ĐHĐCĐ Vocarimex: Bán Tường An vì sinh tồn, kế hoạch lãi 2017 đạt 200 tỷ đồng
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Tổng Công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, VOC) tổ chức sáng ngày 14/06 đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Trong năm 2016, Vocarimex quyết định bán Tường An vì vấn đề sinh tồn.
Kế hoạch lãi sau thuế 200 tỷ đồng, sẽ niêm yết lên HOSE
Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với sản lượng 260,000 tấn, tổng doanh thu 4,450 tỷ và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 12%.
Các chỉ tiêu sản lượng và doanh thu đều tăng so với thực hiện năm trước nhưng lợi nhuận lại giảm, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu – Tổng giám đốc Vocarimex cho biết, năm 2016 KDC ghi nhận khoản lợi nhuận tài chính từ việc bán cổ phiếu TAC của Dầu thực vật Tường An nhờ chênh lệch giá tương đối lớn so với giá trị sổ sách nhưng lợi thế này sẽ không còn vào năm 2017.
Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong thời gian tới với Vocarimex là rất khốc liệt. Trong đó, thuế tự vệ (ATIGA) mặt hàng dầu thực vật từ mức 2% (giai đoạn tháng 5/2016-5/2017) đã về còn 0% từ tháng 5/2017, do đó người người nhà nhà đều có thể nhập khẩu dầu tinh luyện, thêm công thức là có thể bán thành phẩm.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của Vocarimex cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ tỷ giá đồng ringit do nhập khẩu dầu nguyên liệu (dầu cọ) từ Malaysia. Bà Liễu nhận định tỷ giá giảm thì giá nguyên liệu tăng, và nhiều đơn vị khác đã phải trả giá cho rủi ro này. Tuy nhiên, CTCP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) đã hỗ trợ Vocarimex trong việc quyết định thời điểm mua dầu cọ để kiểm soát về giá nguyên liệu nhập khẩu.
Về cách quản lý giá dầu, Vocarimex mua nguyên liệu ở nước ngoài vì Việt Nam không có vùng nguyên liệu thích hợp để phát triển. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào của Vocarimex được hỗ trợ nhiều từ KDC với một nhóm chuyên kiểm soát biến động giá dầu cọ (phụ thuộc Malaysia và Indonesia), dầu nành (phụ thuộc Brazil, Achentina), dầu mè (phụ thuộc từ Ấn Độ). Riêng ở Malaysia và Indonesia, Vocarimex quan tâm đến sự tăng giảm của đồng ringit. Với dầu nành năm qua cũng biến động và có lúc khan hiếm hàng nhưng Vocarimex đã có kế hoạch đặt hàng từ trước.
Chia sẻ về việc trồng vùng nguyên liệu, bà Liễu cho biết Vocarimex đã làm nhiều lần rồi nhưng không thành công do phụ thuộc thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết, dầu cọ không thể trồng ở Việt Nam được. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng “một ngày nào đó Vocarimex sẽ mua các nông trường trồng cọ dầu ở Malaysia, Indonesia”.
ĐHĐCĐ thường niên của Vocarimex tổ chức sáng ngày 14/06/2017
|
Theo bà Liễu, Công ty mới bước đầu vào dòng chảy kinh doanh 2 năm nay, Vocarimex đã quyết định tái cấu trúc, thay đổi nhận dạng thương hiệu, phát triển sản phẩm. Vocarimex cũng tái cấu trúc biên lợi nhuận không phải bằng tăng giá bán mà giảm giá thành, tập trung khai thác phân khúc cao cấp.
Đồng thời, Vocarimex cũng tiếp tục tái cơ cấu để niêm yết lên sàn HOSE. Bản thân Vocarimex muốn lên HOSE sớm để có điều kiện huy động vốn cho kinh doanh. Tuy nhiên, cơ cấu vốn của Vocarimex còn 36.3% của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Nhà nước (SCIC) nên lộ trình niêm yết còn phải bàn lại với SCIC. Bên cạnh đó, Vocarimex cũng đang quá trình tái cơ cấu để có chỉ số kinh doanh hiệu quả nhất nhằm lên sàn trong điều kiện tốt hơn.
Đã thanh toán hết nợ với Nhà nước, bán Tường An vì vấn đề sinh tồn
Chia sẻ tại đại hội, bà Liễu cho biết những năm trước Vocarimex gặp không ít khó khăn.
Trước đó, khi cổ phần hóa từ năm 2015, Vocarimex không có chứng chỉ nào về chất lượng, sau khi có được các chứng nhận này (Halal, Kosher, Haccp), nhiều khách hàng mới tìm đến Công ty.
Về dòng vốn hoạt động, trong lần định giá thứ 2 về cổ phần hóa, sau khi đánh giá lại các khoản đầu tư, Vocarimex phải nộp một khoản tiền không nhỏ cho Nhà nước và âm vốn lưu động (nếu không nộp khoản tiền này đúng hạn sẽ bị “đánh” lãi suất 18%). Do khó khăn này nên hiệu suất sử dụng tài sản của Vocarimex trong năm 2015 là khá thấp, trong 100 đồng tài sản tạo ra 2.1 đồng lợi nhuận. Nhưng đến năm 2016, trong 100 đồng tài sản của Vocarimex đã tạo ra 11.8 đồng lợi nhuận. Và nhờ hoạt động hiệu quả trở thành bàn đỡ giúp Công ty thoát khỏi “nút thắt cổ chai” khó khăn về vốn lưu động, Vocarimex cho biết đến thời điểm này đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.
Chia sẻ thêm về câu chuyện cổ phần hóa, tại thời điểm Vocarimex chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), giá bán cho công nhân viên chỉ 10,000 đồng/cp nhưng không phân phối hết và Nhà nước phải mua thêm với tỷ lệ 0.3% vốn. Tuy nhiên, sau đó Vocarimex đã lên UPCoM đúng thời hạn, giá cổ phiếu cũng đã tăng đáng kể, hiện đang tạm ở mức 26,000 đồng/cp.
Về kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2016, Vocarimex đạt sản lượng tiêu thụ 250,140 tấn, giảm 2% so với năm trước. Đại diện Vocarimex cho biết đã có chính sách tăng giá bán và cơ cấu lại các kênh phân phối sản thẩm theo hướng tăng bán lẻ và bán công nghiệp cho phù hợp chiến lược thị trường.
Tổng doanh thu của Công ty trong năm 2016 đạt 4,156 tỷ, tăng trưởng 16%. Lợi nhuận sau thuế của Vocarimex cao gấp 5 lần so với năm trước đó, đạt 272 tỷ đồng (lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 60 tỷ, còn lợi nhuận tài chính gồm cổ tức và chuyển nhượng vốn là 212 tỷ đồng). Tỷ lệ cổ tức cho năm 2016 là 10% bằng tiền, tương đương 121.8 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Vocarimex đã giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dầu Thực vật Tường An (HOSE: TAC) từ 51% xuống 27% vốn. Tâm sự thêm về việc thoái bớt vốn tại Tường An, bà Liễu cho biết Vocarimex không thể thoái các khoản đầu tư tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (Marvela), CTCP Dầu thực vật Tân Bình (nakydaco)… vì hoạt động của các đơn vị này hiệu quả không cao. Vocarimex đi đến quyết định thoái vốn tại Tường An vì vấn đề sinh tồn để phát triển.
Công ty cũng công bố chuyển nhượng phần đầu tư tại Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc (Nortalic) cho Musim Mas với giá 8 triệu USD (tương đương 180 tỷ đồng) trong năm 2016.
Ngược lại, Vocarimex cũng tăng nắm giữ tại CTCP Bao bì Dầu thực vật (HOSE: VPK) từ 48.65% lên 51.05%. Đồng thời, Vocarimex cũng tăng vốn đầu tư tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) và tại Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina.
Trong năm 2017, Vocarimex cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn tại công ty liên kết kinh doanh không hiệu quả./.
|