Thứ Bảy, 24/06/2017 10:46

Doanh nghiệp không chịu lớn hay lớn không nổi?

Mất 5 năm để xin giấy phép đủ điều kiện, cơ chế xin cho, chi phí đè nặng khiến doanh nghiệp không lớn nổi và không chịu lớn. Yêu cầu cấp thiết: trả lại quyền kinh doanh cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia tại diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2017” do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 22-6 kiến nghị cần cắt giảm chi phí, thêm ưu đãi vốn và nguồn lực khác, quyết liệt gỡ bỏ các rào cản chính sách, những điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý.

Doanh nghiệp không chịu lớn

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, với việc hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Tính đến 22-6-2017 có 61.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo bà Minh môi trường kinh doanh so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách lớn và các doanh nghiệp đang phải gánh nhiều chi phí không chính thức. 

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, cho rằng nhiều rào cản pháp lý đang gây khó khăn cho doanh nghiệp như các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, phòng cháy chữa cháy, tiếp cận đất đai, thị trường, tín dụng.

Hệ quả, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa với vốn bình quân 18 tỉ đồng, chỉ 3% có quy mô lớn.

“Phần lớn doanh nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, xây dựng mà ít tham gia lĩnh vực chế biến, chế tạo. Doanh nghiệp cũng ngày càng có ít niềm tin để mở rộng quy mô” - ông Tuấn nói.

Cơ chế xin - cho phải được loại bỏ

Để hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng giải pháp ngắn hạn là cần tập trung giảm chi phí trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính, giảm nhũng nhiễu, phiền hà. Gắn với đó cần có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng trên cơ sở doanh nghiệp phải cải thiện năng lực quản trị, minh bạch hoạt động, trình độ quản lý.

Đặc biệt, theo ông Hùng, về dài hạn cần trả lại quyền kinh doanh đúng nghĩa của doanh nghiệp, gạt bỏ những rào cản liên quan đến các điều kiện kinh doanh đang cản trở khối này phát triển.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cần tập trung tháo gỡ những nút thắt về điều kiện kinh doanh đang cản trở doanh nghiệp bởi mọi yêu cầu cải cách hiện mới chỉ mới “đôn đốc”, “thúc giục” các cơ quan thực hiện, chứ chưa có cải cách thực sự và nhiều bộ ngành vẫn muốn giữ quy định vì liên quan đến lợi ích ở đó.

Ông Hiếu cho rằng Chính phủ cần thành lập một cơ quan thực hiện nhiệm vụ rà soát, xóa bỏ các giấy phép không phù hợp, quy định bất hợp lý đang tạo rào cản với doanh nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy muốn cải cách giấy phép kinh doanh thành công phải thực hiện theo cách tiếp cận áp đặt từ trên xuống, còn nếu tiếp tục giao việc này cho các bộ, ngành và cơ quan liên quan thực hiện sẽ không thành công.

Ông Đậu Anh Tuấn đề xuất Chính phủ cần chủ động cải cách thể chế, chấm dứt cơ chế xin - cho, bao cấp vì cơ chế này chỉ mang lại lợi ích cho người nắm quyền trong bộ máy nhà nước. Những yêu cầu thực hiện trong nghị quyết chỉ mang tính kêu gọi, đôn đốc là không phù hợp, “lỗi thời”, mà phải yêu cầu cải cách quyết liệt từ chính các bộ máy thông qua cơ chế giám sát, ràng buộc trách nhiệm.

Mất 5 năm để xin phép điều kiện kinh doanh?

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện CIEM, dẫn chứng từ thực tế cho biết trong 243 điều kiện đầu tư kinh doanh được đưa ra có những quy định yêu cầu doanh nghiệp phải xin giấy phép trong 5 năm. Theo ông Hiếu, quy định như vậy đã gây ảnh hưởng lớn, tạo rủi ro và tác động đến hiệu quả đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170623/doanh-nghiep-khong-chiu-lon-hay-lon-khong-noi/1336437.html

Các tin tức khác

>   Cá tra xuất khẩu vẫn gặp khó (24/06/2017)

>   TPHCM kiến nghị được cấp lại 10% số thu từ hoạt động XNK (23/06/2017)

>   Ngành cá tra muốn lập quỹ ứng phó sự cố truyền thông ở châu Âu (23/06/2017)

>   Du lịch và áp lực tăng trưởng (23/06/2017)

>   Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá sợi polyester nhập khẩu từ Việt Nam (23/06/2017)

>   Doanh nghiệp tư nhân đối mặt với gánh nặng chồng chất (23/06/2017)

>   Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tiếp tục giảm phí BOT (23/06/2017)

>   Chú trọng xây dựng doanh nghiệp du lịch có thương hiệu (22/06/2017)

>   BHXH tìm cách đầu tư hiệu quả hơn (22/06/2017)

>   Thủ tướng đồng ý thí điểm xe 4 bánh chạy bằng điện chở khách du lịch (22/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật