Cổ phiếu NTB giao dịch lạ, kỳ vọng gì cho tương lai?
Thời gian gần đây, cổ phiếu NTB có diễn biến giao dịch rất lạ và khối lượng giao dịch cũng khá đột biến. Trên thị trường bắt đầu xuất hiện thông tin cho rằng NTB đang bước vào cuộc đại phẫu thuật.
Khó khăn kéo dài từ trước lúc lên sàn
Khi bạn đọc bài viết này, giá cổ phiếu NTB trên thị trường đang giao dịch tại mức 900 đồng/cp, tức nhà đầu tư bỏ ra chưa đến 1,000 đồng để mua 1 cổ phiếu của một Công ty có vốn gần 400 tỷ đồng. Thoạt thấy có vẻ quá rẻ nhưng thực sự thì…
CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (NTB) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO 5). Công ty được thành lập năm 1999 với hoạt động chủ yếu là thi công cầu đường và hạ tầng cơ sở. Đến năm 2004 Công ty mới chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản. Năm 2007, NTB chuyển đổi hình thức thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Sau đó, qua 3 lần tăng vốn bằng 3 đợt chào bán cổ phần riêng lẻ cho các cổ đông sáng lập và đối tác chiến lược là CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS), CTCP Tập đoàn T &T, CTCP Đầu tư Hưng Phát (Hpic), NTB nâng vốn điều lệ lên 360 tỷ đồng vào đầu năm 2010. Tính đến thời điểm niêm yết (17/05/2010), cổ đông sáng lập của NTB là 22 cá nhân, nắm giữ 3,247,500 cp, tương ứng 8.43%, SHS nắm giữ 9.9%, T&T cũng nắm giữ 11.11%,…
Khi lên sàn, NTB mang theo 11 dự án bất động sản đang triển khai cùng hàng loạt công trình giao thông, xây lắp khác.
Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của NTB trước lúc lên sàn đã có nhiều khó khăn khi năm 2007 thua lỗ do kinh doanh dưới giá vốn, năm 2008 lãi ròng nhẹ 4.4 tỷ đồng nhưng mảng bất động sản vẫn thua lỗ gần 4.5 tỷ đồng. Đến năm 2009, NTB đạt lãi ròng hơn 75 tỷ đồng, tăng đáng kể nhưng thực tế hoạt động kinh doanh chính còn tệ hơn năm 2008 (lãi thuần chỉ hơn 1 tỷ đồng) và Công ty đã phải nhờ lợi nhuận từ chuyển nhượng quyền góp vốn hai dự án là Khu dân cư - Căn hộ cao cấp 584 Lilama SHB Plaza tại quận Gò Vấp và 584 Lilama SHB Building tại quận Tân Phú cho CTCP Đầu tư Xây dựng Lilama SHB.
Năm 2010, NTB đạt doanh thu gần 437 tỷ đồng và lãi ròng 39 tỷ đồng, giảm đáng kể so với năm 2009 và chỉ thực hiện lần lượt 38% và 27% kế hoạch đề ra. Cũng vào năm này, nhiều dự án của NTB phải dừng triển khai do không điều chỉnh được cao tầng, đối tác ngừng hợp tác hay dự án quy mô lớn và khó khăn trong việc triển khai. Ngoài ra, mảng xây lắp do khó khăn nên NTB đã không còn tập trung vào, doanh thu lĩnh vực xây lắp theo đó từ 2009 đã không còn.
Không chỉ vậy, một yếu tố nữa sau này trở thành gánh nặng chính cho NTB chính là nợ vay. Do thời gian này, nền kinh tế bắt đầu đối mặt nhiều khó khăn, lạm phát hai con số và lãi vay cho các đơn vị bất động sản có khi lên đến 30%/năm. Tại NTB, nợ vay ngân hàng từ con số 524 tỷ đồng năm 2008 đã lên đến hơn 1,000 tỷ đồng cuối năm 2010.
Kết quả kinh doanh và một số chỉ tiêu tài chính NTB 2007-2010
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra
Như một hệ quả tất yếu, những khó khăn chung của thị trường cùng với việc phải gia tăng nợ vay để duy trì hoạt động (dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh liên tục âm từ 2008-2010) khiến NTB chính thức “ngã ngựa” vào năm 2011 - tức 1 năm sau khi niêm yết. Trong năm này, doanh thu vẫn tăng nhẹ so năm trước, đạt gần 333 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng mạnh lên 331 tỷ đồng khiến lãi gộp của NTB chỉ còn chưa đến 2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi vay mà NTB phải trả trong năm 2011 ở mức 17 tỷ đồng (chưa tính khoản lỗ chênh lệch tỷ giá gần cả 100 tỷ đồng) khiến Công ty lỗ thuần gần 32 tỷ đồng. Lỗ ròng năm 2011 hơn 1 tỷ đồng. Điểm tích cực của NTB trong năm 2011 là đã giảm được phần nào dư nợ vay ngân hàng xuống còn 880 tỷ đồng từ con số hơn 1,000 tỷ đồng vào đầu năm.
NTB tiếp tục bộc lộ những khó khăn. Năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng, rồi đến năm 2013 lỗ nặng gần 326 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2012, nợ quá hạn ở mức 246 tỷ đồng, các dự án có bị giải chấp hay không sẽ tùy thuộc vào các tổ chức tín dụng. Kiểm toán khi đó cũng từ chối đưa ra ý kiến dẫn đến cổ phiếu NTB chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc từ 23/07/2013.
Từ đó đến nay, NTB báo lỗ “đều đều”, tính đến năm 2016 thì đã ghi nhận 6 năm liền, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu 670 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của NTB từ 2010-2016 (Đvt: Tỷ đồng)
Cùng với kết quả thua lỗ, hàng loạt dự án của NTB lúc này bị đình trệ, sa lầy, chẳng hạn như vụ việc tố cáo, khởi kiện kéo dài của khách hàng do các dự án liên doanh với Công ty Lilama SHB từ năm 2009, bao gồm dự án Trịnh Đình Trọng và dự án phường 6 Gò Vấp bị đình trệ, giao nhà không đúng kế hoạch cho khách hàng. Dự án Tân Kiên đã ký kết biên bản thỏa thuận để chuyển đổi thành bệnh viện, tuy nhiên mới chỉ thực hiện được một phần mà không được triển khai tiếp. Dự án bị sa lầy, phải tạm dừng từ năm 2011 và đến nay vẫn còn hơn 300 khách hàng bị mắc kẹt. Hiện các bên NTB - Ngân hàng BIDV - Công ty Đầu tư Y tế Việt Nam vẫn chưa có phương án giải quyết.
Còn hai dự án hợp tác là Phú Sơn Thuận và Hưng Điền, tuy được thế chấp bằng tài sản của đối tác nhưng nợ vay ngân hàng và lãi phát sinh quá lớn và kéo dài, đã hình thành các khoản nợ xấu khiến Công ty không còn đủ điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn vay mới. NTB đang khởi kiện CTCP Đầu tư Tấn Hưng tại Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh để thu hồi số tiền góp vốn dư 140 tỷ đồng tại dự án Hưng Điền và đàm phán với Công ty Phú Sơn Thuận để xử lý phần vốn góp tại dự án này.
Mới đây thì UBND TP.HCM quyết định tạm ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới cho CTCP đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (gọi là Công ty 584) cho đến khi giải quyết xong các tồn tại của các dự án cũ.
Từ giao dịch lạ gần đây cho đến tia hy vọng mong manh
Sau khi hủy niêm yết vào tháng 7/2013, đến ngày 16/01/2014, NTB chính thức giao dịch trên UPCoM. Tất nhiên, giá chào sàn UPCoM của NTB không còn huy hoàng như lúc lên sàn HOSE vào năm 2010 nữa (42,000 đồng/cp) mà chỉ còn 2,500 đồng/cp. Thậm chí sau đó thì NTB còn giảm về mức kỷ lục là 300 đồng/cp trong phiên 19/08/2016.
Cũng từ mức thấp kỷ lục này, cổ phiếu NTB bắt đầu hồi phục nhẹ trở lại, hiện giao dịch tại mốc 1,000 đồng/cp. Nhưng điều đáng nói là diễn biến giao dịch NTB đang khá lạ.
Trong khoảng 2 năm đầu lên sàn UPCoM, giao dịch của NTB mặc dù không quá sôi động nhưng vẫn đều đều khoảng hơn 50,000 đơn vị/phiên. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, giao dịch cổ phiếu NTB diễn ra theo một nhịp điệu rất đều đặn: cứ sau khoảng 4 phiên không có giao dịch thì lại có 1 phiên giao dịch đột biến về khối lượng.
Riêng trong 1 tháng qua, chỉ trong 4 phiên giao dịch, tổng khối lượng giao dịch NTB đạt hơn 12 triệu cp, chiếm gần 31% vốn điều lệ của Công ty ở thời điểm hiện tại.
Biến động cổ phiếu NTB trong 1 tháng qua
Trước diễn biến lạ của NTB, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin cho rằng hiện Công ty này đang có “biến”. Thực tế những đồn đoán này không phải là thiếu cơ sở, bởi ngoài yếu tố giao dịch lạ ra thì việc NTB thông báo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 sau nhiều năm liền không thực hiện việc này (kể từ năm 2012) cũng rất đáng chú ý.
Được biết, cả hai lần đầu tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 của NTB đều không thể thực hiện do không đủ tỷ lệ tham dự như quy định. Theo tài liệu gửi đến cổ đông, ngoài các dự án đình trệ, đang vướng khiếu kiện thì có một dự án của NTB vẫn tiếp tục được ngân hàng chấp nhận giải ngân 740 tỷ đồng để triển khai, đó là dự án Tổ hợp cao ốc Xi Grant – Court hợp tác với Công ty Phú Sơn Thuận.
Theo NTB, trong quý 2/2017 này có thể tạm ứng trước lợi nhuận hơn 19 tỷ đồng từ góp vốn hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp xao ốc Xi Grant – Court với Công ty Phú Sơn Thuận.
Ngoài ra, về phương hướng nhiệm kỳ 2017-2022, trước mắt Công ty sẽ giải quyết bằng biện pháp kiện tòa để thu hồi vốn đang bị đối tác chiếm giữ. Cụ thể, thu hồi 140 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư Tấn Hưng, hơn 37 tỷ đồng từ Công ty TNHH Xây dựng TM Địa ốc Lê Đạt.
Không thể phủ nhận là ở NTB vẫn còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng nếu quý 2 này công ty bắt đầu có lợi nhuận như kỳ vọng thì đó cũng là một tia hy vọng nhỏ nhoi để nhà đầu tư bám lấy mà tiếp tục đồng hành với Công ty./.
|