Thứ Tư, 07/06/2017 13:11

Hàn Quốc tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2016 Hàn Quốc đứng thứ 7 về khối lượng nhập khẩu tôm, đứng thứ 12 và chiếm 2.4% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới. Từ năm 2013 -2016, khối lượng nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc tăng liên tục và đạt đỉnh vào năm 2016 với hơn 83,000 tấn.

Nhu cầu tiêu thụ hải sản trong đó có tôm của người Hàn Quốc ngày một tăng do sản lượng thủy sản nội địa giảm và xu hướng quan tâm tới thực đơn ăn uống lành mạnh và có lợi cho sức khỏe của người dân nước này.

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu tôm của Hàn Quốc năm 2016 đạt 532.3 triệu USD; tăng 4.5% so với năm 2015. Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm gần 49% tổng nhập khẩu tôm của nước này. Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador giữ các vị trí tiếp theo với thị phần lần lượt là 14.8%; 11.8% và 9.3%.

Quý 1/2017, nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc đạt 14,103 tấn, trị giá gần 116 triệu USD; giảm 12% về khối lượng nhưng tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến không đóng túi kín khí (HS 160521), lần lượt chiếm 67% và 23% tổng các sản phẩm tôm nhập khẩu vào nước này. Việt Nam là nguồn cung lớn nhất 2 sản phẩm này cho Hàn Quốc.

Trong số các nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc từ Việt Nam, Thái Lan, Ecuador tăng trong khi giảm nhập khẩu tôm từ Trung Quốc trong cả năm 2016 và quý 1 năm nay. Trong quý 1/2017, nhập khẩu tôm từ Việt Nam, Thái Lan, Ecuador tăng lần lượt 5.3%; 24.7%; 4.1% trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 27.4% so với cùng kỳ năm 2016.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của tôm Việt Nam, sau Nhật Bản, EU, Mỹ và Trung Quốc; chiếm 10% tổng xuất khẩu tôm. Trong 5 năm (2010-2014), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc duy trì sức tăng trưởng khả quan. Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này và duy trì vị trí số 1 cho tới nay. Đây được coi là thị trường tiềm năng của các DN xuất khẩu tôm Việt Nam trong tương lai do nhu cầu và sức mua ổn định, giá xuất khẩu khá tốt.

Sau khi tăng trưởng không ổn định trong 4 tháng đầu năm 2016, kể từ tháng 5/2016 đến hết năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc luôn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2015. Cả năm 2016, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 13.6% so với năm 2015.

Bước sang năm 2017, sau khi giảm 12.2% trong tháng 1, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trưởng 2 con số lần lượt 72% và 52% trong tháng 2 và 3. Trong quý đầu tiên của năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 61.8 triệu USD; tăng 30.8% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam quý đầu năm nay.

Sau hơn 1 năm thực hiện Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế nhập khẩu thấp nhất (10%) so với các nguồn cung đối thủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12.5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%).

Cùng với VKFTA, thách thức mà Hàn Quốc dành cho tôm Việt Nam là sẽ siết chặt hơn về vấn đề chất lượng.

Ngày 16/12/2016, Cục Quản lý Chất lượng thủy sản Quốc gia (NFQS) thuộc Bộ Thủy sản và Hải Dương Hàn Quốc (MOF) đã thông báo một số điều chỉnh Luật Quản lý Dịch bệnh Thủy sản nhằm bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh của nước này. Theo đó, dự kiến kể từ 1/4/2017, tất cả thủy sản nuôi và tự nhiên nhập khẩu vào Hàn Quốc đều phải có chứng thư nhập khẩu do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Tất cả tôm ướp lạnh/đông lạnh (trừ tôm bỏ vỏ, bỏ đầu) sẽ phải kèm theo chứng thư nhập khẩu do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Tôm ướp lạnh và đông lạnh là một trong các mặt hàng thủy sản bị chỉ định kiểm dịch.

Tuy nhiên, ngày 06/4/2017, NFQS thông báo lùi thời điểm áp dụng những điều chỉnh luật trên và thời điểm áp dụng mới là ngày 01/4/2018 để các nước xuất khẩu có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc cấp chứng thư./.

Các tin tức khác

>   Thủ tướng phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia (07/06/2017)

>   Tiêu thụ 3.08 triệu tấn than trong tháng 5 (07/06/2017)

>   TPHCM: Thành lập Tổ công tác quản lý nợ chính quyền địa phương (07/06/2017)

>   Nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên nhảy vào dự án BOT Việt Nam (07/06/2017)

>   ​Giám sát chặt doanh nghiệp nhà nước vay vốn nước ngoài (07/06/2017)

>   Ban hành cơ chế tài chính thí điểm các dự án sử dụng vốn ODA ngành y tế (06/06/2017)

>   7-Eleven sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở TPHCM trong tháng 6 (06/06/2017)

>   VASEP: Xuất khẩu cá tra sang EU cần thay đổi chiến lược (06/06/2017)

>   Vinalines hợp tác với NYK Line phát triển dịch vụ vận tải và logistics (06/06/2017)

>   TPHCM: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển (06/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật