Điều kiện cần và đủ để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, việc thu hồi được sân golf chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là chi phí đầu tư, thời gian xây dựng và phương án kết nối giao thông.
Một máy bay nước ngoài lăn trên đường băng ở Tân Sơn Nhất - Ảnh: Anh Quân
|
Xung quanh vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thu hồi đất sân golf trong sân bay để mở rộng dự án, và Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng các hạng mục phụ trợ trong sân golf để xem xét điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu phương án xây đường băng thứ 3 để giảm tải cho sân bay nhộn nhịp nhất tại Việt Nam này.
Các phương án xây thêm đường băng
Không phải đến bây giờ, việc xây đường băng thứ 3 mới được đề cập đến, từ khi có chủ trương xây sân bay Long Thành, các phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đã được đưa ra bàn thảo.
Sau khi có yêu cầu từ Thủ tướng, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, cục sẽ xây dựng đề án, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện nghiên cứu.
Đánh giá về phương án xây thêm đường băng thứ 3 mà Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, ông Thanh cho hay, vẫn có thể xây dựng đường băng này. Tuy nhiên, để làm được điều này còn liên quan đến chi phí, thời gian xây dựng, giải phóng mặt bằng và giao thông kết nối với sân bay.
Theo ông Thanh, vừa qua đơn vị tư vấn đã tính tới tất cả các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trong 7 phương án mà tư vấn đưa ra thì có đến 4 phương án tính tới việc xây đường băng thứ 3.
Trong đó, có phương án xây mới đường băng số 3 ở phía Bắc sân golf, cách đường băng hiện tại 1.800 mét. Song song với việc xây đường băng thứ 3 thì sẽ xây thêm 2 nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf. Tổng mức đầu tư ước tính của phương án này là 201.350 tỉ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm. Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là 626 héc ta, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 héc ta đất dân cư với khoảng 140.000 hộ dân.
Nếu xây đường băng số 3 về phía Bắc, cách đường băng hiện tại 1.500 mét thì tổng mức đầu tư là 187.265 tỉ đồng, ảnh hưởng đến khoảng 68.000 hộ dân, giải phóng mặt bằng 561 héc ta.
Còn xây đường băng số 3 cách đường băng hiện tại 760 mét thì tổng mức đầu tư là 152.425 tỉ đồng, ảnh hưởng khoảng 42.000 hộ dân, giải phóng mặt bằng 499,81 héc ta.
Một phương án khác là xây đường băng số 3 cách đường băng hiện tại 215 mét thì tổng mức đầu tư 100.961 tỉ đồng, ảnh hưởng khoảng 25.400 hộ dân, giải phóng mặt bằng 326,5 héc ta. Thời gian xây dựng các phương án nói trên đều kéo dài 10-15 năm.
Theo ông Thanh, khoảng cách giữa 2 đường băng song song hoạt động độc lập được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khuyến cáo cách tối thiểu là 1.750 mét. Đây là khoảng cách tối ưu, khoảng cách nhỏ hơn vẫn có thể cất hạ cánh được, song phải có các giải pháp điều hành bay phù hợp.
Tính khả thi của đường băng thứ 3
Việc xây đường băng thứ 3 có khả thi hay không hiện đang còn nhiều ý kiến trái chiều. Phát biểu tại Quốc hội hôm 8-6 Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, việc mở rộng Tân Sơn Nhất lên phía Bắc (trong đó có việc xây đường băng thứ 3) tính khả thi không cao do chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, khả năng ô nhiễm tiếng ồn và nhiều vấn đề khác.
Báo Giao thông dẫn lời ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), việc xây đường băng số 3 khó khả thi vì đường băng còn phải có 2 đầu bảo hiểm và tĩnh không. Các sân bay ở Úc, Nhật không cần quan tâm vấn đề này vì 2 đầu của sân bay đó là biển, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất hai đầu dày đặc dân cư.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc xây đường băng thứ 3 với chiều dài 2.600 mét về phía sân golf là hoàn toàn khả thi và không phải giải tỏa nhà dân.
Trao đổi với TBKTSG Online, cựu phi công Nguyễn Thành Trung, cho biết vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là thiếu nhà ga và sân đỗ. Nếu thu hồi được đất sân golf, thì nên xây nhà ga và sân đỗ ở phía Bắc thì sẽ giải quyết được vấn đề quá tải.
Với 2 đường băng hiện nay thì vẫn đủ đáp ứng nhu cầu, vấn đề còn lại là điều hành bay như thế nào. Đánh giá về phương án xây đường băng thứ 3, ông Trung cho rằng, đường băng này không cần dài như đường băng hiện tại, với chiều dài 2.600 mét là hoàn toàn khả thi cho các loại máy bay tầm trung cất, hạ cánh.
Việc các cơ quan chức năng cho rằng sân bay ở Nhật và ở Úc không cần tĩnh không 2 đầu vì hai bên là biển, theo ông Trung ý kiến này là chưa chính xác. "Sân bay Narita ở Nhật một đầu cách biển 7-8 km, khi vào đất liền cũng bị vướng nhà dân. Sân bay này hiện nay cũng không thể kéo dài đường băng do vướng nhà dân. Với đường băng 2.400 mét, sân bay này vẫn khai thác bình thường", ông Trung nói.
Còn ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công đoàn bay 919) cho biết, việc làm đường băng thứ 3 vẫn khả thi mà không phải giải tỏa nhà dân. Ông cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã có đường băng dài 3.800 mét, với nhiều loại máy bay thì đường băng dài dành cho máy bay lớn, còn đường băng ngắn dành cho máy bay trung bình nên việc làm đường băng dài 2.600 mét là hoàn toàn khả thi.
Có thể thấy rằng, để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm sự quá tải hiện nay thì phải xây dựng thêm nhà ga, sân đỗ, giao thông kết nối đến sân bay. Việc có đất để mở rộng mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải bố trí đủ vốn và thời gian xây dựng nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu khi lượng khách đi lại bằng đường hàng không mỗi năm một tăng.
Việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần được cân nhắc thiệt hơn, tính toán phương án khả thi trong điều kiện cho phép, đặc biệt trong bối cảnh việc tìm được đủ nguồn vốn để thực hiện dự án là rất khó, nhằm giải quyết nhanh tình trạng quá tải dưới đất lẫn trên trời tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.
http://www.thesaigontimes.vn/161363/Dieu-kien-can-va-du-de-mo-rong-san-bay-Tan-Son-Nhat.html
|