Đằng sau sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng
Năm 2017 chưa đi qua nửa chặng đường, nhưng ngành ngân hàng đã ghi dấu những kết quả khởi sắc song hành cùng giá cổ phiếu liên tục bứt phá, là lực đẩy chính tạo đà tăng điểm và thanh khoản cho toàn thị trường thời gian gần đây.
* Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu
Tính riêng trong tuần vừa qua (12-16/06/2017), cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục giữ vai trò trụ cột, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của thị trường chung khi tăng trưởng vốn hóa 3%, các mã tiêu biểu như SHB (+2.8%), BID (+4.8%), VCB (+2.9%), MBB (+0.7%), ACB (+0.8%), CTG (+5.2%) và NVB (+5.6%).
Giá cổ phiếu BID và CTG chốt phiên giao dịch 21/06 đều trên mức 20,000 đồng/cp, lấy lại phong độ khi đánh mất mốc này sau hơn 1 năm và tăng xấp xỉ 35% so với thời điểm đầu năm 2017. VCB cũng tăng khá mạnh và đang cận kề ngưỡng 40,000 đồng/cp.
Cổ phiếu MBB đang dừng ở mức 20,900 đồng/cp, mức cao nhất từ khi niêm yết vào tháng 11/2011. Cổ phiếu ACB cũng đạt đỉnh tính từ 2010 trở lại đây và đang áp sát ngưỡng 27,000 đồng/cp. VIB tăng 40% giá trị từ khi chào sàn đầu tháng 1/2017 lên 23,000 đồng/cp.
Riêng NVB tăng mạnh 100% so với đầu năm 2017 lên gần 10,000 đồng/cp sau một thời gian nằm dài trong khoảng 4,000-6,000 đồng/cp. EIB tăng 31% lên 13,400 đồng/cp.
STB và SHB tăng xấp xỉ khoảng 70%, hiện đang giao dịch tương ứng ở mức 14,600 đồng/cp và 7,700 đồng/cp. Hai cổ phiếu này đồng thời có khối lượng giao dịch nhiều nhất hai sàn HOSE, HNX trong phiên giao dịch hôm nay (21/06), tương ứng đạt 7.7 triệu và 16.7 triệu cp.
Tăng trưởng giá và khối lượng giao dịch trung bình ngày của nhóm cổ phiếu
ngành ngân hàng từ đầu năm 2017
Đơn vị tính: cp, %
|
Đi cùng với đà tăng của giá cổ phiếu, hoạt động giao dịch cổ phiếu ngân hàng những tuần gần đây diễn ra khá sôi động. Điển hình như đợt sang tay hơn 57 triệu cp EIB trong 3 phiên liên tiếp 06-08/06, riêng phiên ngày 08/06 có khối lượng giao dịch thỏa thuận lên tới 53.6 triệu cp ở mức giá trần, tương đương giá trị gần 670 tỷ đồng. Trước đó, cổ phiếu EIB cũng ghi nhận những phiên có khối lượng “trao tay” khá lớn vào cuối tháng 3/2017 (13.7 triệu cp) và cuối tháng 12/2016 (22 triệu cp).
Hay gần đây nhất, phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/06, lượng cổ phiếu STB khớp lệnh đạt hơn 15.3 triệu đơn vị, mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng gần đây, tương đương giá trị 213 tỷ đồng. Trước đó ngày 13/06, thị trường chứng kiến gần 16 triệu cp STB được “trao tay” thông qua giao dịch thỏa thuận và gần 5.4 triệu đơn vị khớp lệnh, tổng giá trị giao dịch của phiên đạt 279 tỷ đồng.
Thanh khoản cổ phiếu MBB cũng tăng đáng kể lên hàng triệu đơn vị mỗi phiên kể từ cuối tháng 4. Có những phiên giá trị khớp lệnh đạt trên 100 tỷ đồng, lượng cổ phiếu giao dịch thành công đạt 5 đến 6 triệu đơn vị.
Tín dụng khởi sắc, 5 tháng đầu năm lãi lớn
Trải qua gần nửa chặng đường của năm 2017, bên cạnh những tin tốt như Moody’s nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam và xếp hạng triển vọng 8 ngân hàng thương mại từ ổn định lên tích cực, mở rộng tín dụng hiệu quả,… một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm với những con số đáng ghi nhận.
Điển hình như BIDV với lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm đạt 3,200 tỷ đồng, thực hiện 41% kế hoạch năm. Dư nợ tín dụng gần 790 ngàn tỷ đồng, huy động vốn 826 ngàn tỷ đồng; tăng lần lượt 7% và 4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV giảm từ 2.14% cuối quý 1/2017 xuống 1.64%. Năm 2017, Ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7,750 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 7%.
Hay như Sacombank, lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm đạt trên 400 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ và tương đương 90% kế hoạch cả năm. Huy động vốn của Ngân hàng tăng 8%, đạt trên 312 ngàn tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 213 ngàn tỷ đồng, tăng 9%. Sau nhiều thông tin xáo trộn về nhân sự và hoãn đại hội, cuối tháng 6 này, Sacombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2015, 2016.
Với LienVietPostBank, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 tổ chức ngày 05/06 vừa qua, ông Dương Công Minh – Nguyên Chủ tịch Ngân hàng cho biết tính đến ngày 31/05/2017, tổng vốn huy động đạt 137 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ trên 94 ngàn tỷ. Lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm đạt trên 730 tỷ đồng và ước tính nửa đầu năm đạt 900 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm.
Đặc biệt, trong vòng 5 năm trở lại đây, hiếm có năm nào mà tín dụng cho những tín hiệu khởi sắc rõ rệt ngay từ đầu năm như 2017. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/05 đạt mức 6.53% (tăng 0.77% so với cuối tháng 4 và cũng cao hơn mức 5.22% của cùng kỳ năm 2016).
Trong những cuộc họp từ cuối năm 2016, NHNN đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải xem xét đẩy mạnh vốn cho vay hỗ trợ nền kinh tế trải đều ra các tháng, tránh tình trạng chỉ tập trung dồn vốn cho các tháng cuối năm. Thêm vào đó, bản thân một số ngân hàng sau khi đã tạm “yên tâm” với việc xử lý nợ xấu trong năm 2016 cũng mạnh dạn tăng cường cho vay trở lại nhằm tăng thị phần cũng như tăng doanh thu, lợi nhuận.
Riêng một số nhà băng như VIB, LienVietPostBank,… dự kiến tăng trưởng tín dụng vượt mức và sẽ xin phép NHNN nới thêm chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình hoạt động của ngân hàng thay vì mốc tăng trưởng tín dụng tối đa 16% trong năm 2017 mà NHNN đã phê duyệt.
Bấm nút thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu
Sáng ngày 21/06, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã nhất trí thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, phạm vi nợ xấu để xử lý theo Nghị quyết là khoản nợ hình thành trước ngày 15/08/2017. Bên cạnh đó, các vấn đề cơ bản của nghị quyết đã được đồng thuận, trong đó có những điểm đáng chú ý như không dùng ngân sách xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu; các thủ tục về kê biên tài sản đảm bảo; trao quyền xử lý tài sản đảm bảo (những tài sản không có tranh chấp, không nằm trong các vụ án) cho các tổ chức tín dụng,...
Theo CTCK Bảo Việt (HNX: BVS), đây là thông tin tích cực đối với ngành ngân hàng nói chung cũng như các ngân hàng đang còn nhiều nợ xấu nói riêng (điển hình như BID, STB trên sàn niêm yết). Các cổ phiếu ngân hàng hoàn toàn có khả năng duy trì xu hướng tích cực khi những chuyển biến về xử lý nợ xấu nhờ nghị quyết trên thực sự diễn ra trong thực tế.
Trước thời điểm thông qua Nghị quyết, CTCK MB (HNX: MBS) cũng đã nhìn nhận rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng giá khi Quốc hội chính thức thông qua chính sách mới về xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Việc nhóm này còn dư địa tăng giá sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chung trong tháng 6/2017./.
|