Tuần tới, Thủ tướng sẽ gặp doanh nghiệp
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ diễn ra vào ngày 17-5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Chủ đề của hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nói tại cuộc hộp báo chiều 8-5.
“Hội nghị năm nay đặt trọng tâm là tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, chứ không chỉ giải quyết khó khăn của doanh nghiệp”, ông Hà cho biết.
Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) sẽ trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Hội nghị cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Ngay sau hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì họp báo về hội nghị.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Từ sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất tổ chức vào năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức kỷ lục với hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký mới năm 2016.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, có 320 kiến nghị của doanh nghiệp nêu tại hội nghị năm 2016, và 100 kiến nghị gửi bổ sung sau hội nghị. Trong số đó, theo ông Lộc, phần lớn các kiến nghị nêu từ năm 2016 đã được giải quyết; còn lại do vướng mắc ở tầm pháp luật, hoặc đang nghiên cứu giải quyết...
Năm nay VCCI nhận được 200 kiến nghị mới như giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistics, thủ tục phá sản doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp, thanh tra, kiểm tra.
Về mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ông Lộc cho biết, các địa phương đăng ký tổng số doanh nghiệp lên tới 1,4 triệu. Ông nói: “Điều này thể hiện quyết tâm cao của các cấp chính quyền, và chúng ta có thể kỳ vọng đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”.
Về vai trò của kinh tế tư nhân, ông Hà khẳng định, Chính phủ luôn đảm bảo bình đẳng, công bằng giữa các thành phần doanh nghiệp. Trong hội nghị này, số doanh nghiệp khu vực tư nhân được mời nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước.
Ông Lộc cho rằng cuộc gặp hằng năm của Chính phủ với doanh nghiệp là cần thiết nhằm tạo sự thay đổi và nhận thức một cách đầy đủ về khu vực kinh tế tư nhân trong các cấp lãnh đạo, nhất là ở cơ sở...
http://www.thesaigontimes.vn/159830/Tuan-toi-Thu-tuong-se-gap-doanh-nghiep.html
|