễn Thị Gấm cũng đăng ký bán toàn bộ 59,263 cp cùng thời gian với bà Hoa. Các giao dịch này nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân và đều được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Tổng cộng giao dịch bán ra của các vị lãnh đạo và người nhà tại LienVietPostBank là 365,000 cp.
Thông tin liên quan ảnh hưởng lớn đến LienVietPostBank trong thời gian này là việc Chủ tịch Dương Công Minh từ nhiệm, thay cho vị trí đó là sự trở lại của ông Nguyễn Đức Hưởng. Liệu việc biến động nhân sự chủ chốt này có là lý do khiến các vị lãnh đạo và người nhà xuống tay bán lượng cổ phiếu trên?
Cổ phiếu MBB đang có những sự tăng trưởng gần 38% trong quý vừa qua, hiện giao dịch trên mức 20,000 đồng/cp. Có lẽ đây là thời điểm tốt để vợ Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Huệ chốt lời hơn 20,000 cp chăng?
Bên cạnh đó, tuần qua còn có sự giao dịch đồng loạt của lãnh đạo cùng người nhà như tại DHD, QLT, TAP, PMS… hay các giao dịch đáng chú ý của lãnh đạo tại các mã như C47, MCP, DRI, KDC, CDC, FPT, VMA…/.
|