Thứ Sáu, 05/05/2017 21:05

Tổng Bí thư: Nhiều DNNN thua lỗ gây bức xúc trong nhân dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 5-5 đã nêu ra một câu hỏi lớn với Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5: "Vì sao những hạn chế, yếu kém của các DNNN đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?".

Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XII khai mạc tại Hà Nội hôm 5-5. Ảnh: TTXVN

Nâng cao hiệu quả DNNN

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sáng 5-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là một vấn đề lớn, khó và phức tạp.

Đảng và Nhà nước ta đã bàn nhiều lần, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển doanh nghiệp nhà nước, và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, đến nay doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…

Tổng Bí thư đặt câu hỏi: "Vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?".

Ông nêu một loạt lý do như: Chưa xác định rõ ràng, đúng đắn chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội của doanh nghiệp nhà nước; chưa có chuẩn mực trong hạch toán kinh doanh đúng đắn và phù hợp với doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hoá thông thường với sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích. Việc quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế. Thể chế quản lý, kiểm tra, giám sát về đầu tư và tài chính đối với doanh nghiệp, nhất là về bảo lãnh vốn vay, định giá đất đai, tài sản hữu hình, vô hình còn nhiều bất cập. Công tác cán bộ, chính sách tiền lương của doanh nghiệp chưa phù hợp với cơ chế thị trường; quyền hạn và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa đủ rõ. Việc tách chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện chậm. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp còn bất cập, dễ bị lợi dụng để trục lợi; tham nhũng, tiêu cực...

Tổng Bí thư đề nghị trung ương thảo luận kỹ các vấn đề: khái niệm và vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; xây dựng mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước lớn; phương án đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của tổ chức đảng và công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước; sự cần thiết phải ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới…

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Tổng Bí thư cho biết, trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X "Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình...

Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, hiện vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, đặc biệt là: Kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh. Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền sở hữu tài sản, nhất là quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ. Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự theo nguyên tắc thị trường...

Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ của hội nghị lần này là ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân

Tổng Bí thư nêu rõ, trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Tỉ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39% - 40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động thiếu ổn định, bền vững, thậm chí bị thua lỗ, giải thể, phá sản. Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng.

Tổng Bí thư đề nghị hội nghị tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

http://www.thesaigontimes.vn/159773/Tong-Bi-thu-Nhieu-DNNN-thua-lo-gay-buc-xuc-trong-nhan-dan.html

Các tin tức khác

>   Vingroup ký thỏa thuận nguyên tắc trị giá 16 ngàn tỷ đồng với Gỗ Trường Thành (05/05/2017)

>   Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (05/05/2017)

>   Tăng cường kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được (05/05/2017)

>   Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (05/05/2017)

>   Trong 3 tháng tới, xuất khẩu cá ngừ sẽ tiếp tục tăng 20% (05/05/2017)

>   Nhập khẩu cao su quý 1 tăng 28% so với cùng kỳ (05/05/2017)

>   Hội nghị Trung ương 5: Đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN (05/05/2017)

>   Tôm Việt Nam nhập vào Mỹ sẽ bị áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm nữa (05/05/2017)

>   Hà Nội lo Thiên Ngọc Minh Uy dừng hoạt động sẽ mất ổn định xã hội (05/05/2017)

>   Bộ Công Thương lên tiếng về việc kiểm tra kho nhôm ở Bà Rịa Vũng Tàu (05/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật