Vì sao đồng USD đánh mất đà tăng?
Việc Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ và các cam kết thức hiện chương trình “Nước Mỹ Trước tiên” đã đẩy đồng USD lên đỉnh 13 năm, CNNMoney cho hay.
Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã mất gần như tất cả đà tăng kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.
Chưa dừng lại ở đó, đồng USD còn giảm sút so với các đồng tiền chủ chốt khác trong ngày thứ Ba. Cụ thể, đồng euro vọt 1% lên 1.109 USD, mức cao nhất kể từ những ngày trước cuộc bầu cử ngày 08/11/2016.
Tương tự, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – rơi xuống mức chưa từng thấy kể từ sau ngày bầu cử.
Vậy tại sao đồng USD lại đánh mất đà tăng? Các nhà phân tích tiền tệ đã chỉ ra hàng loạt lý do, bao gồm sự nhẹ nhõm của nhà đầu tư về kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ ảm đạm trong quý 1/2017, và mối lo lắng về khả năng thực hiện chương trình nghị sự kinh tế của Donald Trump.
“Hiện nay, yếu tố chi phối chính là việc Trump đang đối mặt với một mối nguy cơ đang hiện hữu ở đây”, Karl Schamotta, Giám đốc bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu tại Cambridge Global Payments, cho hay.
Ông Schamotta chỉ ra sự bất ổn chính trị từ các báo cáo cho thấy Donald Trump đã tiết lộ thông tin tối mật với một quan chức Nga.
Win Thin, Chiến lược gia tiền tệ tại Brown Brothers Harriman, cũng cho rằng sự suy yếu của đồng USD một phần là do tranh cãi về sự việc trên.
Trong một báo cáo công bố vào ngày thứ Ba, ông Thin cho hay thông tin trên không chỉ làm nổi bật lên mối lo ngại về quan hệ giữa Mỹ và Nga mà còn được xem là yếu tố tác động tiêu cực đến chương trình nghị sự của Donald Trump.
Các đề xuất kinh tế của Donald Trump – bao gồm cắt giảm mạnh thuế, nới lỏng quy định và gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng – đã nhấc bổng đồng USD sau cuộc bầu cử, vì nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng các chính sách này có thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự của Donald Trump đã bị trì hoãn bởi các vấn đề về chính trị, điển hình là thất bại trong việc bác bỏ và thay thế đạo luật Obamacare.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tiền tệ khác lại đưa ra một quan điểm trái ngược rằng sự trượt dốc của đồng USD hầu như không liên quan đến Donald Trump. Họ đưa ra dẫn chứng về việc thị trường chứng khoán Mỹ vẫn không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của Donald Trump, trong đó S&P 500 tiến lên mức cao kỷ lục vào ngày thứ Ba.
Peter Boockvar, Chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu tại The Lindsey Group, cho biết câu chuyện của Donald Trump không phải là yếu tố chính chi phối đồng USD.
Thay vào đó, ông Boockvar tin rằng đồng USD đã bị tác động nặng nề bởi sự thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu và chính sách của các ngân hàng trung ương. Ông cho rằng việc cán cân thương mại châu Âu thặng dư kỷ lục trong tháng 3/2017 – kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nhảy vọt 13% – đã giúp đồng euro tăng vọt, qua đó tác động tiêu cực đến đồng USD.
Trong lúc nền kinh tế châu Âu bắt đầu tăng trưởng trở lại thì nền kinh tế Mỹ lại tăng trưởng khá chậm chạp trong 3 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2017 chỉ là 0.7%, mức thấp nhất trong 3 năm. Con số này còn cách quá xa so với mức tăng trưởng 3-4% mà ông Trump đã cam kết.
Một sự khác biệt lớn khác giữa Mỹ và châu Âu là đồng euro gần đây đã hưởng lợi từ các thông tin chính trị tích cực. Pháp đã thở phào nhẹ nhõm sau khi ông Emmanuel Macron giành chiến thắng trước đối thủ Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, qua đó loại trừ mối nguy cơ quốc gia này từ bỏ đồng euro.
Sự giảm sút của đồng USD có lẽ không phải là thông tin tốt đối với những người Mỹ đang dự định đi nước ngoài, nhưng lại là thông tin tích cực đối với các công ty đa quốc gia lớn đang bán hàng hóa ở nước ngoài, như Nike và Apple. Đồng USD suy yếu sẽ làm iPhone trở nên rẻ hơn đối với những người sử dụng đồng tiền khác./.
|