VGC: 2019 sẽ chuyển niêm yết sang HOSE
Phát hành 120 triệu cổ phiếu với mức đấu giá khởi điểm 12,300 đồng/cp vào cuối tháng 5/2017, nới room ngoại sau khi được UBCKNN cho phép và dự kiến chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE, là những nội dung được bàn luận tại hội thảo “Chào bán ra công chúng 120 triệu cổ phiếu Tổng Công ty Viglacera – VGC” diễn ra ngày 05/05/2017.
Ngày 29/05/2017, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HNX: VGC) sẽ phát hành 120 triệu cổ phiếu phổ thông với mức đấu giá khởi điểm là 12,300 đồng/cp, thấp hơn 19% so với thị giá hiện tại 15,200 đồng/cp (05/05). Tỷ lệ phát hành đạt 28.1%, theo đó VGC dự kiến thu về 1,476 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ mức 3,070 tỷ lên 4,270 tỷ đồng.
Dự án KCN Yên Phong mở rộng được xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh, tổng diện tích đạt 314 ha, trong đó diện tích cho thuê đạt 190 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 2,900 tỷ đồng, được chia làm 4 giai đoạn; dự kiến giai đoạn 1 (64 ha) trong quý 3/2017.
|
Về mục đích sử dụng vốn phát hành, phía Công ty cho biết sẽ chi 692 tỷ (tương đương 47% tổng vốn thu về) để đầu tư dự án Khu Công nghiệp (KCN) Yên Phong mở rộng.
Đồng thời, Công ty sẽ chi 310 tỷ đầu tư dây chuyền sản xuất Kính nổi siêu trắng giai đoạn 1 Khu Công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu),chi 292 tỷ đầu tư xây dựng Nhà máy Sứ Viglacera Mỹ Xuân (Bà Rịa – Vũng Tàu), đầu tư dự án Khu Công nghiệp Đồng Văn IV giai đoạn 2 chiếm 154 tỷ đồng vốn thu về. 28 tỷ còn lại VGC sẽ sử dụng để bổ sung vốn lưu động cho Công ty.
Kế hoạch cho năm 2017, trong tháng 10 VGC cũng dự định phát hành tối đa 21.35 triệu cổ phiếu esop cho cán bộ công nhân viên (tương đương 5% vốn điều lệ tại cùng thời điểm). Về mức giá phát hành, ban lãnh đạo cho biết sẽ tùy thuộc vào giá trị sổ sách của Công ty tại thời điểm 30/09/2017 mới có quyết định cụ thể.
Tại hội thảo, VGC cũng có chia sẻ thêm về vấn đề nới room ngoại lên 100% cũng như kế hoạch chuyển niêm yết sang sàn HOSE. Cụ thể, theo quy định hiện tại tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Công ty tối đa đang ở mức 49%. Tuy nhiên, tương lai Công ty sẽ cân nhắc vấn đề nới tỷ lệ này lên 100% nếu được sự chấp thuận của UBCKNN. Đồng thời, dự kiến đến năm 2019, đại diện VGC cho biết sẽ có kế hoạch chuyển niêm yết từ sàn giao dịch HNX sang sàn HOSE.
Giảm dần vốn sở hữu Nhà nước
Trong cơ cấu cổ đông VGC, hiện tại Bộ Xây dựng đang nắm giữ 78.82% vốn điều lệ tại VGC,và con số này sẽ giảm xuống còn 56.67% sau đợt phát hành này.
Trước đó hồi tháng 3/2017, Chính phủ có công bố Bộ Xây dựng sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ VGC đến hết năm 2019. Phát biểu tại hội thảo, ông Luyện Công Minh – Chủ tịch HĐQT cho biết sẽ giảm dần tỷ lệ của Bộ Xây dựng tính đến năm 2019, sau đó dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 51% bắt đầu từ năm 2020.
Ngoài ra, tỷ lệ nắm giữ nhà đầu tư nước ngoài tại VGC chiếm 9.15% vốn, trong đó nhà đầu tư tổ chức chiếm 8.84% và nhà đầu tư cá nhân chiếm 0.31%.
Cơ cấu cổ đông của VGC tính đến ngày 31/12/2016
|
“Biên lợi nhuận tại dự án KCN 15-18% là tương đối”
Đó là nhận định của ông Trinh khi nhà đầu tư so sánh biên lợi nhuận đầu tư KCN của VGC so với các dự án KCN khác trên thị trường (tương đương 30%). Ông Trinh nhấn mạnh, biên lợi nhuận tại các dự án KCN của VGC hiện tại trong khoảng 15-18% là con số tương đối ổn định, riêng tại dự án KCN Yên Phong mở rộng đạt đâu đó 19-20%. So với con số 30% thường thấy tại các dự án KCN khác trên thị trường, ông Trinh cho rằng muốn so sánh còn phải phụ thuộc vào cách hạch toán chi phí như thế nào. Mặt khác, biên lợi nhuận tại dự án đầu tư còn phải được đánh giá, cân đong đo đếm trên cơ sở mức độ đầu tư hạ tầng, giao thông, tiện ích, … mới có thể chính xác.
Về tiến độ tại các dự án trong năm nay, VGC cho biết vào quý 1/2017 sẽ khởi công dự án dây chuyền kính nổi siêu trắng giai đoạn 1 (2016-2017) tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng vốn đầu tư dự án ước đạt 2,500 tỷ đồng, với công suất 600 tấn/ngày, kỳ vọng tăng lên 1,500 tấn/ngày vào giai đoạn 2 (2019-2020).
Cùng với đó, tầm tháng 6-7/2017, KCN Mỹ Đức sẽ chính thức tung sản phẩm ra thị trường.
Bê bối Samsung không ảnh hưởng nhiều đến việc đầu tư tại KCN Yên Phong mở rộng
Được biết, nhà đầu tư lớn nhất tại KCN Yên Phong hiện nay là Tập đoàn Samung. Thời gian gần đây, trên thị trường dấy lên vụ bê bối tại Tập đoàn Samsung có liên quan đến chính trị Hàn Quốc, vậy tình hình này sẽ ảnh hưởng gì đến quá trình đầu tư vào VGC?
Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Thế Trinh – Giám đốc Ban Bất động sản Công ty nhấn mạnh, mặc dù Samsung là nhà đầu tư chính VGC hướng đến, tuy nhiên vẫn còn nhiều nhà đầu tư khác chứ không riêng Samsung.
Mặt khác, vụ bê bối trên tuy có ảnh hưởng đến Tập đoàn Samsung nói chung, song việc đầu tư vào KCN Yên Phong mở rộng thực tế không bị tác động nhiều. Chia sẻ thêm về điều này, ông Trinh cho biết mới đây VGC đã nhận 10% tiền cọc thuê 62ha đất tại KCN này. Đồng thời, KCN Yên Phong mở rộng được đánh giá là mục tiêu nhắm đến của nhiều nhà đầu tư vệ tinh của Samsung, khi mà diện tích cho thuê tại KCN cũ đã hết. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 6-7 nhà đầu tư vệ tinh trên tổng số 14 nhà đầu tư đã chính thức thuê 15 ha đất tại dự án KCN Yên Phong mở rộng.
Kế hoạch lợi nhuận tăng 29% giai đoạn 2017-2018
Kế hoạch cho năm 2017, VGC đặt mục tiêu doanh thu đạt 8,058 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 967 tỷ, tăng 26%.
Theo BCTC quý 1/2017, VGC ghi nhận 2,029 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Song, nhờ việc cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, giúp giảm thiểu chi phí khiến lãi ròng Công ty thu về tăng mạnh đến 93% so, tương đương đạt 199 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ VGC cũng thực hiện tái cơ cấu toàn diện các đơn vị của Tổng Công ty, thoái 26.72% vốn tại CTCP Cơ khí và Xây dựng Viglacera, góp phần làm tăng lợi nhuận quý 1/2017.
Bước sang năm 2018, VGC kỳ vọng doanh thu tăng 12% (so với kế hoạch 2017) lên mức 9,005 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng hơn 32% lên mức 1,281 tỷ đồng.
Kế hoạch doanh thu – lợi nhuận giai đoạn 2017-2018
Đvt: Tỷ đồng
|
|